(Congannghean.vn)-Những năm gần đây, tình hình thiên tai trên địa bàn huyện Quỳ Hợp diễn biến phức tạp, đặc biệt là hiện tượng lũ lụt, sạt lở đất xảy ra ở nhiều nơi với mức độ ngày càng gia tăng, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Hiện nay, dù đã có nhiều nỗ lực giảm nhẹ thiên tai, song Quỳ Hợp vẫn đang gặp nhiều khó khăn trong công tác di dời các hộ dân ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở.
Sau 8 năm, khu tái định cư tại Piêng Luống, xã Châu Thành vẫn chưa xây dựng xong |
Hằn sâu trong đôi mắt của bà Trương Thị Trần trú tại xóm Sơn Tiến là nỗi lo về sự an toàn tính mạng của gia đình mình mỗi mùa mưa lũ đến. Hiện tại, gia đình bà Trần là 1 trong 4 hộ dân của xã Thọ Hợp nằm trong vùng bị ảnh hưởng của thiên tai cần phải di dời. Điểm sạt lở cách giếng nước sinh hoạt của gia đình bà Trần chỉ hơn 2 m. Hơn 30 năm sinh sống ở đây cũng là chừng ấy thời gian bà và gia đình phải sống chung với lũ. Cũng chung tình cảnh tương tự là gia đình chị Vi Thị Hằng ở bản Rốc, xã Châu Đình. Ngôi nhà nằm cạnh dòng chảy vào sông Dinh khiến gia đình lâm vào cảnh “ngàn cân treo sợi tóc”.
Những năm qua, do ảnh hưởng của mưa lũ, trên địa bàn huyện Quỳ Hợp bị sạt lở với tổng chiều dài gần 25 km, ảnh hưởng đến 409 hộ dân, tập trung ở các xã: Châu Thành, Châu Cường, Châu Quang, Châu Thái, Châu Lý, Châu Đình, Thọ Hợp, Tam Hợp và Nghĩa Xuân.
Được biết, công tác di dân ra khỏi vùng thiên tai ở huyện Quỳ Hợp hiện gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Trên địa bàn đang thực hiện 3 dự án tái định canh, định cư cho 122 hộ dân vùng thiên tai bị sạt lở ở các xã Châu Thành, Châu Tiến và Liên Hợp. Song, trong quá trình thực hiện Chỉ thị 1792 của Thủ tướng Chính phủ, cắt giảm một số hạng mục nên thời gian thực hiện dự án chậm; thêm vào đó, việc phân bổ vốn từ Trung ương và tỉnh cho địa phương chậm. Vì vậy, các hộ dân chưa được bố trí đến khu vực tái định cư đảm bảo an toàn theo mục tiêu của các dự án ở địa phương.
Qua tìm hiểu thực tế tại khu tái định cư Piêng Luống, xã Châu Thành được biết, khu tái định cư này có tổng mức đầu từ hơn 18,8 tỉ đồng, phục vụ định canh, định cư cho 50 hộ, được triển khai từ năm 2009 - 2011. Song, đến nay mới hoàn thành việc san nền, xây dựng, nâng cấp đường giao thông vào khu tái định cư và xây dựng công trình nước tự chảy, san lấp mặt bằng giai đoạn 2, đường điện sinh hoạt…, với tổng giá trị xây lắp hơn 7 tỉ đồng. Do gặp khó khăn về nguồn vốn nên sau 8 năm, nhiều hạng mục của dự án chưa triển khai xây dựng như trường mầm non, nhà sinh hoạt cộng đồng, hỗ trợ dân làm nhà, công trình điện, nước sinh hoạt…
Hàng năm, để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho nhân dân trong mùa mưa bão, UBND huyện đã xây dựng kế hoạch và triển khai phương án di dân ra khỏi vùng nguy hiểm. Huyện đã chủ động rà soát những vị trí có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, lập phương án và kế hoạch để tổ chức di dời, chuẩn bị tốt mọi phương tiện cứu hộ, cứu nạn, không để người dân phải sống trong vùng nguy hiểm. Tuy nhiên, việc di dân còn gặp nhiều khó khăn do những nguyên nhân chủ quan và khách quan. “Trước những khó khăn đó, hiện nay UBND huyện đã có tờ trình đề nghị UBND tỉnh cho phép triển khai giai đoạn 2 của dự án nhằm mục tiêu đưa các hộ dân vào khu tái định cư. Chúng tôi cũng mong tỉnh bố trí đủ nguồn vốn để thực hiện các dự án trên địa bàn, cho người dân về khu tái định cư an toàn trong mùa mưa lũ sắp tới”, ông Trương Hải Nam, Giám đốc Ban quản lý dự án huyện Quỳ Hợp cho biết.
Trong khi chờ nguồn vốn của Trung ương, để việc di dân ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở được thực hiện đồng bộ và để khắc phục, giảm thiểu thiệt hại có thể xảy ra trong mùa mưa bão, huyện Quỳ Hợp đã tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về hiểm họa của thiên tai. Trong đó, tăng cường công tác dự báo, cảnh báo về các hiện tượng thời tiết sẽ xảy ra; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, trang bị những kiến thức tự phòng tránh bão, lũ đến đông đảo nhân dân. Đặc biệt, phương án phòng chống thiên tai, lụt bão theo phương châm “4 tại chỗ” đã được chuẩn bị kỹ lưỡng.