(Congannghean.vn)-Với truyền thống “hộ quốc an dân, đồng hành cùng dân tộc", thời gian qua, Phật giáo Nghệ An đã có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển của tỉnh nhà, với nhiều dấu ấn trên các lĩnh vực. Đặc biệt, với việc tham gia tích cực vào các hoạt động từ thiện, nhân đạo, hình ảnh những tăng ni, Phật tử tự bao giờ đã trở nên rất đỗi thân thương, quen thuộc trong lòng nhân dân.
Đồng chí Lê Xuân Đại, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh tặng bức trướng “Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Nghệ An đoàn kết, hòa hợp, phụng đạo yêu nước đồng hành cùng dân tộc” cho Giáo hội Phật giáo tỉnh |
Nêu cao tinh thần “nhập thế”
5 năm qua, toàn tỉnh có 50 cơ sở Phật tự được chính thức công nhận, với gần 50.000 Phật tử sinh hoạt tại các chùa, đạo tràng, hội Phật tử. Nhiệm kỳ 2011 - 2017, các hoạt động Phật sự của Phật giáo tỉnh đã chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Chính quyền các cấp, ngành chức năng và Ban trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh đã chú trọng công tác giáo dục, nâng cao hiểu biết về chính sách pháp luật, trách nhiệm, nghĩa vụ công dân và giáo lý, giáo luật tới các tăng ni, Phật tử. Cùng với đó, chủ động tham mưu, xử lý các vụ việc mâu thuẫn nội bộ, vi phạm trong xây dựng chùa, khiếu kiện trái pháp luật… đạt kết quả tốt. Nhờ nêu cao tinh thần “nhập thế”, dấu ấn của Phật giáo in đậm trên mọi lĩnh vực của đời sống.
Với phương châm “sống tốt đời, đẹp đạo”, các tăng ni, Phật tử luôn tích cực hưởng ứng các chương trình lớn như chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, chung tay xây dựng biển đảo quê hương, đồng hành cùng ngư dân bám biển, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ. Việc ủng hộ các quỹ vì người nghèo, quỹ khuyến học, khuyến tài, quỹ đền ơn đáp nghĩa cũng được Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh phổ biến rộng rãi và nhận được sự đồng thuận cao. Các thông điệp của Đại lễ Phật đản như: Mỗi người, bằng những hành động thiết thực nhất, hãy bảo vệ môi trường bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu đang đe dọa đời sống của chính chúng ta... cũng được cụ thể hóa bằng nhiều việc làm cụ thể.
Trên lĩnh vực chính trị, với uy tín và sức ảnh hưởng sâu rộng, đã có nhiều vị tăng ni được tín nhiệm bầu làm đại biểu HĐND cấp tỉnh, huyện, tích cực tham gia hoạt động của các tổ chức đoàn thể như MTTQ, Hội Chữ thập đỏ, Thanh niên, Phụ nữ… Trong những năm qua, nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa cộng đồng cũng như tổ chức các lễ hội truyền thống, nhiều chùa đã tiến hành trùng tu, xây dựng lại công trình thờ tự đảm bảo trang nghiêm và lưu giữ nét văn hóa truyền thống của Phật giáo xứ Nghệ như: Chùa Cần Linh (TP Vinh), chùa Cổ Am (Diễn Châu), chùa Chí Linh (Yên Thành), chùa Lam Sơn (Quỳnh Lưu), chùa Đại Tuệ (Nam Đàn)...
