Mọi người thường nghĩ bỏ bữa sáng không ảnh hưởng gì tới sức khỏe bởi cơ thể vẫn được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng ở hai bữa còn lại trong ngày. Tuy nhiên trên thực tế việc bỏ bữa sáng sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Bữa sáng là một trong ba bữa ăn hàng ngày của người Việt Nam nói riêng và của con người nói chung. Thế nhưng, không ít người, đặc biệt là các bạn trẻ thường không có thói quen ăn sáng vì không có đủ thời gian (dậy trễ, sắp tới giờ làm việc), hoặc là họ nghĩ rằng: đó là cách để cắt giảm lượng calo nạp vào cơ thể và giảm cân.
Tuy nhiên, không ăn sáng sẽ khiến mức năng lượng giảm, tỷ lệ trao đổi chất thấp, tăng cân, giảm sức mạnh, tăng tỷ lệ thương tích, giảm mật độ xương, giảm nhiệt độ cơ thể, giảm sức đề kháng và mắc nhiều bệnh tật... Ngoài ra còn khiến cholesterol trong máu tăng cao, loét dạ dày, thay đổi tâm trạng và rối loạn kinh nguyệt...
Điều đáng lưu ý là việc bỏ bữa sáng sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch bởi theo nghiên cứu mới đây được đăng trên Tạp chí của American College of Cardiology, những người thường xuyên bỏ ăn sáng có thể hình thành các mảng bám tích tụ ở động mạch, dễ dẫn đến nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn.
Theo đó, bỏ bữa sáng có liên quan đến mức cholesterol cao hơn. Tuy nhiên, nghiên cứu mới đây phát hiện mối liên quan giữa bỏ ăn sáng với giai đoạn sớm của chứng xơ vữa động mạch, hay còn gọi là hội chứng tắc nghẽn và thu hẹp các động mạch.
Bỏ bữa sáng sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Ảnh minh họa |
Các nhà nghiên cứu đã tiến hành phân tích dữ liệu về chế độ ăn uống của hơn 4.000 nam giới và phụ nữ trong độ tuổi từ 40-54, sống tại Tây Ban Nha. Các nhà khoa học chia tổng số người tham gia nghiên cứu thành 3 nhóm, trong đó dựa trên lượng calo họ ăn trong bữa sáng theo thứ tự: ít hơn 5%, từ 5-20% và hơn 20%.
Chỉ có khoảng 3% số người ở nhóm đầu tiên, có nghĩa là họ bỏ ăn sáng và chỉ uống cà phê, nước trái cây hoặc đồ uống khác. Phần lớn khoảng 69% số người ăn sáng với mức calo thấp (bánh mì nướng hoặc bánh ngọt nhot), tỏng khi 28% còn lại ăn bữa sáng đầy đủ.
Các nhà nghiên cứu tiến hành phân tích sâu hơn về bữa ăn sáng của từng nhóm, sau đó họ thực hiện các bài kiểm tra điện tâm đồ trên từng người tham gia để đo động mạch phát hiện các dấu hiệu ban đầu của xơ vữa động mạch – hay còn gọi là sự tích tụ các mảng bám ở động mạch.
Họ phát hiện ra rằng, những người ăn sáng ít hoặc không đầy đủ cũng có nguy cơ nói trên, dù nguy cơ này không quá lớn như ở những người bỏ bữa sáng hoàn toàn. Chẳng hạn, những người ăn ít vào buổi sáng có 21% nguy cơ mảng bám tích tụ ở động mạch, trong khi những người không ăn sáng nguy cơ này lên đến 76%.
Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện, những người thường xuyên bỏ ăn sáng cũng có chu vi vòng eo và chỉ số cơ thể, huyết áp, mức cholesterol và mức đường glucose trong máu cao hơn.
Các tác giả nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, những người thường xuyên bỏ bữa sáng cũng có khuynh hướng lối sống không lạnh mạnh, bao gồm chế độ ăn uống nghèo dinh dưỡng, thường xuyên uống rượu và hút thuốc lá. Họ cũng thuộc đối tượng bị thừa cân và béo phì, vì vậy họ coi việc bỏ bữa sáng như một chiến lược giảm cân.
Trước đó, các nhà nghiên cứu thuộc Đại học California, San Francisco và và Viện Tim, Phổi và Máu Quốc gia đã nhận định rằng, bỏ bữa sáng là nguyên nhân dẫn đến việc mất cân bằng hormone và thay đổi nhịp sinh học. Đồng thời, nó cũng khiến cho con người có xu hướng nạp nhiều calo bằng các thực phẩm không lành mạnh.
“Bỏ bữa sáng là một trong những thói quen ăn uống và lối sống không lành mạnh có liên quan đến chứng xơ vữa động mạch cận lâm sàng”, các nhà nghiên cứu kết luận.