Gia đình xã hội

Xã 'nông thôn mới' nhưng lò gạch thủ công vẫn hoạt động?

07:58, 06/05/2017 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Đó là sự việc xảy ra tại xã Tào Sơn, huyện Anh Sơn. Mặc dù vừa được UBND tỉnh công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới, thế nhưng không hiểu vì sao 3 lò gạch thủ công lâu năm ở xã này vẫn duy trì hoạt động, gây ô nhiễm môi trường. Điều này diễn ra giữa “thanh thiên bạch nhật” khiến dư luận không khỏi nghi ngờ có hay không một sự “nương tay” của chính quyền địa phương?

Lò gạch thủ công ở xã Tào Sơn, huyện Anh Sơn  vẫn hoạt động, bất chấp các văn bản chỉ đạo  của UBND tỉnh
Lò gạch thủ công ở xã Tào Sơn, huyện Anh Sơn vẫn hoạt động, bất chấp các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh
Tại Quyết định số 121/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 29/8/2008 với nội dung: Rà soát, tổ chức lại các cơ sở sản xuất gạch thủ công hiện nay để chuyển sang công nghệ lò tuynel hoặc công nghệ tiên tiến khác đảm bảo tiêu chuẩn về chất lượng môi trường Việt Nam. Khuyến khích việc chuyển đổi nguyên liệu sản xuất từ đất sét trong sản xuất gạch nung sang nguyên liệu đất đồi, đất bãi và phế thải công nghiệp... Tiếp đó, ngày 28/4/2010, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 567/QĐ-TTg yêu cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải xây dựng và ban hành lộ trình chấm dứt hoạt động của các loại lò gạch sử dụng công nghệ lạc hậu. 
 
Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, ngày 31/12/2012, UBND tỉnh Nghệ An ban hành Quyết định số 4325/QĐ.UBND-XD với nội dung trọng tâm xóa bỏ các lò gạch thủ công và thủ công cải tiến. Theo đó, ngày 1/2/2013, UBND tỉnh Nghệ An ban hành Chỉ thị số 04/CT-UBND về việc kiểm tra, xử lý các cơ sở sản xuất gạch ngói đất sét nung thủ công và tăng cường sản xuất, sử dụng vật liệu không nung trên địa bàn tỉnh. Tại Chỉ thị số 04/CT-UBND, Sở Xây dựng tỉnh Nghệ An có trách nhiệm hướng dẫn, chỉ đạo UBND cấp huyện rà soát, xác định lộ trình, kế hoạch xóa bỏ lò nung gạch thủ công cụ thể cho từng huyện và tổ chức thẩm tra, xem xét, có văn bản thỏa thuận trước khi UBND cấp huyện phê duyệt, yêu cầu hoàn thành trước ngày 30/6/2013; tổng hợp trên địa bàn toàn tỉnh, báo cáo UBND tỉnh đúng quy định.
Giữa trưa, 1 công nhân vẫn đang  đảm nhiệm việc đốt lò
Giữa trưa, 1 công nhân vẫn đang đảm nhiệm việc đốt lò
Yêu cầu lộ trình, kế hoạch xóa bỏ lò nung gạch thủ công của từng huyện, thành phố, thị xã phải phù hợp với các Quyết định của UBND tỉnh số 2743/QĐ-UBND ngày 24/06/2010, Văn bản số 4325/QĐ.UBND-XD ngày 31/10/2012 và quy định hiện hành liên quan của Trung ương, địa phương. 
 
Qua các văn bản nêu trên để thấy, sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Nghệ An cũng như các ngành chức năng liên quan đã chỉ đạo kịp thời việc xóa bỏ lò gạch thủ công gây ô nhiễm môi trường tại các địa phương trong toàn tỉnh. Đến thời điểm này, một số huyện trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành việc “xóa sổ” các lò gạch thủ công cách đây vài năm. Thế nhưng, bên cạnh sự tích cực của một số địa phương, hiện còn một số địa phương vẫn chưa quyết liệt hoặc cố tình “nương tay” để các lò gạch thủ công tiếp tục nhả khói, gây ô nhiễm môi trường, làm mất sự công bằng giữa các địa phương.
 
Cụ thể, tại xã Tào Sơn, huyện Anh Sơn, cho đến thời điểm hiện nay, bất chấp các chỉ thị, quyết định của UBND tỉnh, 3 lò gạch thủ công tại xóm 6 và xóm 8 của xã này vẫn ngày đêm đỏ lửa, nhả khói. Tại thời điểm kiểm tra thực tế, chúng tôi thấy trên sân bãi của các lò gạch này đang có hàng chục vạn viên gạch mộc (gạch chưa nung – P.V) sắp xếp ngay ngắn thành từng hàng dài. Ngoài ra, còn một lượng nguyên liệu lớn (đất sét) vừa mới tập kết để chờ sản xuất gạch tiếp theo. Ngoài ra, trong lò gạch có hàng vạn viên gạch đang cháy âm ỉ, chờ ngày ra lò… Cả 3 lò gạch này đều cách khu dân cư không xa.
Một người dân sinh sống gần đó cho biết, khi các lò gạch “nổi lửa”, mùi khét của đất sét rất khó chịu. Ngoài ra, khi có gió thổi mạnh, khói bụi từ các lò gạch này còn bay khắp nơi, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
 
Trao đổi với phóng viên, ông Lê Xuân Hoan, Chủ tịch UBND xã Tào Sơn cho biết: Chủ các lò gạch trên là ông Nguyễn Văn Thanh, bà Nguyễn Thị Thanh và 1 lò của bà Nhiên. Theo quy định thì các lò gạch thủ công này đã phải dừng hoạt động. Năm ngoái, huyện và xã đã tổ chức đình chỉ, hiện nay họ mới làm lại được 2 - 3 lò gì đó, chủ yếu là xin tận dụng hết số nguyên liệu cũ, đồng thời cũng tiến hành cải tạo lò theo công nghệ lò đứng.
Từ thực tế trên cho thấy, những phản ánh của người dân về việc các lò gạch thủ công ở xã Tào Sơn đang hoạt động là hoàn toàn có cơ sở, ngay cả người đứng đầu chính quyền địa phương cũng đã nắm được việc này. Tuy nhiên, khi được hỏi vì sao xã không kiên quyết dẹp bỏ các lò gạch thủ công gây ô nhiễm môi trường? Ông Hoan cho biết, các lò mới hoạt động trở lại, các chủ lò đang xin cải tiến công nghệ, nhưng dù sao đến cuối năm nay cũng xóa bỏ hoàn toàn?!
 
Được biết, trước đây trên địa bàn xã Tào Sơn có hàng chục lò gạch thủ công hoạt động. Ngay sau khi có chỉ đạo của tỉnh, UBND xã Tào Sơn đã tiến hành xóa bỏ hàng loạt lò gạch thủ công lâu năm. Thế nhưng, không hiểu vì sao đến nay còn 3 lò gạch vẫn ngang nhiên hoạt động mà không có sự ngăn cản nào?
 

Đức Thắng

Các tin khác