Những dấu ấn nặng nghĩa tình
Một dấu ấn mang đậm giá trị nhân văn trong hoạt động của Phật giáo Nghệ An những năm qua là sức lan tỏa của nhiều chương trình từ thiện, nhân đạo, vì cộng đồng. Phát huy tinh thần từ bi cứu khổ của đạo Phật và truyền thống “hộ quốc an dân, đồng hành cùng dân tộc”, từ năm 2011 đến nay, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh và các chùa đã vận động các nhà hảo tâm, tăng ni, Phật tử tích cực ủng hộ, tham gia các hoạt động thiện nguyện với số tiền trên 25 tỉ đồng. Sức lan tỏa rộng rãi của những nghĩa cử cao đẹp đó xuất phát từ sự thấm nhuần tư tưởng từ bi của đạo Phật. Thấm đẫm tinh thần Phật giáo, với quan niệm việc làm giàu không chỉ đơn thuần là chăm lo cho bản thân mà còn phải có trách nhiệm với đất nước, với cộng đồng, nhiều cá nhân và tổ chức ngày càng hướng sự quan tâm đặc biệt đến các hoạt động xã hội, thiện nguyện.
Tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, nhân đạo là dấu ấn nổi bật của Phật giáo Nghệ An trong những năm qua |
Thời gian qua, rất nhiều chương trình từ thiện trao học bổng, mang áo ấm, lương thực, các vật dụng thiết yếu do các tăng ni, Phật tử trên địa bàn tỉnh phát động đã nhận được nhiều sự ủng hộ, quyên góp của người dân. Giá trị các nhu yếu phẩm tuy nhỏ nhưng đã gói trọn tấm lòng của các Phật tử, các nhà hảo tâm gửi tới đồng bào dân tộc thiểu số và những mảnh đời bất hạnh với ước mong làm vơi bớt phần nào sự khó khăn, thiếu thốn của họ.
Cùng với đó, các chương trình tiêu biểu như: Bát cháo từ tâm, phát cơm miễn phí cho học sinh, sinh viên vào mùa thi ở chùa Phúc Thành (huyện Hưng Nguyên); ủng hộ xây dựng nhà tình thương, nhà đại đoàn kết ở chùa Đại Tuệ (huyện Nam Đàn) cũng tạo được sức lan tỏa và hiệu ứng tích cực trong cộng đồng. Nổi lên như một trong số các điểm sáng tiêu biểu, hoạt động thực hiện nhiều ca mổ tim miễn phí của chùa Đại Tuệ đã tạo nên giá trị nhân văn to lớn trong cộng đồng khi đem lại cuộc đời mới cho nhiều hoàn cảnh khó khăn.
Với triết lý “Hạnh phúc lớn nhất của đời người là làm cho nhiều người hạnh phúc”, mỗi việc làm xuất phát từ tâm của các tín đồ Phật giáo đều hướng đến niềm vui, lợi ích chung của cộng đồng. Đạo từ đời mà có và đạo lại đi vào đời, Phật giáo Nghệ An luôn thích ứng với mọi sự đổi thay, hòa nhập với sự phát triển của địa phương; đồng thời, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Trong những năm qua, UBND tỉnh đã có nhiều chủ trương, giải pháp tăng cường hiệu quả quản lý Nhà nước và tạo điều kiện để hoạt động Phật giáo trên địa bàn tỉnh phát triển đúng định hướng pháp luật. Yêu cầu đặt ra trong thời gian tới là, Phật giáo Nghệ An cần chú trọng quản lý các hoạt động nghi lễ, nhất là tại các chùa chưa có sư trụ trì, các cơ sở có nguồn gốc Phật giáo chưa được phục hồi và các điểm sinh hoạt Phật giáo tại các địa phương chưa có chùa. Qua đó nhằm tránh tình trạng tăng ni, tu sĩ hoạt động bất hợp pháp, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình ANTT trên địa bàn.
Thực tế cho thấy, sự đồng hành, đóng góp thiết thực của Phật giáo Nghệ An vào sự phát triển KT-XH, đời sống văn hóa của tỉnh nhà đã tạo được sức ảnh hưởng sâu rộng trong xã hội. Tin tưởng rằng, Phật giáo Nghệ An sẽ ngày càng có nhiều hoạt động phật sự chăm lo đến đời sống dân sinh và thắt chặt khối đại đoàn kết toàn dân, phục vụ đắc lực sự nghiệp phát triển KT-XH của tỉnh nhà.