Bị xâm hại tình dục sẽ để lại hậu quả vô cùng lớn vì thế, nếu phát hiện con bị xâm hại, cha mẹ đừng im lặng vì xấu hổ.
Khó có hạnh phúc bởi ám ảnh
Khi đã bị xâm hại tình dục thì trẻ vị thành niên thường có xu hướng không tin cậy ai, khó kết thân, tách biệt, sợ hãi, tự ti, cô lập bản thân với thế giới xung quanh, trầm cảm. Nhiều người trong số đó, khi lớn lên, khó có thể có hạnh phúc bởi vì luôn bị ám ảnh.
Cha mẹ cần lên tiếng khi con bị xâm hại - Ảnh minh họa |
Theo chuyên gia Nguyễn Đoàn, nạn nhân bị xâm hại tình dục có thể bị khủng hoảng, sang chấn về tâm lý. Điều đó sẽ ảnh hưởng lâu dài đến nhân cách đứa trẻ. Thậm chí, nhiều cha mẹ khi con bị xâm hại thì sợ mang tiếng, xấu hổ nên vẫn tìm cách giấu giếm, còn những kẻ phạm tội vẫn nhởn nhơ. Những người bị xâm hại cũng không mạnh dạn tố cáo những kẻ phạm tội. Hậu quả là những đứa trẻ bị sang chấn tâm lý sẽ ảnh hưởng đến hành vi, đến kết quả học tập, ảnh hưởng đến mối quan hệ bạn bè đồng giới hay khác giới. Có rất nhiều trường hợp nạn nhân bị ám ảnh, sợ sệt khi lập gia đình.
Nói về những ảnh hưởng nặng nề của việc bị lạm dục tình dục từ nhỏ, bác sĩ Nguyễn Trọng An bổ sung thêm, nạn nhân của trường hợp này không chỉ bị sang chấn tinh thần mà còn bị trực tiếp ảnh hưởng đến thể xác ngay lập tức (đối với hành vi hiếp dâm, giao cấu).
Quan trọng là ngăn ngừa
Để kịp thời phòng ngừa nạn xâm hại tình dục trẻ em, ông Nguyễn Trọng An đã liệt kê ra hai lỗ hổng về xã hội và quy định của luật pháp đối với đối tượng cần được đặc biệt quan tâm này.
Lỗ hổng đầu tiên chính là kiến thức của cha mẹ, bản thân cha mẹ không nhận thức được các nguy cơ xâm hại cao đối với con mình. Trẻ em chưa được trang bị kiến thức để tự phòng vệ, bảo vệ bản thân.
Lỗ hổng thứ hai là các văn bản pháp luật, Luật Bảo vệ trẻ em không quy định các hành vi như nhìn, vuốt ve, ôm ấp, sờ mó là hành vi xâm hại tình dục mà trong đó chỉ đưa ra hành vi dâm ô, giao cấu, hiếp dâm tức là những hành vi đã xảy ra rồi. Sự phòng ngừa, phát hiện sớm còn yếu. Khi phát hiện có nguy cơ trẻ em bị xâm hại tình dục thì không có chế tài xử lý nghiêm minh.
Vì vậy, cần phải tăng cường truyền thông giáo dục tại cộng đồng, đặc biệt cho tất cả những người làm cha mẹ. Nhà trường cũng cần cung cấp cho các em những kiến thức phòng ngừa, tự bảo vệ và những kiến thức đó phải được đưa vào các văn bản pháp luật và phải được thực thi một cách nghiêm túc, ông An nói.
Khẳng định giáo dục giới tính và bảo vệ trẻ khỏi những nạn xâm hại tình dục là việc không thể trì hoãn, ông Nguyễn Văn Dũng - chuyên gia giáo dục, người chịu trách nhiệm nội dung chuyên trang daycon.com.vn chia sẻ: “Theo số liệu thống kê của Bộ Công an vào tháng 4.2015 thì cứ trong 6 trẻ em nam có 1 em bị xâm hại tình dục và độ tuổi thường từ 8 - 16 tuổi. Đây là một con số thực sự khủng khiếp, đáng báo động khiến bất cứ phụ huynh nào nghe cũng cảm thấy sốt ruột về tương lai của con trẻ. Thực tế, những con số được công bố chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, mà tôi tin rằng trong hàng nghìn hàng vạn trường hợp chưa được biết đến, còn rất nhiều những nạn nhân ở độ tuổi vị thành niên đáng thương khác. Đương nhiên, không thể giải quyết một cách triệt để mà cần quá trình lâu dài, nhưng trước hết thì chúng ta hãy cứ hành động”.