Phụ huynh hành xử theo kiểu côn đồ, giải quyết, thanh toán bức xúc cá nhân bằng bạo lực… hành động đó phải bị nghiêm trị.
Sự việc phụ huynh ở An Giang bắt cô giáo phải quỳ gối chưa kịp lắng xuống lại tiếp tục xảy ra vụ phụ huynh vào trường mầm non đánh cô giáo thực tập đang mang bầu có nguy cơ sảy thai. Sự việc này gióng lên một báo động đỏ về bạo lực học đường đang có một xu hướng mới, không phải giữa học sinh với học sinh, học sinh với giáo viên, mà giữa phụ huynh với giáo viên.
Giáo viên đánh học sinh, phụ huynh đánh giáo viên, một môi trường giáo dục quá nhiều rủi ro rình rập; hận thù và mâu thuẫn cá nhân được giải quyết theo kiểu "tự xử” côn đồ. Tình trạng phụ huynh can thiệp quá sâu vào công việc của nhà trường, của lớp, thậm chí đe doạ đến tính mạng, danh dự của nhà giáo đã khiến nhiều thầy cô không còn dám hăng say, tâm huyết với nghề. Bởi họ sợ, việc làm của mình lại mang vạ vào thân.
Sự côn đồ, hù doạ của phụ huynh với giáo viên sẽ đem lại lợi ích cho ai? Chẳng ai cả mà chỉ thiệt thòi nhất cho các em học sinh. Bởi như vừa đề cập, khi giáo viên giảng dạy, công tác trong một môi trường bạo lực rình rập thì họ sẽ không dám làm việc hết mình, không dám uốn nắn các sai sót, lỗi lầm của học sinh. Con cái hư, cha mẹ lại gánh chịu sự ức chế và lại đổ những căng thẳng đó lên đầu giáo viên. Một cái vòng luẩn quẩn xuất phát từ sự thiếu hiểu biết pháp luật, thiếu trách nhiệm hoặc hiểu sai về trách nhiệm của mỗi cá nhân sẽ dễ khiến các em học sinh có suy nghĩ, hành động lệch lạc, ỷ thế, cậy quyền…
Ngôi trường nơi xảy ra vụ việc phụ huynh đánh giáo viên đang mang bầu nguy cơ sảy thai. |
Lẽ ra phụ huynh phải là “đối tác” quan trọng của thầy cô giáo và nhà trường trong việc chung tay giáo dục các em, nhưng thực tế hiện nay thì sao, nhiều người trong số họ đang trở thành lực lượng đối đầu, giải quyết những bực tức cá nhân bằng bạo lực, nhìn mọi hành động của giáo viên dưới con mắt hận thù, coi mọi biện pháp giáo dục với con em mình là những ứng xử cá nhân mang tính yêu ghét.
Phải “tôn sư trọng đạo”, “muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy”, “không thầy đố mày làm nên”… những câu nói ấy muốn nhấn mạnh tới vai trò của người thầy trong việc dạy dỗ, giáo dục học trò nhưng dường như hiện nay đang bị phai nhạt. Bởi, từ những gì xảy ra thời gian qua, nhiều giáo viên làm gì cũng phải “nhìn trước, ngó sau”, “cân não” xem hành động của mình có bị phụ huynh phản ứng, đánh đập, gây mâu thuẫn căng thẳng không. Sự sợ hãi đang lấn át sáng tạo, sự nghiêm khắc của người thầy. Thấy học sinh hư thầy cô tìm cách lảng tránh, bởi “tránh voi chắng xấu mặt nào”, dạy trò đấy nhưng trước khi phê bình trò còn phải nghĩ kỹ xem “đó là con nhà ai?”.
Cần nghiêm trị những kẻ côn đồ tấn công giáo viên, nhưng điều đó cũng chưa giải quyết được gốc rễ vấn đề. Điều quan trọng là phải xây dựng, phát triển một nền giáo dục có tôn ti, trật tự, ở đó người thầy được tôn trọng và học sinh là trung tâm của mọi hoạt động sư phạm. Muốn làm được như vậy thì luật pháp phải thực sự nghiêm minh, xử lý nghiêm những kẻ coi thường pháp luật. Đừng để nghề giáo thành nghề nguy hiểm!
Người lớn, người làm cha làm mẹ không gương mẫu trong từng lời ăn, tiếng nói, trong cách hành xử với giáo viên và những người xung quanh thì ước mơ đào tạo, phát triển những thế hệ học sinh có đạo đức, kỷ luật, có trình độ, năng lực, làm chủ tương lai đất nước là một điều gì đó rất xa chẳng ai dám nghĩ tới./.
.