Một lần, tôi vô tình đọc trên báo mạng dòng tin ngắn về một người đàn ông ở Lạng Sơn đã hiến gần 10.000 mét đất cho xã xây trường học. Ở cái thời mà ai cũng bảo "tấc đất tấc vàng" thì điều gì đã làm nên một câu chuyện như trong cổ tích ấy? Và người đàn ông ấy là ai, hiện đang sinh sống như thế nào? Những câu hỏi ấy thôi thúc tôi, buộc tôi phải lên đường...
Từ Hà Nội chúng tôi đi một chặng đường dài tìm đến nhà ông Chu Xuân Lực, Chủ tịch UBND xã Thái Bình, huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn.
Khi chúng tôi mở đầu bằng những thông tin mình đọc được trên báo thì ông Lực kể trong xã có tới vài gia đình hiến đất xây trường học và nhà văn hoá thôn. Mà đặc biệt những người hiến đất đều thuộc hộ gia đình nghèo hoặc cận nghèo.
Ngôi trường tiểu học II được xây trên phần đất của bác Lựa hiến tặng |
Ở một số gia đình trung lưu, khá giả, xin một vài mét để mở rộng đường thì Nhà nước phải đến vận động, còn người hiến hàng nghìn mét đất xây trường học, xây sân chơi, nhà văn hoá lại là những người nghèo, và họ làm với tâm thế hoàn toàn tự nguyện.
Ông kể, ở cách nhà ông không xa là thôn Khe Đa 1 có ông Dương Chống Báo, người dân tộc Dao hiến hơn 1 hecta đất xây trường mầm non.
Ở thôn Bản Chu, có ông Triệu Sinh Thọ, người dân tộc Dao hiến đất xây Trường tiểu học cho bản và Nhà văn hoá thôn. Đặc biệt nhất là ông Hoàng Xuân Lựa, dân tộc Tày đã ba lần hiến đất - lần đầu xây trường mầm non, lần thứ hai xây trường tiểu học, và lần thứ ba là để làm sân bóng cho thôn.
Ông Lực nhấn đi nhấn lại rằng, nhà bác Hoàng Xuân Lựa nhiều năm là hộ nghèo của xã, khoảng ba năm nay mới được xếp vào hộ cận nghèo. Bác Lựa là con liệt sĩ từ thời kháng chiến chống Pháp...
Trong một lần hai vợ chồng trẻ người dân tộc Tày đi dò đường cho cách mạng thì bị lọt vào ổ phục kích của địch, người chồng trúng đạn mất ngay tại chỗ.
Người vợ liền lấy khẩu súng trường trong tay chồng chạy đi, bị giặc bắn vào chân, máu thấm đẫm nhưng nghĩ đến cậu con trai rất nhỏ đang đợi ở nhà, chị đã có một sức mạnh kỳ diệu để thoát ra cơn mưa đạn. Cậu con trai nhỏ mới 3 tuổi đã mất bố, vài năm sau mẹ đi lấy chồng khác. Cậu bé cùng với mẹ rời thị xã đến thôn Khe Cháy và ở đây đến giờ.
Năm tháng thấm thoát đi qua, cậu bé ngày nào trở thành một học sinh ưu tú của Đoàn Thanh Niên dân tộc, sau khi ra trường được giữ lại làm giáo viên. Năm 1981, do đồng lương quá eo hẹp, người giáo viên ấy đành phải từ giã trường lớp về nhà làm ruộng phụ vợ nuôi con.
Đến năm 1983, sau lời mời của xã, ông ra làm Bí thư Đoàn thanh niên, và sau đó là Trưởng ban Tư pháp xã cho đến ngày về hưu. Năm nay bác Lựa vừa tròn 70 tuổi. Mấy chục năm cuộc đời của bác Lựa được chủ tịch xã Chu Xuân Lực tóm tắt ngắn gọn vậy.
Ông Lực dẫn chúng tôi đến Trường mầm non Khe Cháy, rồi đến trường Tiểu học I và II... - nơi bác Lựa hiến đất xây trường. Trường được xây dựng trên nền đất rộng với ba dãy nhà quét vôi màu vàng. Đang là kỳ nghỉ, nên học sinh về hết.
Nhưng nhìn lá cờ đỏ sao vàng trước sân trường, tôi chợt nghĩ tới cảnh hàng trăm, hàng nghìn học sinh của nhiều khoá học đã đứng dưới sân trường này hát Quốc ca, với tâm thế tràn đầy hãnh diện về quê hương mình.
Đến giờ ra chơi, cũng tại sân trường rợp bóng mát này, các em sẽ chơi nhảy lò cò, ô ăn quan, phi ngựa, ném ống bơ... những trò chơi dành cho trẻ em nghèo vùng quê. Con người ta ai cũng có tuổi thơ, và tuổi thơ của các em bé vùng quê nơi đây luôn yên ả, thanh bình như thế...
Ông Lực đứng ở giữa sân trường, chỉ tay vào bãi đất rộng phía trước: "Vừa mới đây, lần thứ ba, bác Lựa lại hiến đất để làm sân vận động thể thao cho thôn. Người ta vừa mới thi công xong".
