Gia đình xã hội

Trẻ bị bệnh quai bị tăng đột biến

16:35, 17/07/2016 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Từ đầu năm đến nay, Bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An đã điều trị cho 555 trẻ bị quai bị. Nguy hiểm hơn, nhiều trẻ đã bị biến chứng sang viêm não - viêm màng não. Theo các bác sĩ bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An đánh giá, so với những năm trước, số lượng trẻ bị quai bị có chiều hướng gia tăng. Trước diễn biến thời tiết bất thường như hiện nay, các gia đình có con nhỏ không nên chủ quan, tuy là bệnh lành tính nhưng những biến chứng đi kèm của bệnh quai bị rất nghiêm trọng và ảnh hưởng tới cuộc sống sau này của trẻ.

Bác sĩ Nguyễn Văn Sơn, Trưởng khoa Truyền nhiễm khám cho bệnh nhân bị quai bị
Bác sĩ Nguyễn Văn Sơn, Trưởng khoa Truyền nhiễm khám cho bệnh nhân bị quai bị

Bé Nguyễn Huy Hoàng (6 tuổi) ở xã Hưng Lộc, TP Vinh nhập viện đã 2 ngày nay. Chị Nguyễn Thị Hoa, mẹ cháu cho biết: Ban đầu cháu sưng nóng và đau 2 bên mang tai, có sốt nhẹ. Nghĩ bệnh lành tính nên gia đình lấy thuốc kháng sinh, thuốc dán về tự điều trị.

Sau 1 tuần tự điều trị mà bệnh của cháu không thuyên giảm, tinh hoàn có biểu hiện sưng to nên gia đình mới vội vàng đưa cháu đi khám tại Bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An. Qua thăm khăm, các bác sĩ chẩn đoán cháu bị viêm tinh hoàn và yêu cầu nhập viện.

Bác sĩ Nguyễn Văn Sơn, Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An cho biết: Trong 2 tháng 5,6/2016, Khoa đã điều trị cho 60 cháu bị quai bị, trong đó có 30% bị biến chứng sang viêm não - viêm màng não. Đa phần các gia đình chỉ đưa cháu đến Bệnh viện khi đã có những biến chứng khác đi kèm. Tình trạng trên khiến việc điều trị gặp nhiều khó khăn.

Bệnh quai bị (còn được gọi là bệnh viêm tuyến nước bọt mang tai dịch tễ hay viêm tuyến nước bọt mang tai do virus quai bị) là một bệnh truyền nhiễm cấp tính hay gặp ở lứa tuổi học đường, lây trực tiếp qua đường hô hấp, hay gây thành dịch trong trẻ em và thanh, thiếu niên do virus quai bị gây nên. Biểu hiện lâm sàng phổ biến nhất là viêm tuyến nước bọt mang tai không hoá mủ.

Ngoài ra, các tuyến nước bọt khác, tinh hoàn, tụy và hệ thần kinh trung ương cũng có thể bị tổn thương. Nguồn bệnh là những người đang mắc quai bị cấp tính. Bệnh lây trực tiếp bằng đường hô hấp qua tiếp xúc giữa người bệnh và người lành. Thời gian lây bệnh từ 7 ngày trước đến 7 ngày sau khi có triệu chứng đầu tiên của bệnh.

Bệnh quai bị xảy ra quanh năm nhưng thường bùng phát khi thời tiết chuyển mùa, tập trung vào các tháng 4, 5 và tháng 7, 8. Mọi lứa tuổi đều có thể bị bệnh quai bị  nhưng nhiều nhất là trẻ từ 5 - 15 tuổi. Khởi phát bệnh, người bệnh sẽ bị sốt 38 - 39oC, đau đầu, đau mỏi toàn thân, ăn, ngủ kém. Sau khi sốt 24 - 48 giờ, bệnh nhân xuất hiện viêm tuyến mang tai. Lúc đầu, sưng một bên, sau 1 - 2 ngày, sưng tiếp bên kia.

Cũng theo bác sĩ Sơn, điều đáng lo ngại nhất của bệnh chính là những biến chứng đi kèm, như: Viêm tinh hoàn (nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn đến teo tinh hoàn, vô sinh), viêm buồng trứng, viêm cơ tim, viêm não. Khi đã bị biến chứng, việc điều trị sẽ khó khăn và tốn nhiều thời gian hơn.

Tuy nhiên, các bậc cha mẹ cũng không nên quá lo lắng. Khi có dấu hiệu bệnh, gia đình nên đưa trẻ đến tuyến y tế cơ sở để được thăm khám, điều trị kịp thời. Không nên đưa trẻ đến bệnh viện tuyến trên, nhằm hạn chế tình trạng lây nhiễm chéo tại bệnh viện.

Để phòng tránh bệnh, người nhà nên chú ý đến chế độ dinh dưỡng cho trẻ để tăng sức đề kháng. Mùa hè nên cho trẻ ăn đủ chất, dễ tiêu hóa, uống thêm nước. Thường xuyên cho trẻ vệ sinh cá nhân sạch sẽ, súc miệng nước muối hàng ngày. Khi trẻ có những dấu hiệu ban đầu, cần cho trẻ nghỉ ngơi, hạn chế đến nơi đông người, không nên tự ý uống thuốc khiến tình trạng bệnh nặng và diễn biến phức tạp. Tiêm vắc xin ngừa quai bị cũng là cách phòng tránh hữu hiệu được các chuyên gia y tế khuyến cáo. Phụ huynh nên cho trẻ trên 1 tuổi tiêm vắc xin quai bị, việc tiêm vắc xin này hoàn toàn không gây sốt và có khả năng bảo vệ cao.

Mai Hậu

Các tin khác