(Congannghean.vn)-Phiên tòa kết thúc, bị cáo được lực lượng Công an dẫn giải ra xe nhưng cha, mẹ bị cáo vẫn chưa thể ra về. Hai thân già khép nép trong sự bao vây của những người bị hại để chịu sự mắng nhiếc, tra hỏi về số nợ mà con của họ đã gây ra. Tần tảo, chắt chiu một đời để nuôi con khôn lớn, trưởng thành nhưng cho đến lúc cuối cuộc đời, họ vẫn không được một ngày thảnh thơi mà phải nai lưng ra trả nợ cho con. Tiếng còi hú của xe chở phạm đã xa dần nhưng phòng xử án vẫn chưa vãn người.
1. Trước khi phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Văn Cường (SN 1983) trú tại huyện Hưng Nguyên về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản diễn ra, những người bị hại tập trung về phía gia đình bị cáo để hỏi về thời gian hoàn trả số tiền 4 tỉ đồng mà Cường đang nợ.
Đại diện người bị hại yêu cầu Cường nhanh chóng hoàn trả khoản nợ và tiền lãi theo lãi suất ngân hàng |
Theo lời của các bị hại, nếu phía gia đình Cường có khả năng trả khoản nợ trong thời gian sớm nhất thì họ sẽ xin giảm án cho bị cáo. Thế nhưng, nhìn vào tình cảnh của gia đình bị cáo hiện nay, họ cũng hiểu rằng điều đó thật khó khăn. Bởi tất cả của nả trong gia đình lẫn số tiền mà Cường chiếm đoạt được từ các bị hại đã bị Cường nướng hết vào cờ bạc.
Đáng lẽ, với địa vị và thu nhập của Cường khi còn là Trưởng phòng giao dịch Chi nhánh ngân hàng Công thương (Vietinbank) Bắc Nghệ An như trước thì bố mẹ hắn phải có một cuộc sống sung túc, an nhàn tận hưởng tuổi già mà không phải lo lắng bất cứ điều gì. Thế nhưng, chỉ vì đam mê cờ bạc mà Cường đã trượt dài trên con đường tội lỗi, để rồi giờ đây khi hắn ngồi trong nhà tù thì ở bên ngoài, hai thân già lại phải nai lưng trả nợ cho con và gánh chịu bao điều tiếng của người đời.
Vì không thỏa thuận được giữa gia đình bị cáo và phía bị hại nên phiên tòa vẫn được tiến hành. Ông Nguyễn Văn Quang, bố của bị cáo nắm lấy tay ông Nguyễn Hồng Châu là bố của một bị hại để cầu mong sự thương cảm của những người làm cha, vừa van xin các bị hại tha thứ cho lỗi lầm của con trai mình đã gây ra, nhưng ông chỉ nhận được những cái lắc đầu và những lời chì chiết. Cả một đời tần tảo, làm lụng, chắt chiu lo cho con cái trưởng thành, yên bề gia thất nhưng đến cuối đời ông bà vẫn không có nổi một ngày bình yên.
Sinh năm 1983, Nguyễn Văn Cường là một người có năng lực nên sớm được bổ nhiệm giữ chức Trưởng phòng giao dịch xã Diễn Hồng, huyện Diễn Châu thuộc chi nhánh Ngân hàng Vietinbank Bắc Nghệ An từ ngày 3/3/2010. Với địa vị và mức thu nhập 18 triệu đồng/tháng, cuộc sống của Cường là mơ ước của bao nhiêu người. Thế nhưng, Cường lại có tật xấu là đam mê cá độ bóng đá. Vì vậy, bao nhiêu tiền của làm ra được, hắn đặt cược hết vào các canh bạc.
Với địa vị của mình cùng với vẻ ngoài điển trai, lịch lãm, Cường được các khách hàng hết sức tin tưởng. Những khách hàng đến với Cường chủ yếu là người làm ăn, kinh doanh lớn trên địa bàn. Lợi dụng sự quen biết và lòng tin của khách hàng, trong khoảng thời gian này, Cường đã vay số tiền là 4.070.000.000 đồng với lý do để đảo khế cho khách hàng. Khi vay tiền, Cường đều viết giấy hẹn trả đầy đủ trong vòng từ 3 - 7 ngày.
Tin lời của vị Trưởng phòng, các khách hàng đã mang hết tài sản của mình, thậm chí xoay xở các nơi, vay nóng đưa cho Cường, người ít nhất là 200 triệu đồng, người nhiều nhất là 800 triệu đồng. Tuy nhiên, toàn bộ số tiền mà Cường vay được đều nướng hết vào cá độ bóng đá. Đến khoảng cuối tháng 8/2016, khi các chủ nợ liên tục thúc giục, Cường không có khả năng trả nợ nên đã xin thôi việc và bỏ trốn.
Bị cáo Nguyễn Văn Cường |
2. Những người bị hại có mặt tại phiên tòa từ rất sớm. Từ ngày dồn hết tiền cho Cường vay, nhiều người trong số họ lâm vào cảnh nợ nần chồng chất, có người vì tin lời Cường một cách mù quáng đã cầm cố nhà cửa, bán hết gia sản.
