Gia đình xã hội

Kỷ niệm 66 năm Ngày truyền thống lực lượng thanh niên xung phong (15/7/1950 - 15/7/2016)

Chỉ biết hiến dâng…

10:39, 15/07/2016 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

1. Phải rất vất vả, tôi mới tìm gặp được bà Trần Thị Sửu, cựu thanh niên xung phong (TNXP) tham gia kháng chiến chống Mỹ. Quê gốc tại xã Thanh Hưng, huyện Thanh Chương, sau thời gian cống hiến, bà Sửu được các cấp chính quyền hỗ trợ xây dựng căn nhà nhỏ bên sườn núi Mượu thuộc xã Hưng Đạo, huyện Hưng Nguyên. Tuy nhiên, thời gian trong ngày, bà ít khi ở nhà mà chủ yếu sinh hoạt tại chùa Cần Linh. Giờ đây, sau bao nhiêu vất vả, cựu nữ TNXP đã tìm được niềm vui bé nhỏ cho riêng mình. Giữa không gian thanh vắng, đều đặn tiếng tụng kinh niệm Phật, bà trầm ngâm chia sẻ về cuộc đời với nhiều biến cố, thăng trầm...

Bà Phạm Thị Minh Phòng cùng đồng đội ôn lại kỷ niệm cũ
Bà Phạm Thị Minh Phòng cùng đồng đội ôn lại kỷ niệm cũ

18 tuổi, cũng như bao thanh niên trong làng, bà tình nguyện tham gia lực lượng TNXP. Đơn vị đầu tiên bà gia nhập là Đội 65, có nhiệm vụ làm đường tại 2 huyện Nghĩa Đàn và Tân Kỳ. Sau đó, do yêu cầu công việc, bà chuyển về công tác tại phà Bến Thủy, cùng đồng đội tham gia làm tuyến đường lên quê Bác đoạn xã Nam Giang, huyện Nam Đàn.

“Những năm tháng chiến tranh, mần răng (làm sao - P.V) nói hết được sự vất vả, khốc liệt. Bom đạn lúc nào cũng cận kề, bản thân vừa làm đường, vừa chạy giặc. Đất nước cần thì mình xung phong, cũng chỉ nghĩ đơn giản rứa thôi…”, bà Sửu chia sẻ.

Năm 1971, bà về làm công nhân tại Công ty khai thác đá Nghệ An thuộc khu vực núi Mượu, xã Hưng Đạo, huyện Hưng Nguyên. Về địa phương, ở độ tuổi cập kê, cũng có nhiều người để ý và có ý định tiến tới hôn nhân với bà; nhưng chẳng hiểu sao, vì duyên số hay vì những yếu tố khách quan mà bà chẳng thể xây dựng cho mình mái ấm gia đình trọn vẹn...

Tham gia lực lượng TNXP được ít ngày thì bố mẹ mất. Qua thời gian, các em cũng dần lớn khôn, phương trưởng và có hạnh phúc riêng, chỉ mình bà quanh quẩn trong gian nhà nhỏ. Nói là gian nhà, nhưng nó lụp xụp và xiêu vẹo lắm, chỉ cần cơn mưa nhỏ là đã dột nát, ẩm ướt. Nỗi buồn càng lớn hơn khi mỗi buổi xế chiều, bà lặng mình nghe tiếng vui đùa của trẻ con trong mái ấm của hàng xóm, đồng đội. Dần dần, bà như một ẩn sỹ đơn độc, không nơi sẻ chia.

Rồi như một nhân duyên, năm 2004, trong một lần ra chợ, bà gặp một sinh linh bị bỏ rơi bên vệ đường. Thương đứa trẻ, bà đưa về nhà và làm thủ tục nhận làm con nuôi. “Căn nhà nhỏ thêm tiếng cười trẻ thơ nên rộn ràng lắm. Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng 2 mẹ con đùm bọc, che chở nhau nên nỗi vất vả cũng vơi đi nhiều. Mỗi lần nhìn nó cười, tuổi xuân của tôi như được hồi sinh. Tôi chăm sóc và yêu thương, coi nó như con đẻ của mình. Nhưng dường như số phận đã an bài, 4 năm sau, trong 1 lần cháu đi chơi thì bị chết đuối. Từ đợt cháu mất, sức khỏe tôi cũng yếu dần, chẳng thiết tha gì nữa...”, bà Sửu bùi ngùi tâm sự về quãng thời gian nhiều mất mát của mình.

