Gia đình xã hội

Làng quê khốn đốn vì tín dụng 'đen'

08:34, 29/12/2016 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
Khi con nợ không có khả năng chi trả, chủ nợ hướng họ tham gia chơi hụi để bốc hụi trả lãi. Như vậy, vô tình con nợ bị gài vào hai khoản nợ. Vừa trả nợ gốc, vừa phải trả hụi. Tính ra chẳng ai trụ được nên buộc phải bỏ trốn khỏi địa phương.
 
Trong căn nhà cấp bốn xập xệ chưa đầy 40m2, ông Nguyễn Đình Lân (65 tuổi, trú tại thôn 5, xã Ea Sô) hằng ngày vẫn ra ngồi co ro trước cổng để ngóng chờ người vợ trở về trong vô vọng. Khi thấy chúng tôi đến, ông Lân vội phân bua: “Bà ấy vẫn chưa về, gia đình tôi không còn gì để các anh xiết nợ nữa đâu”. Khi biết chúng tôi là phóng viên đến tìm hiểu sự việc thì ông Lân mới dám mở cửa mời khách vào nhà.
 
Pha vội ấm trà mời chúng tôi, ông Lân buồn bã cho biết, cách đây khoảng 6 tháng, trong khi gia đình ông đang sống yên ổn thì vợ ông là bà Lê Thị Bơ nói về quê có việc gấp. “Sau khi vợ tôi đi được mấy ngày thì có một số người đến nhà đòi nợ. Mấy người này cho biết, vợ tôi vay nợ họ cả gốc lẫn lãi lên tới 450 triệu đồng. Tôi cũng không biết bà ấy vay tiền để làm gì.
Ông Lân (bên phải) trao đổi vụ việc với phóng viên.
Ông Lân (bên phải) trao đổi vụ việc với phóng viên.
Thời gian qua, thỉnh thoảng bà ấy có gọi điện cho tôi nhưng không nói đang ở đâu vì sợ chủ nợ tìm thấy. Buồn nhất là những ngày giỗ bố mẹ bà ấy cũng không dám về. Tôi thì tuổi cao, sức yếu, đau ốm liên miên nên nhiều khi muốn chết quách cho xong chuyện”, ông Lân nói trong vô vọng.
 
Không giống như gia đình ông Lân, gia đình anh L.V.H (trú cùng thôn) còn lâm vào hoàn cảnh bi đát hơn. Anh không những phải bán nhà để trả nợ mà sau khi biết chuyện, hai vợ chồng liên tục xảy ra lục đục rồi đưa nhau ra tòa ly dị.
 
Theo anh H., số tiền hơn 400 triệu đồng mà vợ anh đứng ra vay của chủ nợ anh không hề hay biết. “Không biết vợ tôi vay tiền để làm gì. Chỉ khi thấy người đến nhà để đòi nợ thì tôi mới té ngửa vợ mình có vay số tiền lớn như vậy. Để tránh phiền hà, tôi phải bán nhà để trả nợ”, anh H. cho biết thêm.
 
Không chỉ hàng chục gia đình người dân trong xã, ngay cả một số cán bộ đang công tác tại UBND xã Ea Sô cũng dính vào việc vay lãi suất cao rồi không trả được nợ. Điển hình chị Đặng Thị Dậu (trú tại thôn 6, nguyên Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Ea Sô) cũng mắc nợ lên đến 400 triệu đồng không có khả năng chi trả.
 
Do bị chủ nợ đòi gắt gao, vợ chồng chị Dậu đã bỏ đi khỏi địa phương từ tháng 4-2016 đến nay không có tung tích gì. Bất ngờ hơn, trong những người vướng vào vòng xoáy vay nặng lãi còn có bà Bùi Thị Liên (vợ của Chủ tịch xã Ea Sô). Người trong gia đình không ai biết bà Liên vay tiền để làm gì, chỉ đến khi cách đây nửa tháng, bà Liên bỗng dưng bỏ nhà đi thì cả nhà mới tá hỏa phát hiện số nợ 370 triệu đồng.
 
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề trên, ông Phạm Thế Dũng, cán bộ Tư pháp xã Ea Sô thừa nhận, tại địa phương đang xảy ra tình trạng nhiều người bỏ đi khỏi nơi cư trú do vướng phải nợ nần vì vay nặng lãi. Tính đến thời điểm hiện tại, đã có hàng chục trường hợp xã xác nhận bỏ đi nhiều tháng không liên lạc được.
 
Cũng theo ông Dũng, qua tìm hiểu, xã nắm được những người vay nợ đa số thông qua một người tên Tâm (trú tại thôn 2, xã Ea Sar, huyện Ea Kar). Nắm bắt những chị em phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, bà Tâm giới thiệu những người này tới vay tiền của bà Vũ Thị Nhuận (trú tại thôn 8, xã Ea Đar) với mức lãi suất 5.000 đồng/ngày/triệu. “Bản thân xã đã rất nhiều lần cảnh cáo, nhắc nhở bà Tâm nhưng do chưa có chứng cứ xác đáng nên chưa thể xử lý người này được”, ông Dũng nói.
 
Theo tìm hiểu của chúng tôi, đa số đối tượng vay nợ đều là chị em phụ nữ thuộc hộ nghèo nên khi được bà Tâm giới thiệu, dù lãi suất cao nhưng chị em vẫn đua nhau vay để giải quyết công việc gia đình, một số chị em do tham gia lô đề, bán hàng đa cấp dẫn đến nợ nần nên vay để trả nợ.
 
“Khi con nợ không có khả năng chi trả, chủ nợ hướng họ tham gia chơi hụi để bốc hụi trả lãi. Như vậy, vô tình con nợ bị gài vào hai khoản nợ. Vừa trả nợ gốc, vừa phải trả hụi. Tính ra chẳng ai trụ được nên buộc phải bỏ trốn khỏi địa phương, còn người thân trong gia đình thì bị chủ nợ đe dọa, uy hiếp, ngày ngày sống trong lo sợ”, ông Dũng lý giải thêm.
Vì vay nợ không có tiền trả, nhiều hộ dân đã bị chủ nợ khởi kiện
Vì vay nợ không có tiền trả, nhiều hộ dân đã bị chủ nợ khởi kiện
Bà Vũ Thị Kim Quyên, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Ea Sô cho biết, khi vay tiền, số lãi do chủ nợ và người vay thỏa thuận ngầm với nhau, không thể hiện mức lãi trong giấy vay nợ nên khi xã can thiệp, không đủ chứng cứ để xử lý hoặc đề nghị Công an vào cuộc. Đến khi bị chủ nợ khởi kiện, người dân chỉ có gánh thiệt hại về mình, phải bán đất bán nhà trả nợ.
 
“Thực tế ở xã chắc chắn còn rất nhiều trường hợp vay nặng lãi nhưng do chủ nợ không gửi đơn lên xã hoặc gia đình đang cố gắng cầm cự nên xã chưa thống kê được. Hiện tại, xã cũng chỉ biết dừng lại ở việc tích cực tuyên truyền chị em trong xã không nên tham gia vào việc vay nợ như thế để tránh các trường hợp đáng tiếc xảy ra”, bà Quyên cho biết thêm.

Nguồn: Báo CAND

Các tin khác