Gia đình xã hội
Cựu chiến binh làm kinh tế giỏi
(Congannghean.vn)-Phát huy phẩm chất người lính Cụ Hồ, với tinh thần quyết tâm vươn lên trong cuộc sống, cựu chiến binh (CCB) Trần Quang Trung (SN 1972) trú tại xóm 6, xã Nam Nghĩa, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An là một tấm gương tiêu biểu làm kinh tế giỏi, vươn lên thoát nghèo.
CCB Trần Quang Trung chăm sóc đàn gia súc |
Xuất thân từ gia đình nông dân nghèo, năm 1991, Trần Quang Trung lên đường nhập ngũ. Sau 2 năm phục vụ trong quân đội, năm 1993, anh xuất ngũ trở về quê hương tham gia các hoạt động xã hội, tích cực lao động sản xuất. Với hoàn cảnh gia đình thuộc diện hộ cận nghèo của xã, sau khi lấy vợ, cuộc sống gia đình anh gặp rất nhiều khó khăn, vất vả. Với bản lĩnh và ý chí của người lính Cụ Hồ, anh luôn suy nghĩ, trăn trở làm thế nào để có điều kiện chăm lo cho vợ con, thoát khỏi cái nghèo, ổn định cuộc sống trên mảnh đất quê nhà.
Nghĩ là làm, tận dụng mảnh đất của gia đình, với sự quyết tâm của người lính, anh đã từng bước khai hoang phục hóa, biến mảnh đất cằn cỗi thành một trang trại với mô hình VAC mang lại hiệu quả kinh tế cao. Để thực hiện kế hoạch, năm 2015, anh mạnh dạn vay vốn ngân hàng 100 triệu đồng để quy hoạch lại vườn trại, xây chuồng gia súc, nuôi gà, lợn, đào ao thả cá, tận dụng nguồn thức ăn phong phú sẵn có của tự nhiên và đồng cỏ để thả trâu, bò, dê. Với hình thức lấy ngắn nuôi dài, anh cũng tận dụng mảnh đất của mình để trồng mía, cỏ voi, trồng ngô, sắn để cung cấp thêm nguồn thức ăn cho gia súc.
Thời gian đầu lập nghiệp, anh đã gặp không ít khó khăn, vất vả. Vì còn thiếu kinh nghiệm trong việc chăm sóc, theo dõi và phát hiện các loại bệnh của lợn nên lúc đầu triển khai nuôi, đàn lợn của anh không đem lại lợi nhuận, thậm chí còn không thu hồi đủ vốn. Tuy nhiên, người CCB trẻ đã không hề nản chí và coi đây là thử thách của bản thân, có thời gian là anh quyết tâm tìm tòi, khăn gói đi tham quan học tập các mô hình trang trại làm ăn hiệu quả ở các địa phương, tìm hiểu qua sách báo, các phương tiện truyền thông, các tiến bộ khoa học kỹ thuật để áp dụng vào chăn nuôi, sản xuất.
Gia đình anh là 1 trong 11 hộ tham gia mô hình “Nuôi dê Bách Thảo sinh sản” của huyện Nam Đàn, với mục đích áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào chăn nuôi dê nhằm nâng cao thu nhập cho nhân dân và thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Sau khi tham gia mô hình, xã Nam Nghĩa thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật chăm sóc và phát hiện bệnh cho dê. Đến nay, anh đã tự tin hơn trong việc chăm sóc, trị bệnh cho dê nên đàn dê của gia đình đã phát triển rất tốt và sinh sản đều.
Với sự cố gắng trong phát triển kinh tế, đến nay, trang trại của Trần Quang Trung đã có hơn 1,5 ha đất chăn nuôi với 19 con dê, hơn 200 con vịt, 100 con gà, 20 con lợn thịt, 4 con trâu và 3 con bò. Ngoài ra, mỗi năm gia đình anh còn thu khoảng 7 tạ cá các loại; gần 100 con chim bồ câu cho thu nhập mỗi tháng từ 1 - 1,5 triệu đồng từ bán bồ câu thịt. Trừ chi phí, mỗi năm trang trại của CCB Trần Quang Trung cho thu nhập từ 150 - 200 triệu đồng. Hiện tại, anh đã xây dựng được ngôi nhà khang trang cho gia đình và có điều kiện chăm lo các con ăn học đầy đủ.
Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế gia đình, CCB trẻ Trần Quang Trung còn nhiệt tình tham gia các hoạt động xã hội. Hiện anh là hội viên Hội CCB xã Nam Nghĩa, luôn nhiệt tình trong các phong trào, hoạt động của Hội như thực hiện phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư và xây dựng nông thôn mới, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế trang trại cho những hội viên có nhu cầu.
Lô Anh