Sau biến cố đó, hàng xóm, đồng đội cũ động viên bà về Làng trẻ SOS, rồi đến các trại an dưỡng để vui vầy tuổi già, nhưng do không quen nên được vài hôm, bà lại về. Nhằm chia sẻ nỗi vất vả với bà, các cấp chính quyền, tổ chức đã hỗ trợ 30 triệu đồng, cùng sự đóng góp, giúp đỡ của người thân, bạn bè, năm 2012, căn nhà mới của bà được hoàn thiện và khá khang trang.

Tuy nhiên, thời gian trong ngày, bà chủ yếu sinh hoạt ở chùa Cần Linh. Hiểu rõ mong ước của bà, nhà chùa giao bà chăm sóc 1 bé mồ côi hiện đang nương tựa ở chùa. Vì cả ngày cháu đi học nên bà luôn mong ngóng ngày ngắn lại để đến chiều được gặp gỡ, cưng nựng và nghe bé bi bô, cười đùa.

Ở tuổi xế chiều, cựu TNXP Trần Thị Sửu đã tìm được niềm vui bé nhỏ cho riêng mình. (Trong ảnh : Bà Sửu trong giờ sinh hoạt tại chùa Cần Linh)
Ở tuổi xế chiều, cựu TNXP Trần Thị Sửu đã tìm được niềm vui bé nhỏ cho riêng mình. (Trong ảnh : Bà Sửu trong giờ sinh hoạt tại chùa Cần Linh)

“Mới 2 tuổi nhưng bé tỏ ra hiểu chuyện, nó quấn và thương tôi lắm. Được chăm sóc bé, với tôi, là hạnh phúc, cơ duyên mà trời phật ban tặng”, bà Sửu rơm rớm nước mắt chia sẻ.

2. So với đồng đội, bà Phạm Thị Minh Phòng, Phó Chủ tịch Hội cựu TNXP tỉnh Nghệ An, nguyên Phó trưởng ban TNXP Đường sắt phía Nam thời chống Mỹ may mắn hơn nhiều. Sinh ra tại quê lúa xã Nam Thành, huyện Yên Thành, năm 25 tuổi, bà tham gia lực lượng TNXP. Đơn vị đầu tiên bà gia nhập là N73 có nhiệm vụ vận chuyển hàng hóa tại ga Hoàng Mai, làm đường vét kênh nhà Lê.

Sau khi Nghệ An thực hiện yêu cầu tăng cường 2.000 TNXP cho Bộ Giao thông Vận tải, bà Phòng chuyển sang nhiệm vụ bốc xếp hàng hóa và hỗ trợ đảm bảo giao thông đường sắt. Bà cùng đồng đội làm nhiệm vụ đảm bảo thông suốt tuyến đường 4 tỉnh: Thanh Hóa, Thái Bình, Nghệ An và Hải Phòng.

Trong căn phòng làm việc nhỏ hẹp của Hội, bà say sưa kể về những đêm dài thức trắng làm cầu, đường; về hành trình vất vả xuyên ngày, xuyên đêm để đảm bảo các chuyến hàng vào Nam được thuận lợi; về tâm sự thầm kín của những người phụ nữ khi nhận tin vui của bạn bè… 10 năm gắn bó với lực lượng TNXP, có quá nhiều kỷ niệm mà mỗi khi nhớ về, vẻ rắn rỏi thường ngày của bà đã không thể che giấu những giọt nước mắt xúc động.

