Gia đình xã hội

Trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số

Hiệu quả thiết thực

09:58, 27/08/2016 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Nghệ An là tỉnh có diện tích rộng, dân số đông; trong đó người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỉ lệ khá cao nhưng trình độ dân trí và nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật nhìn chung còn hạn chế. Xuất phát từ thực tế trên, thời gian qua, các cấp, ngành liên quan đã đẩy mạnh thực hiện nhiều chính sách trợ giúp pháp lý (TGPL) đối với đối tượng này, qua đó ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực trên mọi mặt của đời sống.

Việc đẩy mạnh công tác TGPL giúp đồng bào dân tộc thiểu số nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật (Trong ảnh: Đồng bào dân tộc thiểu số tham gia ngày hội bầu cử)
Việc đẩy mạnh công tác TGPL giúp đồng bào dân tộc thiểu số nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật (Trong ảnh: Đồng bào dân tộc thiểu số tham gia ngày hội bầu cử)

Nỗ lực đưa luật vào đời sống người dân

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ ban hành chính sách TGPL cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn giai đoạn 2016 - 2020 và hỗ trợ vụ việc tham gia tố tụng có tính chất phức tạp hoặc điển hình.

Theo đó, đối tượng thụ hưởng chính sách này gồm người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số và đối tượng được TGPL khác theo quy định của pháp luật về TGPL sinh sống tại: Các huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP; các xã nghèo không thuộc các huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP gồm xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu và xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; thôn, bản đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc miền núi không thuộc các xã nghèo quy định trên.

Tại Nghệ An, năm 2013, khi Quyết định số 59/2012/QĐ-TTg về chính sách TGPL cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã nghèo giai đoạn 2013 - 2020 được triển khai, các đối tượng thuộc diện trên ở địa bàn tỉnh, đặc biệt là tại 3 huyện nghèo thuộc Chương trình 30a (Quế Phong, Tương Dương, Kỳ Sơn) có điều kiện tiếp cận dễ dàng hơn với chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước.

6 tháng đầu năm 2016, Trung tâm TGPL tỉnh và các chi nhánh đã thụ lý 222 vụ việc, trong đó 59 vụ việc tư vấn, 5 vụ việc bảo vệ quyền lợi, 146 vụ việc bào chữa, 1 vụ việc hòa giải và 11 vụ việc theo hình thức khác. Trung tâm cũng tiến hành TGPL cho đồng bào dân tộc thiểu số với 112 vụ việc; tuyên truyền pháp luật cho 300 lượt người và TGPL cá biệt cho 15 trường hợp.

Ngoài ra, 100% trụ sở cơ quan tiến hành tố tụng, trại tạm giam, nhà tạm giữ đều đã lắp đặt bảng thông tin, hộp tin về TGPL và danh sách trợ giúp viên và cộng tác viên của Trung tâm. Đặc biệt, hoạt động TGPL lưu động cũng được đẩy mạnh thực hiện, qua đó góp phần tích cực trong việc đáp ứng nhu cầu thụ hưởng dịch vụ TGPL miễn phí của người dân.

Chuyển biến tích cực về ANTT

Thời gian qua, công tác TGPL, nhất là ở địa bàn vùng sâu, vùng xa đã cung cấp cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số những thông tin pháp luật hữu ích, liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của họ. Trong đó, việc tổ chức các cuộc TGPL lưu động có lồng ghép những nội dung liên quan đến khiếu nại, tố cáo, nhất là quy định của pháp luật về khiếu kiện đông người, vượt cấp để nhân dân hiểu rõ, tránh làm sai, ảnh hưởng đến tình hình ANTT tại địa phương đã thực sự trở thành “công cụ tuyên truyền” đắc lực nhằm góp phần ổn định chính trị từ cơ sở.

Đơn cử như buổi tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật và TGPL được tổ chức tại nhà văn hóa cộng đồng bản Ăng, xã Thông Thụ, huyện Quế Phong. Bản Ăng là bản tái định cư Thủy điện Hủa Na, người dân phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số, nhận thức về pháp luật còn hạn chế. Bởi vậy, trong nhiều trường hợp, các thắc mắc, vướng mắc liên quan đến chế độ, chính sách hỗ trợ đồng bào tái định cư, nhất là vấn đề đất sản xuất của bà con “không biết bày tỏ cùng ai”.

Tuy nhiên, thông qua buổi TGPL lưu động trên, những giải đáp cụ thể, dễ hiểu của cán bộ tư pháp và đội ngũ cộng tác viên đã giúp người dân tin tưởng vào chính quyền, đồng tình với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; từ đó yên tâm sản xuất, ổn định cuộc sống mới.

Cũng tại các buổi TGPL lưu động, ngoài việc trả lời trực tiếp các thắc mắc và tư vấn pháp luật cho người dân, đoàn TGPL còn cung cấp nhiều tờ rơi giới thiệu các văn bản, quy định pháp luật mới; trong đó chủ yếu liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền thừa kế, chế độ bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, chính sách đối với người có công với cách mạng…

Thời gian qua, việc mở rộng chi nhánh TGPL ở những địa phương có đông đối tượng thuộc diện TGPL ở Tương Dương, TX Thái Hòa, Diễn Châu đã góp phần “tháo ngòi nổ” từ cơ sở, từ đó hạn chế việc phát sinh các “điểm nóng” về ANTT. Không những thế, hoạt động này còn phát huy hiệu quả đa chiều trong việc hóa giải, giải quyết những mâu thuẫn, vấn đề còn tồn tại bất cập giữa chính quyền với người dân và giữa người dân với nhau trong cuộc sống liên quan đến pháp luật; qua đó góp phần giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong khu dân cư, xây dựng xã hội “sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật”.

Hồng Hạnh

Các tin khác