Gia đình xã hội

TP Vinh: Nỗ lực giải quyết tình trạng người lang thang, ăn xin

08:28, 26/04/2016 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Trong thời gian qua, trên địa bàn TP Vinh, tình trạng lang thang, ăn xin có chiều hướng gia tăng, nhất là tại các ngã ba, ngã tư, trục đường lớn. Thực tế này gây ảnh hưởng không nhỏ đến trật tự trị an, mỹ quan đô thị, môi trường và công tác thu hút đầu tư, du lịch; đồng thời tác động xấu đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Cách đây 3 năm, TP Vinh đã quyết liệt triển khai Đề án “Giải quyết tình trạng người lang thang xin ăn, xin tiền trên địa bàn TP Vinh” nhưng hiệu quả còn hạn chế. Xung quanh vấn đề này, phóng viên đã có cuộc phỏng vấn ông Đậu Vĩnh Thịnh, Phó Chủ tịch UBND TP Vinh.

Ông Đậu Vĩnh Thịnh, Phó Chủ tịch UBND TP Vinh trả lời phỏng vấn Báo Công an Nghệ An
Ông Đậu Vĩnh Thịnh, Phó Chủ tịch UBND TP Vinh trả lời phỏng vấn Báo Công an Nghệ An

P.V: Thưa ông, để hướng tới mục tiêu xây dựng đô thị văn minh, hiện đại, TP Vinh đã tập trung triển khai nhiều biện pháp đồng bộ, trong đó có kế hoạch, chương trình về giải quyết tình trạng người lang thang, ăn xin trên địa bàn. Liên quan đến nhiệm vụ này, TP Vinh đã làm được những gì?

Ông Đậu Vĩnh Thịnh: Để tổ chức có hiệu quả kế hoạch của UBND TP Vinh về việc “Giải quyết tình trạng người lang thang trên địa bàn TP Vinh”, làm tốt công tác quản lý các đối tượng xã hội và hồi gia người lang thang xin ăn, thành phố đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị, lực lượng.

Trong đó, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân không cho tiền người lang thang xin ăn; đồng thời yêu cầu các cơ sở dịch vụ kinh doanh ăn uống, giải khát và ban quản lý các chợ trên địa bàn, các đoàn thể, khối xóm ký cam kết không để xảy ra tình trạng có đối tượng lang thang xin ăn, xin tiền ở các khu vực thuộc địa phương, đơn vị quản lý; nếu phát hiện, phải báo ngay cho UBND xã, phường để kịp thời phối hợp, xử lý.

Chủ tịch UBND các xã, phường chịu trách nhiệm trong việc chỉ đạo tổ chức tập trung người lang thang trên địa bàn mình quản lý; đồng thời theo dõi, nắm bắt tình trạng người lang thang trên địa bàn một cách chặt chẽ, có hiệu quả, có biện pháp cụ thể để xây dựng địa bàn lành mạnh, không có người lang thang.

Song song với đó, chỉ đạo các ngành phối hợp tiếp nhận đối tượng lang thang khi phát hiện có người lang thang trên địa bàn hoặc khi người dân báo tin. Chỉ đạo trạm y tế tạm thời tiếp nhận đối tượng lang thang trên địa bàn để chăm sóc, phân loại đối tượng, tổ chức xác minh hoàn cảnh đối tượng, tìm kiếm thân nhân, nơi thường trú, quê quán của các đối tượng; đồng thời tập trung giảm nghèo, thực hiện các chính sách trợ giúp xã hội đảm bảo đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng... Nhờ vậy, tình trạng người lang thang xin ăn đã từng bước được hạn chế.

P.V: Tại các chợ, đình chùa, nơi tập trung đông dân cư, tình trạng người lang thang xin ăn đã ảnh hưởng không nhỏ đến bộ mặt đô thị, nhất là mục tiêu phát triển ngành du lịch. Vậy, phải chăng các lực lượng chức năng chưa thực hiện quyết liệt Đề án giải quyết tình trạng người lang thang xin ăn, xin tiền; hay có lý do nào khác?

Ông Đậu Vĩnh Thịnh: Với mục tiêu từng bước xóa bỏ tình trạng người lang thang xin ăn, xin tiền trên địa bàn, năm 2011, TP Vinh đã ban hành Đề án “Giải quyết tình trạng người lang thang xin ăn, xin tiền trên địa bàn thành phố”.

