Gia đình xã hội

Hướng tới xây dựng môi trường an toàn, bình đẳng, không bạo lực

08:39, 29/04/2017 (GMT+7)
Hà Nội đặt mục tiêu từ năm 2017 đến năm 2020, sẽ có 100% nạn nhân bạo lực trên cơ sở giới được phát hiện, được can thiệp và hỗ trợ kịp thời; có ít nhất 70% người gây bạo lực trên cơ sở giới được phát hiện, được tư vấn và có hình thức xử lý…
 
UBND TP. Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn Thành phố.
Theo kế hoạch, từ năm 2017 đến năm 2020: 100% nạn nhân bạo lực trên cơ sở giới được phát hiện, được can thiệp và hỗ trợ kịp thời; có ít nhất 70% người gây bạo lực trên cơ sở giới được phát hiện, được tư vấn và có hình thức xử lý phù hợp theo quy định pháp luật.
 
Tầm nhìn đến năm 2030: Triển khai đồng bộ các cơ chế, chính sách về phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới trên phạm vi toàn Thành phố, hướng tới xây dựng môi trường an toàn, bình đẳng, không bạo lực.
 
UBND Thành phố giao các sở, ban, ngành, đoàn thể Thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã và các xã phường, thị trấn xây dựng kế hoạch, triển khai, thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, hiệu quả, phù hợp tình hình thực tế từng địa phương, đơn vị. Trong quá trình thực hiện kế hoạch, các địa phương, đơn vị nâng cao trách nhiệm và hiệu quả công tác gắn với các Chương trình, Kế hoạch đã ban hành, đặc biệt là các địa phương, đơn vị, tổ chức có tình trạng bạo lực trên cơ sở giới xảy ra nhiều hoặc có nguy cơ cao (bao gồm nhóm có nguy cơ cao gây bạo lực và nhóm đối tượng dễ bị tổn thương do bạo lực).
 
Trọng tâm truyền thông vận động, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, hướng tới cam kết chặt chẽ về trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức và chuyển đổi hành vi của người dân về phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, phân biệt đối xử về giới và ảnh hưởng của bạo lực trên cơ sở giới tới sự phát triển bền vững của xã hội; Nâng cao năng lực và trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; triển khai các dịch vụ, mô hình hỗ trợ, can thiệp phòng ngừa và giảm thiểu bạo lực trên cơ sở giới;
 
Đồng thời, thu thập thông tin và bảo vệ, can thiệp, hỗ trợ kịp thời, hiệu quả nạn nhân bị bạo lực, đồng thời tư vấn, có hình thức xử lý người gây bạo lực phù hợp theo quy định pháp luật. Tăng cường huy động nguồn lực, trao đổi, học tập kinh nghiệm các tổ chức trong nước, quốc tế và các tỉnh, thành phố về phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.

Nguồn: Chinhphu.vn

Các tin khác