(Congannghean.vn)-Chị là cô công nhân nghèo từ Nghệ An vào Sài thành lập nghiệp nhưng chẳng may bị bệnh ung thư tủy; còn anh là chàng trai từ Tiền Giang lên thành phố mang tên Bác làm nghĩa vụ quân sự. Cơ duyên đưa anh chị đến với nhau. Suốt 15 năm qua, anh rong ruổi cùng chị khắp từ Bắc chí Nam, vừa xây dựng mái ấm hạnh phúc, vừa giúp chị chữa bệnh.
Suốt 15 năm qua, anh Trương Văn Chín luôn bên cạnh động viên và chăm sóc người vợ bệnh tật |
Gia cảnh nghèo khó, năm 2000, Nguyễn Thị Phương (SN 1979) khăn gói rời quê nhà ở xóm Gia Đề, xã Nghĩa Dũng, huyện Tân Kỳ (Nghệ An) vào TP Hồ Chí Minh làm công nhân. Trong thời gian này, duyên phận đưa đẩy để Phương gặp Trương Văn Chín (SN 1977) quê ở huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, lúc bấy giờ đang là lính nghĩa vụ, đóng quân gần nhà máy nơi Phương làm công nhân.
Mưu sinh xa xứ được một thời gian, cô gái 21 tuổi như chết lặng khi phát hiện mình bị ung thư tủy. Sau nhiều năm gõ cửa các bệnh viện trong vô vọng, tiền bạc cạn kiệt, Phương tuyệt vọng về quê nằm chờ chết mà không báo cho Chín biết. Không điện thoại, không địa chỉ, nhưng vì tình yêu, Chín quyết định bắt xe ra Nghệ An, lần theo trí nhớ mơ hồ về địa chỉ của người yêu mà trong những câu chuyện xã giao trước đó, Phương đã kể cho anh nghe. Gặp lại nhau trong hoàn cảnh trớ trêu, khi đôi chân Phương đã dần teo tóp, nhưng Chín không thất vọng, anh xin gia đình cho phép mình đưa Phương trở lại TP Hồ Chí Minh chữa bệnh. Ngót năm trời trôi đi, ngày ngày Chín đi làm thuê kiếm tiền chữa trị cho người yêu nhưng cuối cùng, cả hai vẫn phải tủi phận trở về khi căn bệnh của Phương ngày càng nặng thêm.
Yêu Phương, Chín đã quyết định ở lại Nghệ An, vừa làm bạn tri kỷ, vừa chăm sóc cho Phương, bởi lúc này cô đã trở thành phế nhân, đôi chân bất động, mọi sinh hoạt đều phải dựa vào người khác. Năm 2006, câu chuyện của Phương và Chín đến tai ông chủ Tập đoàn Đông dược Bảo Long Hà Nội - Lương y Nguyễn Hữu Khai. Xúc động, Bệnh viện Bảo Long đã vào tận Tân Kỳ đón Nguyễn Thị Phương ra Hà Nội chữa trị. Phép màu đã đến khi không chỉ Phương từ một cô gái chỉ nặng 27 kg, chân teo tóp đã phục hồi nhanh chóng, da dẻ hồng hào, lên cân trở lại, mà điều kỳ diệu hơn, 1 năm sau đó Phương mang thai. Đến tháng thứ 8, Phương sinh được một bé trai nặng 2,1 kg.
Sau 4 năm được Bệnh viện Bảo Long chữa trị, giúp đỡ, năm 2011, khi Phương đã chiến thắng được thần chết, 2 vợ chồng về Tân Kỳ sinh sống và được bố mẹ cắt cho một mảnh đất trong vườn, xây cho căn nhà nho nhỏ. Bé Trương Bảo Phúc, quả ngọt của chuyện tình cổ tích năm nay cũng đã học lớp 4, thông minh và lanh lợi. Thử thách vẫn chưa hết khi vào những ngày giáp Tết 2017, Phương bị tràn dịch phổi, phải điều trị tại Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An. “Bữa ấy tưởng không qua được, kíp bác sĩ đến từ Bệnh viện Chợ Rẫy ra trợ giúp cũng đã lắc đầu, xe cứu thương đưa chị về tận nhà, phải duy trì sự sống bằng bình oxy. Thế mà thêm một lần nữa, điều kỳ diệu lại đến khi bỗng dưng sau vài ngày, chị thấy mình khỏe dần lên. Có lẽ, chồng và con đã cứu sống chị”, Phương xúc động tâm sự.
Chia sẻ về cuộc sống thường ngày, Nguyễn Thị Phương cho biết, bản thân thấy vui sống và tự hào khi hằng ngày vẫn có thể kiếm tiền phụ giúp chồng thông qua bán hàng tạp hóa và nhận làm dịch vụ đánh máy, in văn bản cho những người có nhu cầu trong xã. Ngoài ra, chị còn có một công việc hết sức đặc biệt khác là làm thơ và viết tự truyện.
Tác phẩm đầu tay của Nguyễn Thị Phương là cuốn tự truyện “Cổ tích tình yêu”, được Nhà xuất bản Công an nhân dân “đỡ đầu”. Cuốn sách kể về câu chuyện tình yêu và những điều chưa từng chia sẻ với ai của Phương, đó cũng là lời yêu mà chị muốn dành riêng cho Chín, người đã hy sinh cả tuổi trẻ và thời thanh xuân để tìm lại sự sống cho Phương. Ngoài ra, Nguyễn Thị Phương cũng là tác giả của 2 cuốn “Mảnh trăng khuyết” (thơ) và “Hành trình kỳ diệu” (truyện ngắn) do Nhà xuất bản Nghệ An ấn hành. Đây là những đứa con tinh thần, được Phương gửi gắm tâm tư, tình cảm và nỗi niềm của bản thân cho những người đã sát cánh bên Phương trong chặng đường dài chống chọi với bệnh tật, xây đắp hạnh phúc.