Sau 2 năm, UBND TP Vinh đã làm báo cáo cụ thể về những việc làm được và chưa làm được. Trong đó, tồn tại lớn nhất cho đến hiện nay là tình trạng người lang thang xin ăn vẫn diễn ra ở các chợ, quán ăn, chủ yếu là đối tượng lang thang đàn hát để xin tiền, đối tượng bán hàng rong.

Theo đánh giá, hiệu quả hoạt động của Ban chỉ đạo Đề án chưa đáp ứng yêu cầu, chưa phát huy vai trò trách nhiệm trong việc phối hợp triển khai thực hiện Đề án của từng thành viên.

Thời gian tới, TP Vinh sẽ quyết liệt hơn trong việc xử lý tình trạng người ăn xin
Thời gian tới, TP Vinh sẽ quyết liệt hơn trong việc xử lý tình trạng người ăn xin

Theo quy định, muốn đưa đối tượng lang thang về gia đình, quê hương, phải có nhà tập trung để thực hiện. Tuy nhiên, từ khi triển khai Đề án đến nay, vẫn không bổ sung được chức năng, nhiệm vụ công tác bảo trợ xã hội cho Trung tâm Giáo dục Lao động xã hội thành phố để làm nơi tập trung các đối tượng. Vì vậy, hiện vấn đề này vẫn chưa được giải quyết.

Trong khi đó, việc phối hợp để đưa đối tượng là người tâm thần lang thang xin ăn bàn giao cho Trung tâm Bảo trợ xã hội của tỉnh ở huyện Đô Lương khi phát hiện có đối tượng lang thang vẫn còn chậm và lúng túng do không chủ động được phương tiện cũng như kinh phí hoạt động.

Trong văn bản hướng dẫn về việc tiếp nhận đối tượng vào nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội và đưa đối tượng về sống tại cộng đồng của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản trình của Phòng LĐ-TB&XH, Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định tiếp nhận đối tượng vào chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội thuộc thẩm quyền quản lý hoặc có văn bản đề nghị giám đốc Sở LĐ-TB&XH.

Trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ của đối tượng, giám đốc Sở LĐ-TB&XH quyết định tiếp nhận đối tượng vào chăm sóc nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội, nhà xã hội thuộc thẩm quyền quản lý.

Như vậy, trong 3 ngày đó, việc quản lý, chăm sóc người lang thang, tâm thần thuộc trách nhiệm của Phòng trong khi điều kiện chăm sóc, kinh phí còn hạn chế. Đó là chưa kể đến việc, việc quản lý người tâm thần có những đặc thù nhất định.

P.V: Nguyên nhân chính là do khó khăn về kinh phí, công tác phối hợp giữa các lực lượng chưa nhuần nhuyễn. Vậy đâu là hướng đi chính để giải quyết tình trạng người lang thang trên địa bàn TP Vinh, hướng tới mục tiêu xây dựng đô thị văn minh, hiện đại?

Ông Đậu Vĩnh Thịnh: Việc giải quyết tình trạng người lang thang xin ăn, xin tiền được xem là nhiệm vụ quan trọng của các thành phố lớn, nhất là các thành phố chú trọng phát triển du lịch, dịch vụ. Hiện, UBND TP Vinh đang tập trung rà soát, hoàn chỉnh các nội dung, chương trình kế hoạch, phối hợp với Sở LĐ-TB&XH Nghệ An để tập trung giải quyết.

Trước mắt là đề xuất rút ngắn thời gian tiếp nhận người lang thang xin ăn trên địa bàn; đồng thời tìm, xây dựng nhà ở tập trung cho các đối tượng. Đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm nâng cao nhận thức cho các cấp chính quyền và nhân dân trong việc giải quyết tình trạng người lang thang xin ăn trên địa bàn. Tuyên truyền, vận động người lang thang để họ tự nguyện trở về với gia đình, sống hòa nhập với cộng đồng.

Do người lang thang xin ăn thường xuyên di chuyển từ địa điểm này sang địa điểm khác nên biện pháp quan trọng nhất vẫn là hỗ trợ, tạo công ăn việc làm, thực hiện tốt các chính sách xã hội cho các đối tượng. Bởi nếu đưa các đối tượng lang thang ở TP Vinh về các địa phương nhưng các huyện, xã không quản lý tốt thì việc giải quyết tình trạng người lang thang trên địa bàn thành phố sẽ rất khó hoàn thành mục tiêu đề ra.

P.V: Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Mai Hậu (Thực hiện)

Các tin khác