Trao đổi với phóng viên xung quanh những vụ việc gần đây về tình trạng ấu dâm, lạm dụng tình dục trẻ em, TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội, cho rằng, đây là vấn đề không mới, nhưng ngày càng nhiều và tính chất nghiêm trọng hơn.
Theo bà Hồng, nguyên nhân của tình trạng này có nhiều. “Chúng ta đang thiếu biện pháp giáo dục nhận thức, kỹ năng sống cho người lớn và trẻ em về kiến thức giới tính, sức khỏe tình dục…Cả việc thực thi luật pháp, giải pháp, chế tài xử lý tình trạng này cũng rất yếu, thiếu và rất chậm”, bà Hồng nói.
Thưa bà, vụ việc Minh Béo bị bắt tại Mỹ liên quan đến cáo buộc lạm dụng tình dục đang gây xôn xao dư luận. Cùng là hành vi này nhưng khi bị tố cáo tại Việt Nam, Minh Béo không bị xử lý gì. Bà có nhận định gì về điều này?
Trước vụ việc xảy ra ở Mỹ, một số hành vi của Minh Béo liên quan đến quấy rối, lạm dụng một số người khi ở trong nước cũng đã có những lùm xùm, nhưng không đi đến đâu. Nhận thức của người Việt Nam chưa đầy đủ về những vụ việc này, nên không được giải quyết đến nơi đến chốn.
Việc này cũng có thể liên quan nhiều yếu tố nữa, như có thể dùng mối quan hệ, dùng tiền, dùng ảnh hưởng để giải quyết. Khi sang Mỹ, những hành vi của Minh Béo bị phát hiện ngay, bị xử lý. Câu chuyện của Minh Béo bị bắt ở Mỹ chỉ ra cho chúng ta thấy có rất nhiều lỗ hổng trong việc thực hiện luật pháp của Việt Nam cũng như nhận thức của người Việt Nam về vấn đề này. Tôi nghĩ rằng đây là bài học rất đáng hổ thẹn cho người Việt Nam.
Cùng với vụ việc của Minh Béo, dư luận cũng xôn xao về vụ một bảo vệ có hành vi dâm ô hàng chục em nhỏ một trường học ở Lào Cai? Bà nghĩ sao về tình trạng này?
TS Khuất Thu Hồng |
Đây là những vụ việc không mới. Và vì không mới nên chỉ ra rằng những giải pháp của chúng ta rõ ràng là còn thiếu biện pháp giáo dục nhận thức, kỹ năng sống cho người lớn và trẻ em. Những việc thực thi luật pháp, chế tài giải quyết tình trạng này rất yếu và rất thiếu, rất chậm cho nên năm sau nhiều hơn năm trước, tính chất càng ngày càng nghiêm trọng hơn.
Bà có thể nói rõ hơn về những yếu kém của chúng ta hiện nay?
Vì nhận thức xã hội còn yếu nên những vụ việc có thể bị bỏ qua. Cha mẹ, gia đình bỏ qua. Cơ quan, cán bộ thực thi pháp luật thì cũng không có trách nhiệm giải quyết đến nơi đến chốn. Xã hội Việt Nam cũng cho rằng những việc đó không nên công khai. Nhiều khi gia đình nạn nhân với thủ phạm lại hòa giải với nhau để chìm xuồng. Điều này tưởng như để bảo vệ cho nạn nhân, nhưng những hành động như vậy làm cho mọi người càng thiếu ý thức trong việc giải quyết, nên càng ngày nó càng lan tràn nhiều hơn.
Hiện nay, chưa có một nghiên cứu nào chỉ ra cụ thể lạm dụng tình dục, ấu dâm là những hành vi nào. Chủ đề này ở Việt Nam rất nhạy cảm. Khi nghiên cứu rất khó để phát hiện ra vấn đề vì những người trong cuộc thường không nói lại, chỉ khi vụ việc trở nên nghiêm trọng, bị phát hiện hoặc xảy ra hậu quả nghiêm trọng thì mọi người mới biết.
Số lượng mỗi năm đến hơn 8.000 – 10.000 vụ trẻ em bị xâm hại tình dục chỉ là các vụ đã bị đưa ra ánh sáng. Số lượng thực tế còn nhiều hơn như thế rất nhiều, nhưng mà mọi người không muốn nói, không dám nói ra cho nên các câu chuyện này vẫn cứ tiếp diễn. Vì thế, chúng ta cũng rất khó thống kê những hành vi nào hay xảy ra nhất. Và một điều đáng buồn nữa là luật hình sự cũng có quy định một số điều quy định về hiếp dâm trẻ em từ 13 – 16 tuổi, rồi những điều quy định về những hành vi dâm ô… nhưng không có những định nghĩa cụ thể.