5 năm sau khi gia nhập lực lượng TNXP, năm 30 tuổi, bà lấy chồng ở chiến trường. Đứa con đầu lòng cũng được sinh ra giữa mưa bom bão đạn tại đất lửa Quảng Bình. Giờ bà đã có đủ cháu nội ngoại, ngoài những giây phút vui vầy bên con cháu, bà còn nhiệt tình tham gia công tác Hội.

“Lúc ở chiến trường, mình cùng đồng đội luôn tâm niệm phải chiến đấu, đóng góp một phần công sức cho đất nước, quê hương trước đã, chứ cũng không ai nghĩ đến chuyện gia đình, chồng con. Mình may mắn có nhân duyên và giữ gìn được qua thời đạn bom. Chỉ thương đồng đội cũ - những người một thời hiến dâng tuổi thanh xuân cho đất nước, giờ về già, vừa cô đơn, cuộc sống lại bộn bề khó khăn. Mong ước về mái ấm gia đình xem ra vẫn còn rất xa vời…” - bà Phòng ngậm ngùi chia sẻ rồi trầm ngâm nhìn ra phía chân trời qua khung cửa đã bong sơn lỗ chỗ vì thời gian...

3. Hiện nay, Nghệ An có 570 cựu TNXP không chồng, không con, trong số đó, nhiều người có hoàn cảnh rất khó khăn, phải bươn chải, vất vả để mưu sinh. Tuy nhiên, hầu hết họ đều không đòi hỏi gì nhiều. Chỉ biết rằng, khi đất nước cần, họ tự nguyện, trọn vẹn hiến dâng; thời điểm đó, chẳng ai nghĩ đến giấy tờ, sổ sách. Thế nên, đến giờ, hồ sơ của nhiều người cũng chẳng đầy đủ.

Mỗi con người là một câu chuyện, một ký ức, một số phận, hoàn cảnh riêng. Nhưng ở họ đều có điểm chung, là cách đây gần nửa thế kỷ, trái tim trong trẻo của những cô gái tuổi đổi mươi ấy đã chung nhịp đập xung phong, hy vọng đóng góp chút sức lực bé nhỏ của mình cho Tổ quốc.

Giờ, khi cặp mắt đã mờ, đôi tay không còn rắn chắc, họ lại tìm đến nhau, cùng gom góp để giải bài toán “cơm áo gạo tiền”; để vui vầy, quên đi nỗi cô đơn. Có người nhận con nuôi, có người sống với người thân trong gia đình và coi cháu chắt là niềm vui lúc xế chiều. Nhưng sâu thẳm trong tâm hồn mỗi người, niềm mong ước về thiên chức làm vợ, làm mẹ của người phụ nữ vẫn âm ỷ cháy, day dứt khôn nguôi…

Là địa phương đóng vai trò quan trọng trên tuyến đường Bắc - Nam, là nơi trung chuyển các chuyến hàng từ hậu phương miền Bắc vào chiến trường miền Nam, Nghệ An có nhiều địa danh, con người được nhắc đến với tinh thần anh dũng quật cường. Nhưng cũng có những con người âm thầm đóng góp, lặng lẽ hiến dâng mà chưa một lần được nhắc tên hay ghi nhớ. Bởi có những cây cầu chỉ dựng lên trong vài ngày rồi dỡ bỏ; có những quãng đường, nhiều chuyến hàng thực hiện theo yêu cầu đột xuất ngay trong đêm. Đó là Truông Bồn, cầu Cấm, cầu Hoàng Mai, cầu Phương Tích, Ga Vinh, Bến Thủy, Trường Thi, cầu Khe Thơi, Cầu Om…

Có ai đó đã từng nói rằng: “Con người đi qua, ánh sáng còn để lại mãi mãi”. Thứ ánh sáng mà hàng nghìn cựu TNXP như bà Sửu, bà Phòng để lại không phải là ánh sáng lấp lánh trong những Huân, Huy chương; đó là ánh sáng của niềm tin, của đức hy sinh mà họ luôn mong muốn hiện hữu ở những thế hệ sau...

Mai Hậu

Các tin khác