Gia đình xã hội
Chuyện của những người trong cuộc
(Congannghean.vn)-Tại Nghệ An, với những đặc thù riêng trong sản xuất, lối sống, công tác phòng, chống bạo hành gia đình đặt ra không ít thách thức cho các cấp, ngành, các tổ chức đoàn thể và mỗi cá nhân. Chia sẻ từ những người trong cuộc từng là nạn nhân của bạo lực gia đình (BLGĐ), từ những cá nhân, tổ chức từng trực tiếp tham gia công tác hòa giải, vận động, tuyên truyền để nâng cao ý thức của người dân về công tác bình đẳng giới sẽ cho thấy một lát cắt chân thật, cụ thể về những nỗ lực với hy vọng làm đổi thay những mảnh đời vốn chịu nhiều đau khổ, bất hạnh do bạo hành gây nên.
Cán bộ CLB Phụ nữ tự lực phường Nghi Hòa, TX Cửa Lò chia sẻ với P.V về công tác phòng, chống bạo hành gia đình |
Nghi Hòa là phường thuộc TX Cửa Lò. Trong những năm gần đây, do kinh tế biển có nhiều khởi sắc, một số hộ gia đình mạnh dạn đầu tư thu mua, chế biến thủy, hải sản, kinh doanh nhỏ lẻ nên cuộc sống đã có nhiều đổi thay hơn. Tuy nhiên, cách đây gần 1 thập kỷ, khi đời sống còn gặp nhiều khó khăn, kinh tế còn bế tắc, tại nhiều gia đình nhỏ của vùng đất Nghi Hòa này đã xuất hiện nhiều giọt nước mắt, những uất hận, đau đớn tủi hổ của những phụ nữ vốn đã chịu nhiều thiếu thốn, nghèo đói.
Ngồi đối diện với tôi là người phụ nữ tuy đã ngoài lục tuần nhưng vẫn rất duyên dáng và năng động. Không ai nghĩ, chị từng là nạn nhân của bạo hành gia đình. Người gây ra những trận đòn roi không ai khác là người chồng “đầu gối tay ấp” suốt nhiều năm qua của chị. Đó là chị Đậu Thị Hòa trú tại khối Đông Hòa.
Chị cho biết: “Tất cả là do rượu thôi. Cứ làm việc thì không sao, nhưng khi nông nhàn, có chút rượu vào, chồng tôi lại kiếm cớ “gây sự”. Lúc đầu cũng buồn lắm, nhưng nhiều cũng thành quen”. Và rồi, chị đã có cơ hội đổi thay cuộc đời khi Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nghệ An triển khai mô hình thí điểm phòng chống BLGĐ tại 7 phường thuộc TX Cửa Lò.
Theo đó, các CLB gia đình phát triển bền vững được thành lập. Được sự tuyên truyền của các đoàn thể, chị đã tham gia tích cực và được bầu làm Phó Chủ tịch CLB Phụ nữ tự lực, CLB dành cho những người bị bạo hành. Chị cũng đã động viên chồng tham gia nhóm “Nam giới trách nhiệm”. Qua những buổi sinh hoạt, chị và chồng đã dần thay đổi nhận thức về cách ứng xử với nhau trong giải quyết các vấn đề phát sinh trong cuộc sống gia đình.
Từ những ái ngại do tâm lý “chuyện nhà giấu kín” đến những chia sẻ trong nước mắt về những năm tháng cùng nhau vượt qua sóng gió để có ngày hôm nay, chị và chồng đã hiểu nhau hơn. Những lời xin lỗi muộn màng từ người chồng đã bao năm tưởng cạn khô tình cảm khiến chị rất xúc động, cứ ngỡ đó chỉ là giấc mơ.
Dự án Mô hình lồng ghép phòng, chống bạo hành giới dựa vào cơ sở y tế và cộng đồng, do quỹ Ford tài trợ được thực hiện từ tháng 5/2006 tại TX Cửa Lò. Theo đó, hàng tháng thường xuyên có các buổi truyền thông, hoà giải cơ sở nhằm giúp chị em nâng cao nhận thức, giải quyết những mâu thuẫn ngay từ khi mới phát sinh để hạn chế tình trạng BLGĐ.
Điểm mới và nổi bật của mô hình này so với các hoạt động khác là sự tham gia tích cực của 2 phía, phía bị bạo hành và phía bạo hành. Từng nhóm “Phụ nữ tự lực” và “Nam giới trách nhiệm” được thành lập tại 7 đơn vị: Nghi Thu, Nghi Hương, Nghi Hòa, Nghi Thủy, Thu Thủy, Nghi Tân, Nghi Hải.
Các chị em tích cực tham gia kinh doanh hải sản, tạo dựng kinh tế cho gia đình |
Lý giải về sự lựa chọn này, ông Võ Văn Thọ, Trưởng phòng Văn hóa TX Cửa Lò cho biết: Cửa Lò là miền biển, nghề sản xuất chính của người dân là đánh bắt, thu mua, chế biến hải sản. Do tính chất công việc nên tư tưởng “trọng nam khinh nữ”, phong kiến vẫn còn nặng nề trong mỗi gia đình.
