Gia đình xã hội

Ngăn chặn thực phẩm 'bẩn' cuối năm

09:19, 23/12/2016 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
Thời điểm cuối năm là thời điểm dễ phát sinh các “điểm nóng” về an toàn thực phẩm, cũng là cơ hội để các đối tượng buôn bán thực phẩm “bẩn”, không rõ nguồn gốc, xuất xứ xâm nhập thị trường.
 
Mới đây, ngày 15/12, Đội Quản lý thị trường số 5 (Chi Cục Quản lý thị trường Hà Nội) đã kiểm tra và phát hiện hàng chục lon nguyên liệu trà sữa (khoảng 2 tấn) không có hóa đơn chứng từ của Công ty TNHH Thương mại dịch vụ TACO Việt Nam (tại ngõ 780 Minh Khai, phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội).
 
Đội Cảnh sát phòng chống tội phạm môi trường, Công an TP. Huế cũng đã phát hiện 90 bì xúc xích có tổng trọng lượng 45 kg, 7 bì tôm Surimi có trọng lượng 500 g, 120 bì chạo sả có tổng trọng lượng 60 kg, 5 tủ lạnh chứa xúc xích, bò viên, tôm viên, tôm surimi, chả cá... không có hoá đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ; 290 bịch nước tương các loại mỗi bịch 0,5 l không bảo đảm về nhãn mác.
 
Gần đây, lực lượng chức năng tỉnh Vĩnh Phúc cũng đã liên tiếp phát hiện nhiều vụ việc buôn bán, kinh doanh thực phẩm “bẩn” trên địa bàn. Điển hình là một số vụ việc như: Phát hiện, bắt giữ hàng chục tấn mỡ, bã mỡ trâu, bò đã bốc mùi hôi thối; phát hiện gần 1 tấn các loại thịt lợn, bì, xương lợn đang trong quá trình phân hủy tại một cơ sở giết mổ lợn và sản xuất giò chả trên địa bàn huyện Tam Dương…
 
Theo số liệu của Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Nghệ An, gần đây, đơn vị này đã phát hiện và bắt 5 vụ sản xuất, chế biến thực phẩm vi phạm các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm; 1 vụ tàng trữ nội tạng động vật đã bốc mùi hôi thối; 4 vụ vận chuyển rau củ quả có tem nhãn Trung Quốc, không có thủ tục giấy tờ; 1 vụ vận chuyển động vật không rõ nguồn gốc, không qua kiểm dịch...
 
Các vụ việc, hành vi trên cho thấy, tình hình an toàn vệ sinh thực phẩm thời điểm cuối năm có diễn biến phức tạp; vì lợi nhuận nên nhiều đối tượng sẵn sàng “tung ra” thị trường các loại thực phẩm kém chất lượng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng. Chính vì vậy, các lực lượng chức năng nhận định, nguy cơ xảy ra ngộ độc thực phẩm vào dịp cuối năm do các loại thực phẩm bẩn xâm nhập vào thị trường sẽ tăng cao hơn nếu công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm không được kiểm soát tốt.
 
Lập 6 đoàn kiểm tra an toàn thực phẩm
 
Nhận định tình hình trên, Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm thành lập 6 đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra tại 12 tỉnh, thành phố từ tháng 12/2016 đến tháng 3/2017.
 
Tại địa phương, sẽ tiến hành thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành tại các cấp, từ cấp tỉnh đến quận, huyện, xã, phường, có đại diện Mặt trận Tổ quốc cùng cấp tham gia kiểm tra theo Chương trình phối hợp vận động và giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm giai đoạn 2016-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ký tháng 3/2016.
 
Riêng tại Hà Nội, theo Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội, với lượng hàng hóa lưu chuyển lớn, Hà Nội được đánh giá là địa bàn phức tạp, trong đó các điểm trung chuyển hàng hóa tập trung như: Ninh Hiệp, ga Yên Viên, chợ Đồng Xuân, sân bay Nội Bài… là những địa bàn trọng điểm mà Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội sẽ bám sát, yêu cầu các ngành thành viên, Ban Chỉ đạo 389 quận, huyện, thị xã tăng cường kiểm tra, kiểm soát. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng tăng cường kiểm tra thực phẩm bằng xe xét nghiệm lưu động.
 
Theo ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành từ Trung ương đến địa phương sẽ tập trung thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất lớn, với các sản phẩm: Thịt, cá, trứng, bánh mứt kẹo, rượu bia, nước giải khát, rau củ quả… Đó là những nhóm hàng tiêu thụ rất lớn trong dịp Tết.
 
Ngoài ra, các đoàn thanh tra sẽ tập trung thanh tra tại các thành phố lớn, các chợ đầu mối, những địa điểm tập trung chuyển các nguồn hàng về các tỉnh, cửa khẩu.

Nguồn: Chinhphu.vn

Các tin khác