Nhiều trẻ em bị xâm hại tình dục nhưng gia đình không báo cảnh sát |
Ngay cả nghị định, hướng dẫn thực hiện luật của chúng ta cũng không rõ ràng. Có những hướng dẫn từ năm 1967, chẳng hạn như hành vi giao cấu chỉ nói đến chuyện giữa nam giới và phụ nữ trong khi thực tế bây giờ hành vi lạm dụng tình dục, dâm ô, hiếp dâm, cưỡng dâm có thể xảy ra giữa nam giới và nam giới.
Nếu căn cứ vào các hướng dẫn như vậy thì những hành vi phạm tội tình dục có tính chất đồng giới sẽ bị bỏ qua, không xét xử được. Rõ ràng hệ thống văn bản pháp lý của chúng ta chưa đầy đủ và không cập nhật. Việc này làm cho những người thực thi pháp luật thiếu hiểu biết hoặc không có công cụ để giải quyết những tình huống cụ thể trong cuộc sống dẫn đến người dân, xã hội nói chung thiếu kiến thức, nhận thức về vấn đề này.
Bà nghĩ sao về ảnh hưởng của những hành vi lạm dụng tình dục này tới trẻ nhỏ?
Đầu tiên là ảnh hưởng về mặt sức khỏe. Những vụ việc như vậy ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất, đứa trẻ có thể bị đau đớn, tổn thương, bị lây bệnh, mang thai... Về mặt tâm lý có thể để lại những hậu quả lâu dài hơn nhiều, làm cho trẻ sợ hãi, mất niềm tin vào người lớn. Nạn nhân cảm thấy bi quan, chán nản, ảnh hưởng đến tương lai sau này. Với một đất nước mà nhiều người vẫn còn quan trọng về chuyện trinh tiết thì sẽ rất không hay đối với các trẻ em gái bị lạm dụng tình dục. Điều đó rất đáng buồn.
Theo bà, để giải quyết tình trạng này, cần các giải pháp nào?
Song song với việc giáo dục về luật pháp, cần giáo dục kỹ năng sống để mỗi người từ góc độ có thể là thủ phạm tiềm năng thì người ta không có hành vi, ứng xử như vậy. Còn bản thân những người có thể là nạn nhân tiềm năng cũng có những cách để bảo vệ mình, nhận ra những nguy cơ để tránh tình huống rơi vào những nguy cơ như vậy. Chúng ta phải làm nhiều việc cùng lúc.
Giáo dục về mặt giới tính, kỹ năng sống cho trẻ để biết cách tự bảo vệ mình. Dù có điều kiện quan tâm chăm sóc chăng nữa thì chúng ta cũng không thể bảo vệ trẻ em 24/24. Điều tốt nhất là phải giáo dục được cho trẻ kỹ năng sống, những hiểu biết, kiến thức để tự bảo vệ mình. Biết những hành vi nào xấu và những hành vi đó khi xảy ra với mình thì mình cần làm gì để tự bảo vệ. Nhưng giáo dục giới tính ở nhà trường gần như không có.
Giáo dục kiến thức về pháp luật cho trẻ cũng như cho tất cả mọi người để họ hiểu rằng có những ranh giới, giới hạn nhất định trong các mối quan hệ. Nếu vượt qua ranh giới đó thì sẽ vi phạm pháp luật và sẽ bị trừng trị. Ngay cả người lớn cũng phải được giáo dục kỹ năng sống và kiến thức nhất định về giới tính, tình dục để có thể kiểm soát hành vi.
Hiện nay, tôi nghĩ rằng, ngay người trưởng thành ở Việt Nam cũng đang thiếu rất nhiều kiến thức về mặt tình dục, giới tính, kỹ năng sống nói chung. Các gia đình sở dĩ lảng tránh, vì bản thân người lớn cũng không đủ kiến thức để nói chuyện và cũng không đủ kỹ năng để bắt đầu câu chuyện và nói những gì với con. Nếu chúng ta nhìn nhận chuyện giới tính và tình dục là một phần của cuộc sống thì chẳng có gì phải xấu hổ. Chúng ta dạy cho con chuyện ăn uống, đi lại thì cũng nên dạy những chuyện về giới tính, tình dục vì nó cần thiết cho cuộc sống.
Cảm ơn bà.