Gia đình xã hội
'Cần coi xâm hại tình dục trẻ em là tội ác man rợ như tội giết người'
08:55, 22/04/2017 (GMT+7)
Thực tế, do xấu hổ hoặc bị kẻ phạm tội mua chuộc, nhiều gia đình nạn nhân bị xâm hại tình dục đã chần chừ, không tố cáo kịp thời.
Mới đây, tại diễn đàn về giải pháp ngăn chặn nạn xâm hại tình dục và bạo lực trẻ em, Cục trưởng Cục Bảo vệ và chăm sóc trẻ em - ông Đặng Hoa Nam chia sẻ: “Chúng ta cần nhìn nhận xâm hại trẻ em và việc xâm hại tình dục trẻ em từ nhiều góc độ, thứ nhất là về pháp luật cần phải rà soát, sửa đổi bổ sung các quy định, các luật như Bộ luật hình sự, tố tụng hình sự, tố tụng tư pháp,… theo đúng các bước và có tính đặc thù. Chúng ta không thể áp dụng chung về luật được vì nếu như vậy sẽ không đạt hiệu quả cao và sẽ gây khó khăn trong việc tố tụng. Ví dụ như thu nhập chứng cứ, truy tố hay xét xử”.
Trao đổi với phóng viên, Cục trưởng Cục Bảo vệ và chăm sóc trẻ em Đặng Hoa Nam cho rằng, cần đẩy mạnh công tác truyền thông giáo dục, chuyển đổi hành vi mang tính chất thay đổi nhận thức cho các gia đình hay ông bố bà mẹ về trách nhiệm phải lên tiếng tố cáo các hành vi xâm hại trẻ em. Chúng ta không chỉ dũng cảm mà còn biết cách lên tiếng cho phù hợp như lên tiếng khi nào, lên tiếng ở đâu và vào lúc nào để làm sao không chỉ bảo vệ công lý mà còn bảo vệ con em mình và cho con em một tương lai phát triển lâu dài, bảo đảm bí mật đời sống riêng tư của các em.
Hệ thống chăm sóc trẻ em hiện nay chúng ta đang rất thiếu hụt, đặc biệt là hệ thống trị liệu tâm lý hay nói đúng hơn là tâm lý học lâm sàng. Nhiều trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại đặc biệt là xâm hại tình dục. Đôi khi những tổn hại về mặt thể chất không nặng nề và dai dẳng lâu dài như tổn hại về tâm lý. Đối với mỗi trẻ em bị xâm hại tình dục thì can thiệp về mặt tâm lý càng sớm càng tốt và hỗ trợ tâm lý không chỉ tốt với trẻ em, không chỉ phối hợp về mặt pháp luật mà trong thực tiễn chúng ta cần phải có sự phối hợp giữa việc cung cấp dịch vụ với các quá trình tư pháp.
Người dân cần con em họ được sống trong môi trường xã hội an toàn. Chúng ta không để đến lúc sự việc xảy ra rồi mới lên tiếng, can thiệp. Chúng tôi biết đôi lúc, đôi chỗ các cơ quan tư pháp, cơ quan tố tụng trong đó có cả các cơ quan làm các dịch vụ về bảo vệ trẻ em chưa thực sự coi trọng công tác bảo vệ trẻ em.
Một bài học chúng ta thấy trong thời gian vừa qua, các vụ việc liên quan đến xâm hại trẻ em nói chung trong đó có xâm hại tình dục phải được nhìn nhận trách nhiệm từ các cơ quan lập pháp, các cơ quan tham mưu xây dựng pháp luật. Làm sao chúng ta thúc đẩy nhanh quy trình sửa đổi các văn bản pháp luật, phải cập nhật với tình hình xã hội và nó khắc phục được những hạn chế, những khe hở ở trong pháp luật.
"Việc này chúng ta cần phải làm thường xuyên hơn không chỉ từng cuộc họp tổng kết 5 năm hay 10 năm thực hiện 1 luật nào đó. Chúng ta tổng kết sửa đổi bổ sung luật thậm chí tiến hành một điều luật, một điểm trong luật, chúng ta vẫn nên làm" - ông Nam nói.
Tại diễn đàn các đại biểu cho rằng cần phải lên án nạn xâm hại trẻ em và bảo vệ trẻ em cần thực chất, từ tâm và không dựa vào đó nhằm phục vụ các lợi ích cá nhân.
Bà Ninh Thị Hồng, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em, chia sẻ: “Chúng ta cần coi tội xâm phạm trẻ em là một tội ác man rợ, như tội giết người. Tôi rất bức xúc và đau xót khi ngày càng có nhiều vụ việc xâm hại trẻ em được đưa ra ánh sáng. Tuy nhiên, do xấu hổ hoặc bị kẻ phạm tội mua chuộc, nhiều gia đình nạn nhân đã chần chừ, không tố cáo kịp thời. Việc bảo vệ trẻ em cần được thực hiện bằng cái tâm, bền bỉ, trách nhiệm và tránh đánh bóng tên tuổi.
Các tổ chức, cá nhân 'đánh bóng tên tuổi' nhận được nhiều nguồn tài trợ từ trong nước và nước ngoài nhưng tôi tự hỏi việc chi cho trẻ em là bao nhiêu? Tuỳ theo mức độ, chúng ta phải xử phạt hành chính, truy tố trước pháp luật hoặc thu hồi giấy phép".
Nguồn: VOV