Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201611/hoat-dong-cua-cac-mo-hinh-phong-chong-te-nan-xa-hoi-nhieu-kho-khan-can-thao-go-707272/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201611/hoat-dong-cua-cac-mo-hinh-phong-chong-te-nan-xa-hoi-nhieu-kho-khan-can-thao-go-707272/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Nhiều khó khăn cần tháo gỡ - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Sáu, 04/11/2016, 08:09 [GMT+7]
Hoạt động của các mô hình phòng, chống tệ nạn xã hội

Nhiều khó khăn cần tháo gỡ

(Congannghean.vn)-Nghệ An là tỉnh trọng điểm, phức tạp về ma túy của cả nước. Trong khi đó, thời gian gần đây, số người sử dụng ma túy tổng hợp, dạng đá có xu hướng tăng, tình hình hoạt động mại dâm tại địa bàn diễn biến phức tạp. Điều này đặt ra thách thức không nhỏ trong việc hình thành, duy trì, nhân rộng cũng như huy động xã hội hóa các mô hình phòng, chống tệ nạn xã hội (TNXH) trên địa bàn.

Học viên học nghề tại Trung tâm Giáo dục Lao động xã hội 1 Nghệ An
Học viên học nghề tại Trung tâm Giáo dục Lao động xã hội 1 Nghệ An

Dựa trên yêu cầu thực tiễn và đặc điểm địa phương, ngày 20/3/2015, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành kế hoạch mở điểm hỗ trợ cai nghiện ma túy tại cộng đồng trên địa bàn. Mục tiêu đặt ra là hình thành mạng lưới các điểm hỗ trợ cai nghiện ma túy tại cộng đồng có đủ năng lực đáp ứng nhu cầu điều trị nghiện; tạo điều kiện thuận lợi cho người nghiện ma túy tiếp cận và sử dụng dịch vụ điều trị cai nghiện.

Theo đó, số lượng, quy mô, vị trí của các cơ sở phải phù hợp với nhu cầu điều trị tại mỗi địa phương, thuận lợi cho việc đi lại của người bệnh, tránh dàn trải, lãng phí; cơ sở, trang thiết bị của điểm tư vấn hỗ trợ cai nghiện ma túy tại cộng đồng chủ yếu sử dụng trạm y tế cấp xã hoặc điểm sinh hoạt cộng đồng tại thôn, bản để hoạt động. Năm 2015, mô hình trên được thực hiện thí điểm tại 10 điểm ở 10 địa phương đơn vị cấp huyện. Riêng tại TP Vinh, thực hiện thí điểm tại phường Lê Lợi và Hưng Bình.

Theo ông Đào Xuân Lục, Chi cục trưởng Chi cục phòng, chống TNXH tỉnh Nghệ An: “Tổ chức này do xã, phường tổ chức, gắn kết với trung tâm có chức năng cai nghiện trên địa bàn tỉnh, với mục tiêu cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho người nghiện ma túy về pháp lý, y tế, bơm kim tiêm, dùng thuốc phù hợp. Tuy nhiên, hiệu quả thực hiện vẫn chưa như mong đợi. Khó khăn không phải xuất phát từ việc thiếu kinh phí bởi nguồn hỗ trợ được thực hiện theo phân cấp Ngân sách của Luật Ngân sách Nhà nước.

Yếu tố quyết định đến việc thành công của chương trình phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nhân lực để sâu sát, duy trì và nâng cao chất lượng. Trong khi trên thực tế, việc cán bộ kiêm nhiệm quá nhiều công việc khiến công tác quản lý theo dõi đối tượng khó tập trung”.

Đến nay, tuy là địa bàn phức tạp về ma túy nhưng Nghệ An vẫn chưa có cán sự chuyên trách phòng, chống TNXH.

Với đặc thù về hạ tầng giao thông, trong thời gian trước, phường Lê Lợi, TP Vinh từng được xem là “điểm nóng” về tội phạm và các đối tượng nghiện ma túy. Đây cũng chính là lý do khiến Lê Lợi được chọn làm điểm triển khai mô hình cai nghiện tại cộng đồng trên địa bàn TP Vinh.

Ông Trần Trung Kiên, Trạm trưởng Trạm Y tế phường Lê Lợi cho biết: Từ khi mở điểm triển khai hỗ trợ cộng đồng đến nay (năm 2015, 2016), phường Lê Lợi đã tổ chức cai nghiện cho 17 đối tượng. Được hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, mọi điều kiện để thực hiện, tuy nhiên, việc thuyết phục để gia đình, cá nhân các đối tượng chấp nhận cai nghiện không phải chuyện đơn giản. Đó là chưa kể đến, hiện nay, các đối tượng đã chuyển từ sử dụng hêrôin sang các loại ma túy tổng hợp khiến tình trạng lệ thuộc tinh thần, các hiện tượng ảo giác xuất hiện làm cản trở kết quả thực hện.

Trong khi đó, tình hình hoạt động mại dâm tại địa bàn Nghệ An đang diễn biến khá phức tạp với phương thức hoạt động ngày càng tinh vi, dùng nhiều thủ đoạn để đối phó với các cơ quan chức năng. Nổi lên chủ yếu là hoạt động mại dâm núp dưới danh nghĩa các cơ sở kinh doanh dịch vụ massage, karaoke, nhà nghỉ, gội đầu thư giãn.

Một số nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ không chứa gái mại dâm tại chỗ nhưng cấu kết chặt chẽ với các đối tượng dẫn dắt, môi giới mại dâm, sẵn sàng đáp ứng, cung cấp gái cho khách mua dâm khi có nhu cầu. Trước đây, để phòng, chống tệ nạn mại dâm, tại Nghệ An, một số mô hình được các tổ chức phi Chính phủ hỗ trợ, tuy nhiên, thời gian gần đây, nguồn hỗ trợ duy trì không còn nữa.

Trong khi đó, qua khảo sát trên địa bàn toàn tỉnh có tới 3.113 cơ sở làm nghề kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm với 7.987 người phục vụ, 142 đối tượng chủ chứa, môi giới mại dâm; ước tính có 270 người bán dâm, 10/21 huyện, thành, thị và 21/480 xã, phường, thị trấn có tệ nạn mại dâm. Điều này đặt ra thách thức không nhỏ đối với các cấp, các ngành và địa phương trong việc phòng, chống tệ nạn mại dâm.

Trước đây, chúng ta nhận được sự giúp đỡ khá lớn của các tổ chức quốc tế cho mục tiêu kiềm chế gia tăng, từng bước giảm dần số người nghiện ma túy, nhiễm HIV/AIDS, giúp người bán dâm hoàn lương. Nhưng theo lộ trình, các chương trình này đang dần bị cắt giảm trong khi TNXH vẫn có những diễn biến khó lường. Để tiếp tục thực hiện mục tiêu trên cần sự chung tay của toàn xã hội. Vì vậy, việc thành lập và chuyên nghiệp hóa đội ngũ làm công tác phòng, chống TNXH càng trở nên cần thiết.

Muốn công tác phòng, chống TNXH đạt hiệu quả cao phải bắt đầu từ mỗi cộng đồng dân cư và phải phát huy được sức mạnh của cộng đồng. Bởi, không gì hiệu quả bằng việc huy động chính người dân địa phương tham gia vào việc phát hiện, vận động, cảm hóa và giúp đỡ các đối tượng lầm lỡ tái hóa nhập cộng đồng.

.

Mai Hậu

.