Hiệu quả của mô hình này tới hạnh phúc của những gia đình từng chìm trong bạo hành đã được những người trực tiếp tham gia hoạt động khẳng định.
Theo chị Nguyễn Thị Hòa, nguyên Chủ tịch Hội Phụ nữ phường Nghi Hòa, TX Cửa Lò cho biết: Khi dự án triển khai, đã có 14 trường hợp bị bạo hành trực tiếp thông tin và tham gia vào CLB. Đó thực sự là một nỗ lực rất lớn của các chị em và gia đình. Được sự động viên của các đoàn thể, các chị em đã vượt qua tâm lý ngại ngần, sự phản đối của người chồng để dũng cảm chia sẻ chuyện đời. Hình thức sinh hoạt tương tác giữa hai bên đã tạo sự chuyển biến rõ nét.
Có những trường hợp người phụ nữ bị bạo hành, thậm chí rất nghiêm trọng trong suốt 20 năm qua, nhưng nhờ sự can thiệp của các CLB, tổ chức, đoàn thể nên họ đã được cứu giúp, cuộc sống đã thay đổi.
Như gia đình chị Lê Thị Sỹ - anh Lê Quán Ngoạn. Hơn 20 năm làm vợ là 20 năm chị câm lặng chịu những đòn roi từ người chồng vũ phu. Đã có những lúc, chị Sỹ muốn giải thoát cuộc đời, chấm dứt cuộc sống gia đình vốn nhiều nước mắt và tủi nhục. Nhưng nghĩ đến các con, nghĩ đến nội ngoại hai bên, chị lại tiếp tục chịu đựng...
Sau gần 1 năm tham gia CLB, từ người chồng khô khan, thiếu quan tâm vợ, anh đã chủ động tặng món quà cho chị trong buổi sinh hoạt CLB. Đó cũng là món quà đầu tiên mà chị được nhận từ chồng sau quãng thời gian bao năm đằng đẵng làm vợ.
Sau thời gian hoạt động hiệu quả, năm 2012, Ford đã dừng hoạt động hỗ trợ phòng, chống BLGĐ tại Nghệ An. Tuy nhiên, những nền tảng, cơ sở mà các CLB này để lại vẫn được duy trì. Tại phường Nghi Hòa, khi có trường hợp bạo hành xảy ra, chị em vẫn thường xuyên liên lạc với chị Hòa để được nhận sự giúp đỡ. Dù không có nhiều kinh phí nhưng định kỳ 3 tháng/lần sẽ tổ chức sinh hoạt.
Còn tại phường Thu Thủy, do tính chất công việc của chị em nên CLB Phụ nữ tự lực đã được đổi thành CLB Phụ nữ đô thị biển. Các hoạt động phòng, chống bạo hành gia đình cũng được đan xen vào nhiều hình thức sinh hoạt khác của Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên… Riêng tại phường Thu Thủy, trong 3 năm trở lại đây, đã không có vụ bạo hành nào xảy ra. Nhận thức của người dân đã dần dần có sự chuyển biến và đổi thay theo thời gian.
Theo bà Hoàng Thị Quỳnh Anh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, CLB gia đình bền vững tại Cửa Lò là một trong những mô hình phòng, chống bạo hành gia đình hoạt động hiệu quả từ trước đến nay. Những nền tảng, dư âm của nó vẫn có tác dụng tích cực trong sinh hoạt tại cộng đồng dân cư. Tuy nhiên, khi Quỹ Ford ngừng tài trợ, vì thiếu kinh phí nên các hoạt động không được thường xuyên, liên tục nữa…
Thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nghệ An, trong năm 2015, trên địa bàn đã có 764 vụ bạo hành gia đình xảy ra, trong đó nạn nhân chủ yếu là nữ, từ 16 - 59 tuổi (chiếm 85%), hình thức bạo hành chủ yếu là bạo lực. Tuy nhiên, con số này chưa hẳn đã phản ánh đúng thực tế, trong khi các hình thức bạo hành kinh tế và bạo lực tình dục thường ít bị phát giác do hành vi vi phạm biểu hiện không rõ ràng; nhiều trường hợp các nạn nhân che giấu, âm thầm chịu đựng, không muốn công khai. Riêng tại Cửa Lò, 6 tháng đầu năm 2016, có 9 trường hợp bị bạo hành, trong đó có 1 trường hợp đã bị tạm giữ, xử phạt hành chính.
Không ai muốn mình là nạn nhân của bạo hành gia đình, cũng chẳng ai muốn con cái phải chứng kiến những đòn roi mà người bố gây ra cho mẹ. Tuy nhiên, khi đã không may mắn rơi vào trường hợp đó, sự hỗ trợ, can thiệp của các tổ chức đoàn thể là rất quan trọng. Việc hình thành, duy trì sinh hoạt các nhóm, câu lạc bộ chuyên biệt về bạo hành với nhiều hoạt động tích cực sẽ là cơ sở quan trọng để phát huy vai trò của các tổ chức Hội; đồng thời, tạo diễn đàn, cơ hội để chị em chia sẻ nỗi lòng, cùng vượt qua nỗi đau do bạo hành gia đình gây nên.
Mai Hậu