Bấm Play để xem video. Mở loa để nghe thuyết minh |
Thật đau xót những cái chết của trẻ thơ vô tội khiến người lớn, đặc biệt là các nhà làm giáo dục, cần có cách nhìn nghiêm túc, toàn diện về việc giáo dục trí tuệ, thế chất của các em. Trong vụ việc đau lòng 9 học sinh bị chết đuối ở sông Trà Khúc, hầu hết các em đều không biết bơi.
Chiều ngày 15/4, dòng sông Trà Khúc đã cùng lúc cướp đi sinh mạng của 9 em học sinh lớp 6, trường THCS xã Nghĩa Hà, TP.Quảng Ngãi. Hàng trăm người như chết lặng trước sự ra đi quá đỗi đột ngột của 9 em học sinh nhỏ tuổi. Người thân của các em cũng khô cạn nước mắt, nỗi đau chồng chất nỗi đau.
Theo kết quả điều tra của Tổ chức Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNICEF), trung bình mỗi năm, ở Việt Nam có khoảng trên 7.000 trẻ em bị chết đuối, nhất là vào những tháng nghỉ hè, tỷ lệ trẻ chết đuối càng tăng cao. Nếu chia trung bình thì mỗi ngày có trên 19 trẻ bị chết do đuối nước. Trong các vụ việc đau lòng này, hầu hết các em đều không biết bơi, trong khi đó, các bậc làm cha làm mẹ lại không quản lý chặt được việc các em tắm sông, tắm biển.
Ông Phạm Công Lập, xã Nghĩa Hà, TP. Quảng Ngãi cho biết, gia đình lúc nào cũng động viên, khuyên con cái đừng có đi tắm sông nhưng nó đi mình không thể nào biết được, nó rủ nhau nó đi tắm sông, tắm biển thì khó quản được.
Con người có ba mặt cơ bản là Đức, Trí, Thể. Chưa bàn đến Đức và Trí, riêng Thể (tức thể chất), trong đó có giáo dục thể chất hiện nay lại đang có nhiều vấn đề bất cập. Bởi hầu hết các trường chỉ có 2 tiết giáo dục thể chất trong một tuần mà chủ yếu dạy các môn chạy, nhảy, ném bóng với sân bãi. Học sinh hầu như không được học bơi và các trường không có hồ bơi, ngoại trừ một số trường học chất lượng cao.
Nhằm giảm tình trạng trẻ bị đuối nước, 1 số tỉnh thành đã có văn bản yêu cầu các địa phương triển khai các hoạt động dạy bơi và kỹ năng an toàn dưới nước cho trẻ em.
Một đề án tổng thể phát triển thể lực và tầm vóc người Việt Nam, giai đoạn 2011-2030 (gọi tắt là Đề án 641) cũng đã được Thủ tướng phê duyệt từ năm 2011. Thế nhưng đến thời điểm hiện tại,đề án này hầu như chỉ nằm trên giấy và công cuộc đổi mới giáo dục toàn diện dường như chưa chú trọng đúng mức đến giáo dục thể chất.
Để phòng tránh đuối nước ở trẻ, học sinh cần được dạy bơi lội và kỹ thuật sơ cấp cứu để biết tự cứu mình cứu bạn khi bị đuối nước. Trong khi rất nhiều các khu du lịch, khu resort, sân golf đã và đang được bỏ ra nghìn tỷ để xây dựng,mà việc đầu tư giáo dục toàn diện cho thế hệ tương lai xem ra lại rất khó khăn.
Hơn lúc nào hết, sự thay đổi tư duy và hành động thực tế để người Việt Nam khỏe mạnh, thông minh là vấn đề cần phải nhìn nhận một cách nghiêm túc và cấp thiết. Trong khi đang chờ và đợi thì những vụ tai nạn đuối nước đau lòng như thế này, ai dám chắc lại không tiếp tục xảy ra trong thời gian tới.