Gia đình xã hội
Gỡ khó trong công tác cai nghiện ở Kỳ Sơn
(Congannghean.vn)-Mặc dù vướng thủ tục pháp lý liên quan đến việc đưa người nghiện ma tuý đi cai nghiện tập trung, song ở địa bàn đặc thù là huyện biên giới, miền núi, từ nhiều năm nay, công tác cai nghiện ở Kỳ Sơn đã được các cấp, ngành chú trọng tháo gỡ, qua đó đã giúp cho nhiều người lỡ sa chân vào “nàng tiên nâu” sớm tìm lại được chính mình.
Gỡ khó trong công tác cai nghiện
Với chức năng, nhiệm vụ chính là tổ chức tiếp nhận, chữa trị, cắt cơn giải độc, giáo dục phục hồi nhân cách, dạy nghề, hướng nghiệp nghề cho người nghiện ma túy trên địa bàn,Trung tâm Giáo dục Lao động xã hội (GDLĐXH) huyện Kỳ Sơn hiện là cơ sở cai nghiện tập trung duy nhất trên địa bàn, với chỉ tiêu được giao hàng năm là cai nghiện cho 100 học viên, song với quy mô phục vụ từ 150 - 200 lượt học viên, Trung tâm đều vượt chỉ tiêu theo quy định.
Tính đến ngày 15/4, Trung tâm đang điều trị, cắt cơn và cai nghiện cho 130 học viên, 122 người trong số này cai nghiện bắt buộc, 1 người cai tự nguyện và 1 trường hợp nhiễm HIV. Ngoài ra, có 6 người đã hoàn thành việc cai nghiện và được tái hòa nhập cộng đồng.
Học viên cai nghiện ma túy chăm sóc vườn rau xanh tại Trung tâm |
Ông La Văn Táy, Giám đốc Trung tâm GDLĐXH huyện Kỳ Sơn cho biết, do Kỳ Sơn tiếp giáp với nước bạn Lào và huyện Tương Dương, là những địa bàn khá phức tạp về ma túy nên diễn biến số lượng người nghiện cũng rất bất thường. Nếu như đầu năm 2016, số lượng học viên từ năm trước chuyển qua chỉ 28 trường hợp thì đầu năm 2017, con số này là 115 người. Từ đầu năm đến nay, chưa có trường hợp nào bỏ trốn khỏi Trung tâm, nhưng năm ngoái có 12 trường hợp, dù rằng tất cả các trường hợp này đều bị bắt trở lại ngay sau đó, nhưng đã ít nhiều gây khó khăn trong công tác cai nghiện. Ngoài cai nghiện bắt buộc tại Trung tâm, thời gian qua, đơn vị cũng đã phối hợp với 2 xã Hữu Kiệm và Chiêu Lưu tổ chức cai nghiện tại cộng đồng cho 10 đối tượng.
Theo đánh giá, công tác cai nghiện ma túy trên địa bàn huyện Kỳ Sơn trong những năm gần đây luôn đạt được những kết quả khả quan là bởi, các cơ quan, ban, ngành trên địa bàn đã luôn chủ động và tạo mọi điều kiện tốt nhất cho cán bộ đưa học viên vào cai nghiện, đơn giản hoá thủ tục hành chính, không gây phiền hà, tiếp nhận 24/24 giờ kể cả thứ 7, chủ nhật, ngày lễ và buổi tối.
Quá trình cai nghiện, học viên được đào tạo nghề và trước khi tái hoà nhập cộng đồng, được giáo dục các kỹ năng sống để phòng tránh tái nghiện ma tuý, được khám và tư vấn kỹ năng phòng lây nhiễm HIV/AIDS qua đường tiêm chích và quan hệ tình dục.
Công tác quản lý, dạy nghề và lao động sản xuất từ trước đến nay được xác định là nhiệm vụ chính và trọng tâm của công tác cai nghiện ma tuý. Theo đó, Trung tâm thường xuyên tổ chức cho học viên tham gia lao động sản xuất theo các tổ đội như: Trồng rau, vệ sinh, chăn nuôi, ao cá, làm mộc... Qua đó, học viên vừa tham gia lao động trị liệu, học nghề và tạo ra nguồn thu nhập cải thiện bữa ăn hàng ngày.