Ngắm nghía ngôi trường hồi lâu chúng tôi được dẫn tới nhà bác Lựa. Đường vào nhà bác Lựa có những ngôi nhà to, đẹp, mà nói không ngoa thì đấy là những "căn biệt thự" sang trọng chốn đồng quê.
Bác Hoàng Xuân Lựa trong căn chòi trên đồi của mình. |
Thấy chúng tôi tỏ vẻ ngạc nhiên về những căn biệt thự này, ông Lực giải thích, trong vài ba năm trở lại đây, dự án đầu tư nước ngoài về tận thôn, người dân trồng thông lấy nhựa, thu hoạch phát triển, nên chẳng mấy chốc mà giàu...
Đi qua những ngôi biệt thự sang trọng, chúng tôi đến một căn nhà một tầng vách đắp bằng mùn đất, mái ngói đỏ. Ở xã hội hôm nay, tìm thấy một căn nhà còn đắp đất là điều hãn hữu...
Và trong "ngôi nhà hãn hữu" đó, người đàn bà 60 tuổi với cái áo nâu giản dị - vợ bác Hoàng Xuân Lựa, chỉ vào cái giường gỗ ọp ẹp rồi kể: "Tôi nằm nghỉ ở đây, hai con thì mỗi thằng một căn gác xép ở hai bên nhà. Nhà đông con, lắm cháu, lại toàn người làm ruộng, nhưng cứ lần nào bố nó đề nghị hiến đất cho xã xây trường học là tất cả các con lại ủng hộ. Chả ai phản đối. Chúng nó bảo, xây trường, xây lớp thì mai này các con của con, các cháu của ông bà được hưởng. Việc tốt đẹp như vậy, sao lại không làm?".
Cho đi một số lượng đất rất lớn, việc ấy kể ra phải làm người ta lăn tăn, suy nghĩ lắm. Thế mà không những ông bà đồng ý làm, mà các con của ông bà cũng đồng ý, tuyệt nhiên không ngăn cản, phản đối gì. Phải dạy dỗ con cái như thế nào mới được như thế nhỉ?
Cảm nhận được những suy nghĩ của chúng tôi, người đàn bà có vẻ ngoài lam lũ nhưng gương mặt phúc hậu này liền bảo: "Đói nghèo mà vẫn vui. Chỉ mong gia đình con cái đừng có bệnh tật nan y là được".
Rồi bà bất ngờ bảo, chồng mình không sống ở đây, mà sống ở một cái chòi trên một quả đồi gần đó, cả tuần chỉ về nhà một, hai lần. Căn chòi ấy nhìn xa bé tí như một cái chuồng chim.
Đến gần, từ chòi nhìn xuống thấy rất rõ ngôi trường tiểu học I và II được xây nên từ mảnh đất mà bác Lựa hiến cho xã. Ông chủ tịch xã bảo, không hẹn trước chẳng biết bác Lựa có nhà không, vì bác ấy hay vào rừng lấy mật ong dài ngày..
May thay, sau tiếng gọi của ông chủ tịch xã thì có người mở cửa chòi. Cái chòi bé chỉ đủ kê một cái giường đơn cùng một chiếc ti vi cổ lỗ sĩ treo trên vách. Trên căn xép là mấy bao thóc, do bác Lựa tự tay thu hoạch.
Khi chúng tôi hỏi lý do khiến bác sẵn sàng hiến đất xây trường mà chẳng lăn tăn, suy nghĩ gì, bác cười xoà: "Niềm vui nhiều khi đơn giản ấy mà. Như tôi này, ngồi trong chòi nghe tiếng loa phát thanh của nhà trường mà thấy vui tai. Bây giờ đang là kỳ nghỉ, không thấy loa nhà trường nữa, không thấy bóng dáng bọn trẻ nữa, lại thấy nhớ".
Ông Chu Xuân Lực và bác Hoàng Xuân Lựa trước căn chòi trên đồi. |
Tôi hỏi tiếp: "Chỉ cần bán đi một nửa số đất đã hiến cho xã thì bây giờ bác có tiền xây biệt thự rồi cũng nên?". Bác Lựa ậm ừ: "Nhà cao cửa rộng cũng tốt, mà không có cũng chẳng sao!".
Bác Lựa kể rằng, bác từng đi dạy học, từng chứng kiến nhiều trẻ em vì trường ở xa nên không theo học được. Vì thế, khi thấy xã có ý định xây trường, giúp con chữ được lan tỏa thì bác ủng hộ ngay.
Bác Lựa nói về việc hiến 10.000m đất của mình một cách tự nhiên, giản dị lắm.
Nhưng với riêng tôi - người sống quá lâu trong thành phố, chứng kiến quá nhiều những bon chen, tỵ hiềm, đấu đá trong thành phố thì trước sự giản - dị - cao - cả ấy (nếu có thể nói như vậy), tôi bất giác nhớ đến câu danh ngôn của thi hào Goethe: "Trước một trí tuệ vĩ đại tôi xin cúi đầu, trước một trái tim vĩ đại tôi xin quỳ gối".
Với riêng tôi, bác Lựa là một trái tim vĩ đại!
.