Gia đình xã hội
Đừng thờ ơ với dịch cúm gia cầm
(Congannghean.vn)-Dịch cúm gia cầm diễn biến ngày càng phức tạp. Các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương đang tập trung đẩy mạnh các giải pháp để ngăn chặn, kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh. Tuy nhiên, hiện có một bộ phận người dân vẫn thờ ơ, coi thường sức khỏe khi sử dụng gia cầm không rõ nguồn gốc.
Người tiêu dùng cần nâng cao ý thức trước diễn biến phức tạp của dịch cúm gia cầm |
Dạo một vòng qua các chợ lớn tại TP Vinh như: Quán Lau, Hưng Dũng, chợ Đại học Vinh… dễ dàng bắt gặp những hàng bán thịt gia cầm, cả loại đã làm sẵn và loại chưa qua giết mổ. Những người bán gia cầm tại các chợ đều cam kết “gà quê 100%” nhưng theo quan sát của P.V, trong đó có nhiều loại gia cầm chưa qua kiểm dịch. Khi được hỏi về tình hình dịch cúm gia cầm đang xảy ra trên địa bàn, những người buôn bán tại chợ đầu mối truyền thống đều khẳng định: “Chúng tôi cũng chỉ mua lại, mà nếu có dịch thì họ đã cấm, cũng mua tại các vùng quê không bị nhiễm dịch thôi”.
Sự thờ ơ của người dân một phần xuất phát từ việc chưa biết rõ sự nguy hiểm thật sự của bệnh cúm A/H5N1 và A/H7N9, một phần chủ quan, nghĩ rằng cúm còn ở rất xa. Bên cạnh đó, hiện nay, vi rút A/H5N1 có ở Việt Nam, còn vi rút A/H7N9 thì chưa xuất hiện.
Mặc dù vậy, khi cúm A/H7N9 đang hoành hành ở nước láng giềng là Trung Quốc thì nguy cơ vi rút cúm này “vượt biên” qua biên giới phía Bắc và Tây Nam theo đường nhập lậu gia cầm hoặc du lịch, nhập cảnh rất cao.
Trong khi đó, tình hình dịch cúm A/H7N9 ở Trung Quốc đang diễn biến rất phức tạp, hiện tiến sát biên giới Việt Nam với tốc độ đột biến, gia tăng về cả khu vực có người mắc và số ca mắc, số ca tử vong. Thống kê cho thấy, từ tháng 10/2016 đến nay, nước này đã ghi nhận 425 trường hợp mắc cúm A/H7N9, với tỉ lệ tử vong cao (khoảng hơn 40%).
Triệu chứng ban đầu khi nhiễm cúm gia cầm đều có sốt, ho, sổ mũi, đau đầu, nhức mỏi, nhưng với cúm A/H5N1 và cúm A/H7N9 thì sẽ gây tổn thương phổi khiến người bệnh khó thở. Riêng A/H7N9 nguy hiểm hơn vì thời gian ủ bệnh lâu, dù gia cầm mang vi rút cúm vẫn rất khỏe mạnh không có biểu hiện của bệnh cúm. |
Theo thông báo của Cục Thú y, hiện nay, trên địa bàn cả nước có 13 ổ dịch cúm gia cầm tại 7 tỉnh chưa qua 21 ngày, trong đó có Nghệ An. Trong đó có 12 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 và 1 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N6 tại Quảng Ngãi. Trên địa bàn tỉnh Nghệ An, tính đến ngày 27/2, có 2 ổ dịch tại xã Diễn Nguyên và Diễn Cát, huyện Diễn Châu chưa qua 21 ngày. Số gia cầm đã tiêu hủy là 722 con.
Nguyên nhân chính làm bùng phát dịch cúm gia cầm là do thời tiết bất lợi, làm giảm sức đề kháng của đàn gà; nhất là việc đàn gia cầm chưa được tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm. Hiện nay, dịch cúm gia cầm đã được khống chế. Ổ dịch tại xã Diễn Nguyên đã qua 12 ngày và ổ dịch tại xã Diễn Cát đã qua 7 ngày không phát sinh thêm ổ dịch mới. Tuy nhiên, tỉ lệ lưu hành vi rút cúm gia cầm trên đàn gia cầm khỏe mạnh chiếm tỉ lệ cao, thường xuyên bài xuất mầm bệnh ra môi trường. Do đó, nguy cơ dịch cúm gia cầm có thể phát sinh và lây lan trong thời gian tới.
Theo đánh giá của Bộ Y tế, mặc dù 12 điểm kiểm soát dịch bệnh trên toàn quốc đang hoạt động tích cực và đến nay chưa ghi nhận ca nào, nhưng tới đây, ngành y tế tăng cường giám sát trên người, đặc biệt với khu vực giao lưu khách du lịch nhiều như Nha Trang; các khu vực giáp vùng biên giới Trung Quốc… Các đơn vị chuyên môn mở rộng đối tượng lấy mẫu, những ca có biểu hiện cúm sẽ đưa vào lấy mẫu giám sát, thay vì như trước đây chỉ xét nghiệm những trường hợp nặng. Bên cạnh đó, cũng tính đến phương án xét nghiệm mẫu cộng đồng, nhất là người vận chuyển, giết mổ, tiếp xúc với gia cầm ở các chợ…
Mới đây, Bộ Y tế vừa ban hành Kế hoạch hành động phòng chống dịch cúm A/H7N9 tại Việt Nam, nhằm phát hiện sớm, xử lý kịp thời không để dịch lây lan, hạn chế đến mức thấp nhất trường hợp tử vong do dịch cúm A/H7N9. Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Bộ Y tế đã có công điện khẩn gửi chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố để chủ động ngăn ngừa dịch bệnh cúm gia cầm xâm nhập vào nước ta và lây truyền sang người.
Tuệ Trang