Gia đình xã hội
Huy động mọi nguồn lực chăm sóc người có công
(Congannghean.vn)-Chăm sóc người có công với cách mạng, gia đình thân nhân liệt sỹ là đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” được duy trì, thực hiện trong suốt thời gian qua. Thế nhưng, trên thực tế vẫn còn không ít trường hợp gia đình đang gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn cả vật chất lẫn tinh thần trong cuộc sống. Chính vì vậy, để tích cực hỗ trợ, chăm sóc người có công hơn nữa rất cần sự chung tay, giúp đỡ của cộng đồng xã hội.
Hội Hỗ trợ gia đình liệt sỹ tỉnh trao tặng nhà tình nghĩa cho thân nhân liệt sỹ ở xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu |
Theo thống kê của Sở Lao động Thương binh và Xã hội, hiện nay trên địa bàn Nghệ An có trên 78.000 người có công với cách mạng. Hàng tháng, nguồn ngân sách của Nhà nước thực hiện việc chi trả, giải ngân cho các đối tượng này lên tới hơn 117 tỉ đồng. Chưa kể, nguồn kinh phí chi trả trong các trường hợp đột xuất như trao nhận huân, huy chương, mai táng, phong tặng các danh hiệu cao quý khác…
Tuy nhiên, theo phản ánh thì mức chi trả trợ cấp cho gia đình có công với cách mạng trong thời gian qua vẫn còn ở mức thấp so với nhu cầu cuộc sống. Với mức quy định trợ cấp hàng tháng thì vẫn còn hàng nghìn người gặp khó khăn trong cuộc sống. Thậm chí, nhiều người vẫn còn phải sống trong cảnh nhà ở tạm bợ, không nơi nương tựa, gặp hoàn cảnh éo le, thiếu thốn hàng ngày.
Qua thống kê cho thấy, trên địa bàn toàn tỉnh hiện nay vẫn còn gần 27.000 hộ người có công cần được hỗ trợ về nhà ở. Trong đó, có gần 14.000 hộ gia đình người có công cần được xây mới nhà ở vì đã xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng.
Trước tình hình đó, để cùng chung tay giúp đỡ người có công ổn định cuộc sống, thời gian qua, các cấp, ban, ngành từ Trung ương tới địa phương đã phát động các đợt quyên góp, xây dựng quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” để động viên, hỗ trợ vật chất…
Tại Nghệ An, phát huy đạo lý truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, các cấp, ban, ngành đã vận động từ nguồn xã hội hoá được hơn 18 tỉ đồng mỗi năm. Từ nguồn quỹ này, Nghệ An đã triển khai xây dựng được hơn 1.000 ngôi nhà tình nghĩa, tiến hành sửa chữa, nâng cấp được trên 1.200 ngôi nhà và tặng hơn 5.000 sổ tiết kiệm cho các đối tượng là người có công.
Ngoài ra, tỉnh còn trích nguồn từ quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” để hỗ trợ con em gia đình chính sách, con thương binh đào tạo nghề, giải quyết việc làm nhằm phần nào vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống. Mặt khác, các cấp, ngành, đoàn thể còn tạo cầu nối, giúp đỡ con em trong gia đình người có công tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.
Thông qua các cuộc vận động, nhiều tổ chức, cá nhân trên địa bàn đã thể hiện tinh thần “Uống nước nhớ nguồn” để trực tiếp xây mới nhà tình nghĩa, tạo việc làm cho con em thương binh, gia đình chính sách có việc làm ngay tại đơn vị, doanh nghiệp của mình…
Điển hình như Hội Hỗ trợ gia đình liệt sỹ tỉnh Nghệ An đã trở thành đơn vị tiên phong trong công tác “Đền ơn, đáp nghĩa” trong suốt những năm qua. Được thành lập từ năm 2014, đến nay, tổ chức này đã quyên góp, vận động và tiến hành xây dựng được hàng chục ngôi nhà tình nghĩa cho thân nhân liệt sỹ neo đơn, mẹ liệt sỹ… với số tiền hàng chục tỉ đồng. Hội cũng đã tiến hành trao tặng hàng trăm sổ tiết kiệm cho gia đình chính sách, tạo điều kiện cho họ vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.
“Trên địa bàn tỉnh hiện nay còn có hơn 1.500 gia đình liệt sỹ gặp hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về nhà ở cần được giúp đỡ. Ngoài ra, mức chi phí hỗ trợ hàng tháng đối với gia đình liệt sỹ, người có công với cách mạng hiện nay vẫn còn thấp nên họ gặp rất nhiều khó khăn, túng thiếu. Chính vì vậy, để tiếp tục làm tốt công tác vận động từ nguồn xã hội hoá, hỗ trợ về vật chất lẫn tinh thần cho gia đình có công thì rất cần sự chung tay của nhiều tổ chức, cá nhân có tấm lòng hảo tâm”, ông Hồ Đức Thành, Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sỹ tỉnh Nghệ An cho biết.
Tạo mọi nguồn lực để xã hội hoá công tác chăm sóc cho người có công đang được thực hiện sâu rộng ở các cấp, ban, ngành và chính quyền địa phương. Bên cạnh đó, công tác giáo dục truyền thống, tạo mối quan hệ kết nghĩa để các đơn vị cơ quan, trường học, doanh nghiệp… chăm sóc người có công gặp hoàn cảnh khó khăn đang được thực hiện rất sâu rộng. Thế nhưng, để người có công với cách mạng phần nào giảm bớt áp lực khó khăn trong cuộc sống, khoả lấp thiệt thòi, đau thương mất mát mà họ phải gánh chịu thì sự quan tâm, giúp đỡ của xã hội cần được nâng cao hiệu quả thực hiện hơn nữa.
Ngọc Thái