Gia đình xã hội

Công tác dân vận ở đồng bào dân tộc thiểu số

Phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc

14:23, 09/05/2017 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Xác định công tác dân vận của lực lượng Công an ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, những năm qua, Công an Nghệ An đã tập trung tăng cường sự lãnh đạo, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp ủy Đảng và CBCS trong lực lượng Công an Nghệ An, phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, làm tốt công tác đảm bảo ANTT vùng đồng bào DTTS.

Công an huyện Kỳ Sơn xuống tận thôn bản vận động người dân tham gia đảm bảo ANTT trên địa bàn
Công an huyện Kỳ Sơn xuống tận thôn bản vận động người dân tham gia đảm bảo ANTT trên địa bàn

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn xác định công tác dân vận là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp cách mạng của đất nước; là điều kiện quan trọng đảm bảo vai trò lãnh đạo của Đảng, củng cố và tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. Công tác dân vận của lực lượng Công an là bộ phận quan trọng của công tác dân vận trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong đó công tác dân vận của lực lượng Công an ở vùng đồng bào DTTS có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Nhận thức sâu sắc điều này, Công an Nghệ An đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương quán triệt thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước, Đảng ủy Công an Trung ương, Tỉnh ủy Nghệ An về công tác dân vận, đặc biệt là tổ chức thực hiện Chỉ thị số 49 của Ban Bí thư về “Tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Đảng ở vùng đồng bào DTTS”.

Theo đó, Công an các đơn vị, địa phương tùy tình hình thực tế đã triển khai có hiệu quả công tác dân vận vùng đồng bào DTTS, góp phần tăng cường mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa lực lượng Công an với nhân dân, củng cố xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ vùng đồng bào DTTS, thực hiện tốt công tác vận động người có uy tín trong đồng bào DTTS tham gia vào các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh.

Nghệ An có 11 huyện, thị xã khu vực miền núi với 252 xã, thị trấn; đồng bào các DTTS có 466.577 người, chiếm 15,36% dân số toàn tỉnh gồm 5 dân tộc có đông người như: Thái, Khơ Mú, Ơ đu, Mông, Thổ, chủ yếu sinh sống ở vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Những năm qua, công tác dân vận trong đồng bào DTTS đã phát huy tốt vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền, vận động đồng bào các địa phương chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phát huy truyền thống đoàn kết các dân tộc giúp đỡ nhau trong lao động, sản xuất, xóa đói giảm nghèo, giữ vững ANTT và đặc biệt tin tưởng vào sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp và lực lượng Công an đóng chân trên địa bàn.

Công tác dân vận chưa bao giờ là một nhiệm vụ dễ dàng ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa nơi có đồng đồng bào DTTS, thế nhưng với tấm lòng, tinh thần trách nhiệm của mình, lực lượng Công an đã không quản ngại khó khăn, vất vả, lặn lội xuống cơ sở, tăng cường bám địa bàn “3 cùng” với nhân dân. Những người cán bộ Công an đã có mặt trên khắp các bản làng, xuất hiện ở các  “điểm nóng” để tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho nhân dân, giúp đỡ nhân dân lao động sản xuất, vận động bà con tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm. Tình cảm gắn bó, sẻ chia giữa lực lượng Công an và bà con dân tộc là yếu tố then chốt, quyết định sự thành công của công tác dân vận.

Trung tá Phan Tuấn Anh, Trưởng phòng Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ cho biết: “Trong những năm qua, Công an Nghệ An đã quan tâm chăm lo, xây dựng củng cố đội ngũ cán bộ người DTTS đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Hiện nay, lực lượng Công an xã là người DTTS trên địa bàn có 123 đồng chí trưởng Công an xã, trên 500 đồng chí Công an viên thường trực và 1.240 đồng chí Công an viên. Đội ngũ này thường xuyên được tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ theo chương trình của Bộ Công an. Đây chính là lực lượng nòng cốt trong thực hiện phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ ở cơ sở, địa bàn vùng sâu, vùng xa, các địa bàn thuộc tuyến biên giới Việt - Lào”.

Bên cạnh đó, Công an tỉnh cũng đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương xây dựng và nhân rộng các tổ tuần tra nhân dân, đội thanh niên xung kích, tổ hòa giải ở vùng đồng bào DTTS. Hiện nay, đã kiện toàn củng cố 127 ban chỉ đạo tự quản, 1.380 ban tự quản và trên 1.130 tổ tự quản các xóm, thôn, bản, trong đó lực lượng chủ yếu là người DTTS. Những tổ tự quản này đã tham gia giải quyết kịp thời những mâu thuẫn, xích mích trong nhân dân vùng DTTS.

