Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201605/go-kho-trong-cong-tac-cai-nghien-ma-tuy-675167/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201605/go-kho-trong-cong-tac-cai-nghien-ma-tuy-675167/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Gỡ khó trong công tác cai nghiện ma túy - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Hai, 02/05/2016, 14:54 [GMT+7]

Gỡ khó trong công tác cai nghiện ma túy

(Congannghean.vn)-Sau khi thực hiện Nghị định 221 của Chính phủ, các trung tâm cai nghiện trong cả nước nói chung và trên địa bàn TP Vinh nói riêng gặp không ít khó khăn trong việc đưa người nghiện vào cai nghiện bắt buộc. Trước thực trạng đó, Trung tâm Giáo dục lao động xã hội (GDLĐXH) TP Vinh đã tiên phong tháo gỡ khó khăn, trở thành trung tâm đầu tiên được UBND tỉnh cho phép tiếp nhận người nghiện vào điều trị.

Nhiều khó khăn, vướng mắc

Thời gian qua, công tác cai nghiện trên địa bàn toàn tỉnh đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của các cấp, ngành liên quan, các địa phương cũng đã triển khai quyết liệt và mang lại những kết quả khả quan. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, công tác này vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do quy định của pháp luật.

Học viên gia công cặp tài liệu tại Trung tâm GD LĐXH TP Vinh
Học viên gia công cặp tài liệu tại Trung tâm GD LĐXH TP Vinh

Cụ thể, theo Nghị định 221/2013/NĐ-CP của Chính phủ về áp dụng các biện pháp xử lý hành chính đưa đi cai nghiện bắt buộc, việc lập hồ sơ, đưa người đi cai nghiện ma túy bắt buộc vẫn còn những khó khăn nhất định. Trong đó, công tác quản lý người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định trong thời gian lập hồ sơ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc không thực hiện được trên địa bàn TP Vinh.

Thống kê cũng cho thấy, trên địa bàn thành phố, số người nghiện có hồ sơ quản lý khoảng 700 người, đó là chưa kể những người nghiện ở các địa phương khác về lưu trú. Những vướng mắc này đã ảnh hưởng không nhỏ tới tiến độ đưa người nghiện đi cai nghiện tập trung trên địa bàn toàn tỉnh.

Nghị định 221 có hiệu lực từ ngày 30/12/2013. Sau khi triển khai, các trung tâm cai nghiện rơi vào tình trạng không có học viên vì vướng mắc từ khâu lập hồ sơ. Đơn cử như tại Trung tâm GDLĐXH TP Vinh, hiện tỉ lệ người nghiện được đưa vào đây sụt giảm rất nhiều so với trước.

Trong hai năm đầu thực hiện Nghị định, Trung tâm chỉ lập được 16 hồ sơ đưa người nghiện vào cai nghiện tập trung. Trong khi trước đó, với chỉ tiêu từ 150 – 160 học viên/năm, năm nào Trung tâm cũng đạt và vượt kế hoạch.

Trước những bất cập từ khi áp dụng Nghị định 221, dẫn đến tình hình ANTT trên địa bàn TP Vinh có những phức tạp nhất định khi không đưa được người nghiện đi cai, Trung tâm GDLĐXH TP Vinh đã cử một đoàn công tác vào TP Đà Nẵng để học tập kinh nghiệm. Cùng với TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng là một trong hai địa phương của cả nước đã thí điểm lập Trung tâm tiếp nhận xã hội bắt buộc để tiến hành cắt cơn nghiện, giải độc, tư vấn tâm lý cho người nghiện ma túy trong khi chờ cơ quan chức năng hoàn thiện thủ tục, lập hồ sơ quyết định đưa người vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, việc làm này đã mang lại hiệu ứng tích cực.

“Gỡ khó” từ Nghị định 221

Sau chuyến thực tế ở Đà Nẵng trở về, Trung tâm GDLĐXH TP Vinh đã có tờ trình gửi UBND thành phố và UBND tỉnh Nghệ An, về việc bổ sung chức năng, nhiệm vụ cho Trung tâm. 

Ngày 30/12/2015, xét thấy việc đề nghị bổ sung chức năng này là cấp thiết, UBND tỉnh Nghệ An đã có Quyết định số 79/2015/QĐ-UBND về việc bổ sung chức năng, nhiệm vụ cho Trung tâm GDLĐXH TP Vinh.

Theo đó, ngoài những nhiệm vụ đã được giao, kể từ ngày 10/1/2016, Trung tâm còn được tiếp nhận và điều trị, cắt cơn, giải độc, tư vấn tâm lý cho người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định trong thời gian lập hồ sơ để phân loại, xử lý chuyển về gia đình, cộng đồng; chuyển đến cơ sở tự nguyện hoặc tòa án xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định.

Cũng theo Quyết định này, Trung tâm GDLĐXH TP Vinh còn được bổ sung thêm chức năng tổ chức điều trị bằng Methadone cho các học viên đang cai nghiện tại đây. Sau khi được cơ quan chức năng tạo điều kiện, UBND TP Vinh đã tổ chức cuộc họp liên ngành Công an, Viện Kiểm sát và TAND với ngành Lao động – Thương binh và Xã hội để xây dựng quy trình lập hồ sơ từ khi phát hiện người nghiện đến lúc đưa ra tòa án xét xử.

Ông Nguyễn Xuân Toàn, Giám đốc Trung tâm GDLĐXH TP Vinh phấn khởi cho biết, sau khi chính thức được tháo gỡ những vướng mắc suốt 2 năm qua, giữa các ngành đã tạo nên sự thống nhất, đồng thuận và đảm bảo sự phối hợp trong việc lập hồ sơ đưa người nghiện ma túy không nơi cư trú ổn định đi cai nghiện bắt buộc.

“Cuối tháng 1/2016, Trung tâm bắt đầu tiếp nhận người nghiện theo diện này và tính đến ngày 24/4/2016, Trung tâm đã tiếp nhận mới 82 người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định, lang thang trên địa bàn TP Vinh vào cắt cơn, cai nghiện và điều trị, nâng tổng số người nghiện tại Trung tâm lên 93 người. Trong khi đó, chỉ tiêu giao cả năm là 75 người, nay đã vượt kế hoạch đề ra”, ông Toàn cho biết thêm.

Từ kết quả tích cực này, UBND TP Vinh đã đặt chỉ tiêu trong năm 2016, Trung tâm phải tiếp nhận, cai nghiện được 216 người và với tiến độ như hiện tại, lãnh đạo Trung tâm tin tưởng sẽ đạt và vượt chỉ tiêu được giao.

Cũng theo ông Toàn, sau khi UBND tỉnh có Quyết định 79, công tác phối hợp giữa các ngành rất nhịp nhàng, Tòa án đã ra tận Trung tâm để tổ chức xét xử lưu động, các vướng mắc của Nghị định 221 cơ bản được khắc phục, tạo sự đột phá trong công tác cai nghiện trên địa bàn TP Vinh thời gian vừa qua.

Hiện nay, tại Trung tâm GDLĐXH TP Vinh, hoạt động liên kết sản xuất, đào tạo nghề đã nhộn nhịp trở lại. Cụ thể, ngoài các hoạt động trồng trọt, chăn nuôi, học viên còn làm gia công một số mặt hàng như cột điện, cặp tài liệu để lao động trị liệu và tạo việc làm cho học viên.

.

Thiện Thành

.