Gia đình xã hội

Vì sao không thể khẳng định hải sản nhiễm phenol là không an toàn?

10:03, 26/08/2016 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

Nhưng không công bố mẫu thủy sản phát hiện phenol, cyanide thì liệu người dân ăn có an toàn hay không?

Ngày 24/8, Bộ Y tế công bố các kết quả xét nghiệm mẫu thủy hải sản lấy vào tháng 7 và tháng 8 tại 4 tỉnh miền Trung gồm Quảng Bình, Quảng Trị, Hà Tĩnh, Thừa Thiên-Huế. Theo đó, số mẫu cá không bảo đảm ATTP đã giảm, chủ yếu là không đạt về chỉ tiêu kim loại nặng.

Ngành y tế vẫn đang tiếp tục theo dõi chất lượng thủy sản, lấy mẫu số lượng lớn và rộng hơn để kiểm nghiệm, từ đó đánh giá độ an toàn hải sản ở vùng biển 4 tỉnh miền Trung. Ảnh minh họa
Ngành y tế vẫn đang tiếp tục theo dõi chất lượng thủy sản, lấy mẫu số lượng lớn và rộng hơn để kiểm nghiệm, từ đó đánh giá độ an toàn hải sản ở vùng biển 4 tỉnh miền Trung. Ảnh minh họa

Cụ thể, tháng 7 lấy 27 mẫu kiểm nghiệm thì chỉ phát hiện 7 mẫu không bảo đảm ATTP, đến ngày 19/8 chỉ phát hiện 1 trong số 18 mẫu kiểm tra có lượng cadimium vượt ngưỡng.

Tuy nhiên, ngay sau đó có xuất hiện một văn bản về kết quả kiểm nghiệm 9 mẫu cá và ghẹ lấy tại Hà Tĩnh ngày 5/8 có 1 mẫu lượng cadimium vượt ngưỡng (chính là mẫu mà Bộ Y tế công bố) và 5 mẫu nhiễm cyanide, 3 mẫu nhiễm phenol. Các kết quả xét nghiệm công bố không đồng nhất này khiến nhiều người hoang mang.

Trao đổi với báo chí, Cục trưởng ATTP Nguyễn Thanh Phong cho biết, để khẳng định thủy hải sản an toàn hay không phải căn cứ vào các chỉ tiêu xét nghiệm, chủ yếu là các kim loại nặng, còn cyanide và phenol không phải chỉ số đánh giá về ATTP. Các chỉ tiêu này được đưa ra nhằm mục đích quan trắc, tham khảo, đánh giá vấn đề ô nhiễm môi trường biển, chứ không phải chỉ số đánh giá, kết luận về ATTP.

Vì thế, không thể nhìn vào mẫu kiểm nghiệm phát hiện phenol, cyanide để nói hải sản không an toàn.

“Chúng tôi đã 4 lần làm việc với các tổ chức quốc tế đề nghị hỗ trợ, cung cấp quy định về phenol trong thực phẩm, nhưng cả WHO, FAO đều khẳng định, thế giới không quy định giới hạn các chất này trong thực phẩm”, ông Phong cho biết.

Cũng theo Cục trưởng ATTP, về nguyên tắc, đã là vùng biển có sự cố, khi sự cố chưa được khắc phục triệt để thì không nên sử dụng các thủy hải sản tại đấy, không cần chờ kết quả xét nghiệm. Kể cả khi môi trường đã được khôi phục, nước biển đạt quy chuẩn để tắm, nhưng chưa chắc hải sản đã an toàn.

Vì thế, ngành y tế vẫn đang tiếp tục theo dõi chất lượng thủy sản, lấy mẫu số lượng lớn và rộng hơn để kiểm nghiệm, từ đó đánh giá độ an toàn hải sản ở vùng biển 4 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng do thảm họa ô nhiễm môi trường từ hoạt động xả thải của Công ty Formosa.

Ông Phong cũng cho biết, khi các mẫu thủy hải sản cho kết quả kiểm nghiệm nhiễm phenol, cyanide thì các cơ quan chức năng vẫn cần quan tâm về chất lượng môi trường khu vực. Vì vậy, ông đề nghị Bộ NN&PTNT nên có khuyến cáo cụ thể với người dân rằng vùng biển nào đã được xác định an toàn và vùng nào chưa.

Cũng theo thông tin từ Cục ATTP, nghiên cứu trên thế giới, liều phenol gây chết 50% số chuột thí nghiệm ở mức 300-600 mg/kg thể trọng, tức lượng độc chất rất lớn. Trong khi đó các thực phẩm tự nhiên thường tồn tại lượng phenol nhất định. Cơ quan quản lý thực phẩm châu Âu nghiên cứu cho thấy, hàm lượng phenol vào cơ thể người qua thực phẩm hằng ngày là 0,18 mcg/kg thể trọng là an toàn.

Cục trưởng Cục ATTP khẳng định, cuối tháng 8 đầu tháng 9 này, Bộ Y tế sẽ công bố khảo sát chất lượng cá trên quy mô lớn để người dân biết. Tuy nhiên, nếu đầu tháng 9 khi công bố kết quả xét nghiệm thủy hải sản vẫn chưa đạt các chỉ số an toàn thì vẫn tiếp tục khuyến cáo người dân chưa nên sử dụng.

Nguồn: Chinhphu.vn

Các tin khác