(Congannghean.vn)-Khi cơn bão ma túy quét qua huyện miền núi Quế Phong (Nghệ An), nhiều người đã phải trả giá cho hành động gieo rắc “cái chết trắng” của mình. Trong đó, có những câu chuyện đau lòng khi cả gia đình phải ngồi tù vì mua bán ma túy.
Vết trượt của sơn nữ vùng biên
Trong chuyến công tác lên huyện miền núi Quế Phong, chúng tôi có dịp đến thăm gia đình phạm nhân Hà Thị Sâm (SN 1976) trú tại bản Na Công, xã Quế Sơn. Sâm bị TAND tỉnh Nghệ An tuyên phạt 7 năm tù về tội mua bán trái phép chất ma túy. Khi bị bắt, thị đang mang thai 5 tháng. Theo quy định của pháp luật, đáng lẽ Sâm được hoãn thi hành án nhưng vì là đối tượng nguy hiểm nên thị phải tiếp tục nhập trại.
Ông Hà Văn Dũng nghẹn ngào khi kể về bi kịch của gia đình mình |
Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà 3 gian đã cũ, ông Hà Văn Dũng (SN 1947), bố đẻ của Hà Thị Sâm chia sẻ: Sâm là con thứ 3 trong gia đình. Giống như nhiều cô gái vùng cao khác, Sâm không được đi học. Khi lớn lên, Sâm được gả cho một chàng trai trong xã.
Cuộc sống gia đình hạnh phúc gấp bội khi Sâm sinh 2 đứa con bụ bẫm, khỏe mạnh. Tuy nhiên, dù 2 vợ chồng làm lụng vất vả nhưng vẫn không đủ ăn. Một thời gian sau, chồng Sâm bị bạn bè rủ rê nên đã dính vào “nàng tiên nâu”.
Khi không có tiền để thỏa mãn cơn nghiện, chồng Sâm đi buôn ma túy. Sau đó, y phải ngồi tù và hơn 1 năm thì mất trong trại. Sau khi chồng mất, phần do cuộc sống vất vả, phần vì hám lợi, Sâm đi theo vết trượt của chồng và bị bắt giữ. Từ đó, Sâm phạm tội hết lần này đến lần khác.
Ra tù, Hà Thị Sâm sinh sống với một người đàn ông đã có vợ ở huyện Quỳ Châu. Sau đó, cả hai đi buôn ma túy và bị bắt khi đang vận chuyển ma túy để tuồn vào Trại giam số 3 tiêu thụ. Gã “nhân tình” của Sâm bị kết án 7 năm tù và mất khi mới vào trại được 1 năm. Còn Hà Thị Sâm sinh và nuôi con trong Trại với sự giúp đỡ của cán bộ quản giáo.
Bi kịch cả gia đình đi tù vì ma túy
Ôm đứa cháu nhỏ vào lòng, ông Dũng nghẹn ngào kể lại: “Nhà có 5 đứa con thì 2 đứa phải ngồi tù. Con trai đầu bị bắt và xử 7,5 năm tù, mới thụ án được 5 năm thì mất vào ngày 10/4/2016 ở tỉnh Quảng Bình. Cán bộ trong đó gọi điện thông báo cho gia đình vào đưa thi thể cháu về nhưng giờ vào đó cũng mất vài chục triệu. Không có tiền, cũng không vay mượn được ai nên chúng tôi đành bất lực, không thể nhìn mặt con lần cuối…”.
Cuộc sống nơi vùng đất khô cằn, thời tiết khắc nghiệt, dù quanh năm vất vả, khó nhọc với nương rẫy nhưng chẳng khi nào đủ ăn. Khi cơn bão ma túy quét qua, thấy nhiều gia đình giàu lên vì buôn ma túy, vợ ông Dũng giấu chồng, một mình đi lên vùng giáp biên để “đánh hàng”. Sau vài chuyến trót lọt, có đồng ra đồng vào, vợ ông càng lấn sâu vào con đường tội lỗi.
Năm 2009, bà bị bắt và chịu mức án 4 năm tù. Và ông - một người đã từng hy sinh xương máu cho Tổ quốc nhưng vẫn không đủ bản lĩnh để vượt qua sự cám dỗ của đồng tiền. Theo vết trượt của vợ, ông Dũng cũng lặn lội lên vùng giáp biên lấy “hàng” về bán cho các đối tượng nghiện trong bản.
Đến năm 2012, ông bị bắt. Ra tù, vì thương đứa cháu ngoại sớm phải chịu cảnh tù tội với mẹ nên ông Dũng lên trại đón cháu về chăm sóc. Dù biết sẽ thêm gánh nặng những ông vẫn quyết tâm cho cháu đi học cái chữ. Tháng 9 này, ông sẽ làm thủ tục nhập học cho cháu. Ông mong rằng, con gái mình sẽ cố gắng, nỗ lực cải tạo tốt để sớm trở về đoàn tụ với gia đình …
Chúng tôi chia tay ông Dũng khi đã gần sang trưa. Cái nắng như thiêu đốt của những ngày tháng 6 khiến ai cũng e ngại, thế nhưng, cháu của ông Dũng vẫn hồn nhiên chạy nhảy vui đùa cùng chúng bạn trên con đường bê tông với đôi chân trần đen sạm. Mong rằng, đứa bé sẽ lớn lên bình yên trong vòng tay yêu thương của ông Dũng và được ăn học tử tế để có tương lai tươi sáng…