Từ gần gũi, gắn bó với nhân dân, lực lượng Công an đã thường xuyên lắng nghe tâm tư, tình cảm cũng như ý kiến của nhân dân để mỗi đồng chí soi lại mình, hoàn thiện, không ngừng tu dưỡng học tập, rèn luyện xây dựng hình ảnh đẹp và uy tín trong mắt người dân, đặc biệt là đồng bào DTTS. Trong những năm qua, Công an các huyện miền núi đã tăng cường tổ chức các diễn đàn “Công an lắng nghe ý kiến nhân dân” tạo điều kiện để nhân dân các xã có người DTTS tham gia góp ý xây dựng lực lượng Công an.

Những việc làm thiết thực, những tấm gương Công an hết lòng phục vụ nhân dân đã được nhân dân biểu dương, khen ngợi, góp phần xây dựng lực lượng Công an ngày càng trong sạch, vững mạnh, xây dựng thế trận an ninh nhân dân vững chắc.

Phát huy vai trò nòng cốt trong công tác đảm bảo ANTT, lực lượng Công an đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành, địa phương trong việc xây dựng và triển khai thực hiện phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, xây dựng nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân vững chắc gắn kết chặt chẽ với nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của nhân dân về quyền và nghĩa vụ trong đảm bảo ANTT.

Từ đầu năm đến nay, Công an các huyện có người DTTS đã phối hợp tổ chức gần 760 đợt tuyên truyền, vận động nhân dân tập trung đảm bảo ANTT. Nhờ làm tốt công tác dân vận, tranh thủ sự ủng hộ của những người có uy tín, già làng, trưởng bản để tuyên truyền, vận động bà con xây dựng cuộc sống bình yên, đẩy lùi tội phạm và các tệ nạn xã hội. Họ là cầu nối quan trọng để xây dựng mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng, chính quyền, lực lượng Công an với người dân.

Nhờ đó, nhiều mô hình, điển hình tiên tiến về phòng, chống tội phạm đã được nhân rộng như: “Làng, bản không có tội phạm và TNXH” ở xã Keng Đu, huyện Kỳ Sơn, “Liên kết xây dựng vùng giáp ranh an toàn về ANTT” ở xã Thông Thụ, huyện Quế Phong, “Già làng, trưởng bản làm nhiều việc tốt”, “Làng, bản sạch về ma túy và TNXH”…

Đặc biệt, công tác dân vận ở vùng đồng bào DTTS đã góp phần quan trọng trong việc vận động đồng bào chung tay xây dựng nông thôn mới (NTM), tập trung xây dựng tiêu chí thứ 19 về ANTT trong bộ tiêu chí NTM tại các xã biên giới như: Nậm Cắn, Na Ngoi, Tà Cạ (Kỳ Sơn); Tam Hợp, Xá Lượng (Tương Dương)… Bên cạnh đó, tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia phòng, chống tội phạm, phòng, chống ma túy trên tuyến biên giới Việt - Lào, phòng, chống mua bán người, di dịch cư và tuyên truyền đạo trái phép; xây dựng 120 câu lạc bộ pháp luật, 127 hòm thư tố giác tội phạm.

Qua đó, các tầng lớp nhân dân đã tích cực ủng hộ, giúp đỡ lực lượng Công an trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, đảm bảo ANTT; cung cấp hàng nghìn nguồn tin có liên quan đến ANTT, trong đó nhiều tin có giá trị giúp các cơ quan chức năng phát hiện, điều tra, xử lý nhiều vụ phạm tội nghiêm trọng, giải quyết ổn định nhiều vụ việc phức tạp về ANTT ngay từ đầu và tại cơ sở.

Từ đầu năm đến nay, đồng bào DTTS đã cung cấp cho lực lượng Công an 75 nguồn tin, trong đó gần 60 nguồn tin có giá trị, giao cơ quan Công an điều tra, làm rõ 16 vụ việc, vận động thu hồi 490 khẩu súng tự chế, 95 quả lựu đạn cùng nhiều kíp mìn và kg thuốc nổ; tham gia giúp đỡ 74 người lầm lỗi tại gia đình và cộng đồng dân cư.

Trong thời gian tới, Công an Nghệ An tiếp tục tăng cường và đổi mới công tác dân vận ở vùng đồng bào DTTS, đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo” nhằm củng cố phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc, xây dựng lục lượng Công an ngày càng gắn bó mật thiết, uy tín trong nhân dân và đồng bào DTTS.

Huyền Thương

Các tin khác