Gia đình xã hội
Cái kết có hậu của cô bé mồ côi
(Congannghean.vn)-Đó là câu chuyện như cổ tích của em Sầm Thị Sen trú tại bản Nhang, xã Châu Cường, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An. Từ cô bé mồ côi nay em đã trở thành cô giáo tại Trường PTDT bán trú THCS Châu Lý, huyện Quỳ Hợp.
Một giờ lên lớp của cô giáo Sầm Thị Sen tại ngôi trường mới |
Trước đây, hoàn cảnh của em Sầm Thị Sen rất bi đát. Năm 2006, khi em 12 tuổi thì bố mất vì bệnh hiểm nghèo, mẹ em cố gắng tần tảo, cực nhọc sớm khuya nuôi em khôn lớn. Thương mẹ, em cố gắng học tập và thi đỗ vào Khoa sư phạm Toán, Trường Đại học Vinh. Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, ngoài giờ học trên lớp, mỗi ngày em tranh thủ đi làm gia sư 2 đến 3 ca để kiếm tiền trang trải cho việc học tập.
Cuối năm 2015, khi em đang học đại học năm thứ 4 thì người mẹ thân yêu của em qua đời vì bệnh ung thư, để lại em một mình trơ trọi giữa thế gian. Giữa lúc tưởng chừng như mọi cái phải bỏ dở thì em được Hội Chữ thập đỏ xã Châu Cường, Hội Chữ thập đỏ huyện Quỳ Hợp và Hội Chữ thập đỏ tỉnh phối hợp với Đài PT-TH Nghệ An ghi hình Chương trình Vòng tay nhân ái; qua đó nhiều người đã hỗ trợ, giúp đỡ em tiếp tục đến giảng đường và hoàn thành chương trình đại học.
Mặc dù phải chịu nỗi đau quá lớn khi mất hết người thân yêu nhất, nhưng được sự quan tâm sẻ chia của cộng đồng, em đã đứng vững và đạt thành tích cao trong học tập. Khi còn là học sinh THPT, Sen từng đạt học sinh giỏi tỉnh môn Toán, đạt giải Hoa trạng nguyên của Bộ GD&ĐT. Khi học tại lớp 53A, sư phạm Toán, Sen không chỉ là sinh viên xuất sắc mà còn là nữ sinh tiêu biểu của Trường Đại học Vinh.
Ngoài học bổng của nhà trường, Sen còn nhận được học bổng của chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học. Nỗ lực phấn đấu của Sen đã được bạn bè và thầy cô ghi nhận. Vừa qua, em vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.
Sầm Thị Sen chia sẻ: "Em rất cảm ơn chương trình Nhịp cầu nhân ái, qua đó nhiều người biết về hoàn cảnh của em đã động viên, giúp đỡ để em có được công việc ổn định như hôm nay. Đặc biệt, em rất cảm ơn bác Phạm Thị Hồng Thái, nguyên Chủ tịch Hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Nghệ An, em coi bác như ân nhân, là người mẹ thứ 2 của em. Ngoài đỡ đầu cho em trong quá trình học đại học, sau khi tốt nghiệp, bác Thái đã cùng em mang hồ sơ đến UBND tỉnh, Sở Nội vụ, Sở GD&ĐT để xin việc làm cho em. Ước mơ bấy lâu làm cô giáo của em đã trở thành hiện thực".
Sau khi về trường công tác, biết được hoàn cảnh của em, Ban Giám hiệu, Công đoàn nhà trường đã tạo mọi điều kiện tốt nhất cho em. Trao đổi với chúng tôi, thầy giáo Hoàng Nghĩa Quang, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Sau khi nhận được thông tin có cô Sầm Thị Sen, một trường hợp đặc biệt được đặc cách về trường dạy học, chúng tôi đã tạo điều kiện hết mức cho cô. Vì hoàn cảnh nhà xa, cách trường khoảng 20 km, chúng tôi đã sắp xếp cho cô một phòng ở nội trú tại trường, sắm đầy đủ các vật dụng như một gia đình nhỏ, tạo điều kiện cho cô về công tác. Mong rằng với sự tương đồng về địa lý và là người dân tộc Thái, cô sẽ phát huy được khả năng của mình, cùng với tập thể xây dựng nhà trường ngày càng phát triển".
Để có được cái kết có hậu đó, ngoài sự nỗ lực của bản thân Sen là sự chung tay giúp đỡ của cộng đồng xã hội. Những tấm lòng nhân ái không chỉ mang lại niềm hy vọng mà còn mở hướng tương lai cho cuộc sống của em Sầm Thị Sen. Những nghĩa cử yêu thương vẫn được trao gửi trong cộng đồng đã và sẽ tiếp tục viết nên những câu chuyện cổ tích giữa cuộc đời này.
Thu Hường