Gia đình xã hội
Cần chính sách hỗ trợ trẻ tự kỷ
(Congannghean.vn)-Trong những năm gần đây, cả nước nói chung và Nghệ An nói riêng ghi nhận sự gia tăng đáng lo ngại của số trẻ em mắc hội chứng tự kỷ. Hệ lụy của căn bệnh này rõ ràng là vậy, song hiện nay, Việt Nam vẫn chưa có nhiều chính sách hỗ trợ cho nhóm trẻ này như những nhóm khuyết tật về trí tuệ khác.
Trẻ tự kỷ rất cần sự hỗ trợ từ các chính sách xã hội về y tế, giáo dục để sớm khỏi bệnh và hòa nhập với cộng đồng - Ảnh minh họa |
Nằm ngoài hệ thống an sinh xã hội
Theo điều tra, số trẻ tự kỷ dưới 6 tuổi tại Nghệ An chiếm 1,57%, tương đương 1/64 trẻ. Con số này có xu hướng tăng lên hàng năm. Cũng như cả nước, trẻ mắc hội chứng này trên địa bàn tỉnh gặp rất nhiều khó khăn, thiệt thòi trong việc tiếp cận với các dịch vụ y tế, giáo dục. Đơn cử như, do hệ thống dịch vụ y tế cơ sở không có bác sĩ chuyên khoa thần kinh nên nhóm trẻ này phải chuyển lên các tuyến trên để được khám và điều trị ở các khoa tâm thần.
Trên thực tế, hội chứng tự kỷ cần được phát hiện và can thiệp sớm thì việc điều trị mới mang lại hiệu quả. Thế nhưng, hiện nay, các bậc phụ huynh chỉ có thể tìm đến các dịch vụ này tại các phòng khám tư nhân do các chuyên gia về lĩnh vực này phụ trách. Theo đó, chi phí mỗi lần thăm khám là không hề nhỏ, trong khi việc điều trị cần được thực hiện trong thời gian dài, có thể tính bằng nhiều năm. Quá trình này không chỉ đòi hỏi tính nhẫn nại, kiên trì mà còn cần đến khả năng tài chính của gia đình trẻ. Bởi vậy, nếu không được hỗ trợ về các chính sách y tế, nhiều trẻ sẽ có nguy cơ cao bị tâm thần, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Thực tế trên cho thấy, việc ban hành chính sách chi trả BHYT cho hoạt động tư vấn điều trị, can thiệp sớm, rèn luyện và phục hồi chức năng cho trẻ tự kỷ là rất cấp bách.
Nhiều nỗ lực
Nhận thức rõ những khó khăn, thiệt thòi của trẻ mắc hội chứng tự kỷ khi tiếp cận với các chính sách xã hội về y tế, thời gian qua, nhiều cơ quan, đơn vị Nhà nước trên địa bàn tỉnh đã tăng cường sự phối hợp trong việc hỗ trợ quá trình thăm khám, điều trị của nhóm trẻ này.
Trong số đó, phải kể đến hoạt động của nhóm nghiên cứu đến từ Bệnh viện Sản - Nhi và Đại học Y khoa Vinh. Việc xây dựng mô hình điều trị tự kỷ tại Khoa Thần kinh - Phục hồi chức năng, Bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An thời gian qua đã phát huy hiệu quả rõ rệt. Theo đó, số bệnh nhi mắc chứng tự kỷ đến thăm khám, điều trị tăng nhanh. Sau khi được can thiệp, điều trị, số trẻ tự kỷ hoà nhập cộng đồng tăng lên theo từng năm, năm 2015 đạt 74%. Trong đó, 10% trẻ có sự cải thiện hoàn toàn về khả năng hòa nhập.
Trên thực tế, tuy số trẻ tự kỷ có chiều hướng tăng song đội ngũ giáo viên chuyên biệt cho nhóm trẻ này vẫn còn thiếu trầm trọng cả về số lượng lẫn chất lượng. Ngoài ra, chính sách hỗ trợ pháp lý cho hoạt động giáo dục trẻ tự kỷ cũng còn nhiều hạn chế, trong đó có chế độ đãi ngộ cho các giáo viên và chính sách hỗ trợ cho trẻ và gia đình trong quá trình tham gia trị liệu, giáo dục hay chăm sóc y tế...
Trước những khó khăn trong việc giáo dục, chăm sóc trẻ tự kỷ nói trên, nhằm nâng cao nhận thức cho các bậc phụ huynh, cán bộ y tế và giáo viên mầm non trong việc phát hiện và can thiệp sớm đối với hội chứng này, Bệnh viện Sản - Nhi và Đại học Y khoa Vinh đã phối hợp tổ chức Hội thảo “Một số giải pháp phòng, điều trị bệnh tự kỷ ở trẻ em dưới 6 tuổi ở Nghệ An”. Hoạt động tập huấn về cách phát hiện và chăm sóc, giáo dục trẻ tự kỷ cũng được 2 đơn vị thực hiện một cách đồng bộ, trên diện rộng với sự tham gia của 400 giáo viên mầm non. 70 bác sĩ, điều dưỡng nhi khoa của tất cả các huyện, thành trong tỉnh; 400 sinh viên mầm non Đại học Vinh, sinh viên Đại học Y khoa Vinh và trên 200 bà mẹ có con mắc bệnh tự kỷ.
Với sự gia tăng số trẻ tự kỷ như hiện nay, trong tương lai không xa, nhóm đối tượng này có thể trở thành gánh nặng của toàn xã hội nếu các em vẫn đang nằm ngoài hệ thống an sinh xã hội. Tuy nhiên, điều này hoàn toàn có thể ngăn chặn được nếu hệ thống chính sách pháp lý và xã hội đối với các em được sớm xây dựng và triển khai trên thực tế.
Thùy Dương