Bệnh sốt xuất huyết đang bước vào đợt cao điểm. Trong số đối tượng mắc bệnh có phụ nữ mang thai chiếm khoảng 10%.
Ảnh minh họa |
Theo TS. Đỗ Duy Cường, Trưởng Khoa Truyền nhiễm (BV Bạch Mai), dịch sốt xuất huyết đang bước vào đợt cao điểm, số bệnh nhân đến khám tăng liên tục. Trong đó, phụ nữ có thai chiếm15-20% số bệnh nhân sốt xuất huyết tại Khoa này.
Do diễn biến bệnh trong những trường hợp này rất khó lường, vì vậy các bác sĩ thường khuyên nhập viện điều trị. Vào viện, bệnh nhân sẽ được theo dõi công thức máu, đông máu, chức năng gan, thận, tình trạng của thai nhi. Các bác sĩ cũng có đánh giá để nhận định người bệnh có dấu hiệu dọa sảy hay sảy thai, đẻ non (đặc biệt trong những tháng cuối của thai kỳ) hoặc rong kinh, rong huyết hay không.
TS. Đỗ Duy Cường khuyến cáo phụ nữ mang thai phụ cần phòng tránh mắc sốt xuất huyết như mặc quần áo dài, chân đi tất, ngủ màn tuyệt đối, thoa kem để tránh muỗi đốt... Khi có sốt, các thai phụ nên đi khám sớm để được theo dõi chặt chẽ.
Tuy nhiên, phụ nữ mang thai phụ mắc bệnh cũng không nên quá lo lắng. Trên thực tế, các em bé sinh ra từ bà mẹ bị sốt xuất huyết không bị ảnh hưởng gì.
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, do muỗi truyền. Do chưa có vaccine phòng bệnh nên biện pháp dự phòng chủ yếu là diệt muỗi, diệt lăng quăng (bọ gậy) và phòng chống muỗi đốt.
Khi bị sốt, uống thuốc hạ sốt không hạ, nếu ở trong vùng có dịch, người dân nên nghĩ đến bệnh sốt xuất huyết và đến cơ sở y tế khi có những dấu hiệu như sốt cao 39-40 độ C, mệt mỏi, chán ăn, đau nhức hố mắt, đau đầu . Đặc biệt, người già, trẻ nhỏ, người có bệnh mãn tính... nên đi khám sớm vì bệnh có thể chuyển biến nặng ngay trong những ngày đầu.