Ông Nguyễn Hồng Châu, bố của bị hại Nguyễn Hồng Công trú tại xã Diễn Yên, huyện Diễn Châu, người đã cho Cường vay số tiền 800 triệu đồng trình bày trước tòa: “Con dại cái mang, là một người làm cha, tôi hoàn toàn thông cảm cho cha, mẹ bị cáo Cường. Chúng tôi cũng muốn hai bên bàn bạc, thỏa thuận để có hướng xử lý hợp tình, hợp lý để chúng tôi vừa được nhận lại tiền, bị cáo vừa được giảm nhẹ hình phạt. Tuy nhiên, từ lúc xảy ra vụ việc đến nay, phía gia đình bị cáo không hề có ý muốn khắc phục thiệt hại cũng như không có động thái hỏi han, xoa dịu những tổn thất của chúng tôi mà còn cố tình trốn tránh, thậm chí họ sẵn sàng bỏ tiền để cho con trốn ra nước ngoài. Vì thế, chúng tôi mong muốn tòa sẽ có hình phạt nghiêm khắc đối với bị cáo Cường”.
Vốn là khách hàng thường xuyên của Cường, tháng 8/2016, khi Cường hỏi vay tiền, anh Công đã sẵn sàng cho hắn vay tổng cộng 800 triệu đồng. Lần đầu tiên Cường vay 200 triệu đồng, sau đó tiếp tục vay 400 triệu đồng với lời hứa sẽ trả trong vòng 5 ngày. Tương tự như anh Công, bà Trương Thị Mùi, ông Nguyễn Sỹ Dung mỗi người cho Cường vay 700 triệu đồng.
Ngoài 9 bị hại này, trong quá trình điều tra, Cường cho biết, còn vay thêm của một số người khác tổng cộng 300 triệu đồng nhưng việc vay mượn trên chỉ bằng tín chấp, không có giấy tờ vay mượn. Phía những người cho vay cũng không có yêu cầu xử lý hình sự và bồi thường. Tại phiên tòa, các bị hại đã yêu cầu bị cáo hoàn trả toàn bộ số tiền đã vay, cộng với tiền lãi tính theo lãi suất ngân hàng.
Điều đáng nói trong vụ án này là sau khi dùng hết số tiền chiếm đoạt được để cá độ bóng đá, biết không có khả năng chi trả, Cường đã xin thôi việc rồi bỏ trốn nhằm trốn tránh việc trả nợ và pháp luật. Tháng 10/2016, Cường trốn vào Sài Gòn ở nhà một người bạn thân của gia đình tên Sơn. Tại đây, Cường đã đặt vấn đề nhờ Sơn làm thủ tục đưa sang Đức để trốn nợ và được Sơn đồng ý với chi phí là 17.000 USD. Thời gian này, Cường lại tiếp tục bỏ trốn ra Hà Nội và gọi điện về cho gia đình nhờ bố là ông Nguyễn Văn Quang đứng ra lo liệu làm thủ tục cho mình.
Nghe theo lời con trai, bố của Cường lại một lần nữa nhắm mắt giúp con trai trốn tránh khỏi sự truy tìm ráo riết của các chủ nợ cũng như trốn tránh sự điều tra của pháp luật. Ông Quang đưa trước cho Sơn 2.000 USD để giúp Cường bay sang Nga. Số tiền còn lại sẽ được thanh toán sau khi Cường sang Đức thành công. Tuy nhiên, đến ngày 28/11/2016, khi Nguyễn Văn Cường chuẩn bị ra sân bay Nội Bài để xuất ngoại thì bị cơ quan CSĐT phát hiện, bắt giữ.
Sau khi Cường bị bắt và điều tra, phía gia đình bị cáo đã tự nguyện bồi thường cho 3 nạn nhân 30 triệu đồng. Ngoài hành vi “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, Nguyễn Văn Cường còn bị khởi tố về tội “Đánh bạc”, hành vi này được tách ra để điều tra, xử lý riêng.
3. Trình bày lời nói sau cùng, bị cáo Nguyễn Văn Cường cầu xin sự tha thứ của các bị hại và hứa sẽ hoàn trả đầy đủ cả số nợ và tiền lãi đầy đủ. Khi vị chủ tọa hỏi bị cáo về cách khắc phục khoản nợ, Cường nói sẽ bàn với gia đình bán mảnh đất hương hỏa của ông bà để lấy tiền trả nợ. Nghe con trai nói, ông Nguyễn Văn Quang đưa đôi bàn tay nhăn nheo lên quệt những giọt nước mắt. Với đồng lương hưu của cán bộ công chức, cả hai ông bà đã phải tần tảo, chắt chiu cả đời để lo cho con đến nơi, đến chốn. Thế nhưng, ông chưa một ngày được hưởng lộc của con mà sắp tới lại phải bán đi mảnh đất hương hỏa - tài sản có giá trị cuối cùng của gia đình để lấy tiền trả nợ cho con.
Trong vụ án này, nếu như ông Quang đủ sáng suốt thì đã không tiếp tay cho con bỏ trốn, thay vào đó dành tiền để trả nợ cho con thì có lẽ sự việc không đến cơ sự ngày hôm nay. Nhưng cũng thật khó trách, bởi không có ông bố, bà mẹ nào đủ mạnh mẽ để đẩy con vào vòng lao lý. Mặc dù được vị luật sư đại diện của phía bị hại trình bày các quan điểm đề nghị Hội đồng xét xử xử phạt Nguyễn Văn Cường mức án cao hơn, nhưng với những tình tiết giảm nhẹ trong việc thành khẩn khai báo, giúp cơ quan Công an phá đường dây đánh bạc.
Bên cạnh đó, gia đình bị có nhân thân tốt, mẹ bị cáo là thương binh, được tặng thưởng Huân chương trong kháng chiến nên bị cáo chỉ phải nhận 9 năm tù giam, mức án thấp nhất trong khung hình phạt về tội danh này.