Đến nay, đã tổ chức truyền nghề cho 45 học viên học nghề mộc; 70 học viên được dạy nghề và truyền nghề về kỹ thuật trồng nấm rơm và mây tre đan. Ngoài ra, đơn vị còn trồng rau xanh để cải thiện bữa ăn, chăn nuôi đàn dê, lợn 25 con, thả 60 kg cá giống các loại, ba ba và mở rộng khai hoang diện tích đất để trồng rau phục vụ đời sống hàng ngày.
Mái nhà chung của những phận đời lầm lỡ
Để tăng cường hơn nữa công tác cai nghiện ma túy kết hợp với đảm bảo ANTT tại địa phương, hàng năm, Trung tâm đã lên phương án kết hợp với chính quyền địa phương, Công an huyện Kỳ Sơn, Công an các xã Hữu Kiệm và Hữu Lập xây dựng phương án hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau khi có biến cố xảy ra. Tham gia ký cam kết với bà con nhân dân vùng lân cận không bao che, tiếp tay hoặc tham gia mua, bán các đồ vật, hàng hoá Trung tâm cấm; tích cực phát giác, truy bắt học viên trốn, những phần tử tìm cách móc nối mua bán những mặt hàng Trung tâm cấm; thiết lập các đường dây “nóng” kịp thời phối hợp khi có tình huống xấu.
Bên cạnh đó, Trung tâm cũng chú trọng việc quan hệ, gắn bó với chính quyền địa phương trong việc phối hợp tiếp nhận đối tượng, bắt các đối tượng bỏ trốn; tăng cường công tác kiểm tra, ngăn ngừa thẩm lậu, giữ gìn trật tự, nhất là trong những ngày thăm gặp.
Ông La Văn Táy cho biết thêm: Quản lý, giáo dục, phục hồi và cải thiện sức khỏe, phục hồi và hoàn chỉnh nhân cách, học văn hóa đi đôi với học nghề, chống tái nghiện, nâng cao tay nghề, tạo việc làm, hòa nhập cộng đồng bền vững là những khâu được đơn vị đặc biệt coi trọng trong công tác cai nghiện, nhằm làm chuyển hóa về nhận thức, hành vi của người nghiện. Để công tác cai nghiện đi vào thực chất, bên cạnh chú trọng cai nghiện, cắt cơn và đào tạo việc làm, đơn vị còn tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao nhằm động viên tinh thần, giúp các học viên an tâm cai nghiện. Nhờ vậy, dù còn nhiều vướng mắc, khó khăn trong việc đưa người nghiện vào Trung tâm, cũng như có những khó khăn nhất định trong quá trình cắt cơn, điều trị, song Trung tâm đã từng bước tháo gỡ, trở thành địa chỉ tin cậy để những tâm hồn lầm lỡ, sớm bán mình cho “nàng tiên nâu” tìm lại chính cuộc đời mình.
Bằng chứng là hàng năm, có rất nhiều người sau khi cai nghiện thành công, đã quay trở lại Trung tâm để cảm ơn cán bộ đã “khai sinh” cuộc đời mình lần thứ hai. Thậm chí, nhiều người đã vượt qua số phận, trở thành điển hình từ mái nhà chung này. Trong đó có thể kể đến trường hợp của anh Lương Phò Thung (SN 1978) trú tại xã Bắc Lý, sau khi cai nghiện thành công đã làm ăn lương thiện, trở thành ông chủ chăn nuôi triệu phú ở xã vùng cao này. Hay như anh Trương Văn Chín (SN 1988) trú tại xã Tà Cạ, sau khi cai nghiện thành công, đã đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài. Đó là động lực để những người làm công tác cai nghiện trên địa bàn huyện Kỳ Sơn không quản ngại gian nan, khó khăn, vất vả và cả tuổi thanh xuân của mình trong hành trình nỗ lực tìm lại cuộc sống tươi đẹp cho những người chẳng may bước chân vào lầm lỡ.
Thiên Thảo