Gia đình xã hội
Người đưa nghề mới về làng
(Congannghean.vn)-Đã bao đời nay, chị em phụ nữ ở xã miền núi Nghi Lâm, huyện Nghi Lộc chỉ biết trồng lúa, trồng khoai. Thế nhưng, chị Trần Thị Thanh ở xóm 3 lại tìm cho mình hướng đi mới là làm lông mi giả. Nghề này không chỉ mang lại nguồn thu nhập lớn cho gia đình mà còn tạo việc làm và thay đổi cách nghĩ về hướng thoát nghèo cho hàng trăm phụ nữ thôn quê.
Vừa bước chân tới cơ sở sản xuất lông mi giả của chị Trần Thị Thanh ở xóm 3, xã Nghi Lâm, huyện Nghi Lộc, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên, bởi ở đây không hề có “dây chuyền” hay thiết bị công nghệ nào mà mọi thứ đều hoàn toàn thủ công.
Đồ nghề của người thợ chủ yếu là nhíp và chiếc kéo nhỏ. Từ bảng mẫu bộ lông mi giả, người thợ gắp từng sợi tóc đặt lên từng vị trí có sẵn, sau đó buộc rút vào một sợi chỉ sao cho thật đều nhau và quét qua lớp keo mỏng. Sau 3 - 5 phút, người thợ lại tiếp tục thực hiện các công đoạn hoàn thiện sản phẩm như: Ủi, hấp, tỉa và uốn cong lông mi.
Chị Thanh (đứng) hướng dẫn chị em thực hiện các công đoạn làm lông mi giả |
Học làm nghề này không khó, vì không yêu cầu phải có trình độ hay sức khoẻ tốt mà chỉ cần sự kiên trì, tỉ mỉ, khéo léo. Chị Hoàng Loan trú tại xóm 4, xã Nghi Lâm - một người thợ làm việc tại đây chia sẻ: "Lúc đầu, chị Thanh vận động tôi đến làm nhưng tôi e dè vì sợ trình độ của mình không đáp ứng được yêu cầu công việc. Tuy nhiên, sau khi được chị động viên và hướng dẫn cách làm trong 1 tuần, tôi đã hoàn thành được nhiều công đoạn".
Đến nay, ở xã Nghi Lâm có tới 200 lao động, chủ yếu là chị em phụ nữ được chị Thanh dạy nghề và nhận vào làm việc, với mức lương từ 2 - 2,5 triệu đồng/người/tháng. Qua tìm hiểu được biết, 6 năm trước, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, chị Trần Thị Thanh đã phải rời xa chồng con để vào Sài Gòn học nghề. Sau chuyến đi đó, chị đã đưa nghề làm lông mi giả về với vùng quê nghèo.
Giờ đây, mỗi tháng cơ sở của chị Thanh sản xuất được hơn 10 vạn cặp lông mi giả, doanh thu đạt gần 600 triệu đồng. Tuy hàng ngày phải quản lý hàng trăm công nhân nhưng chị vẫn tranh thủ thời gian tìm tòi, học hỏi, nghiên cứu những mẫu lông mi mới đảm bảo tính thời trang, phù hợp với nhu cầu của khách hàng.
Chị Trần Thị Thanh chia sẻ: “Theo tôi, xã hội ngày càng phát triển thì nhu cầu làm đẹp của chị em ngày càng cao. Vì vậy, tôi quyết định chọn và gắn bó với nghề làm lông mi giả. Sản phẩm làm ra đến đâu thì tiêu thụ đến đó nên không chỉ nâng cao thu nhập cho gia đình mà còn tạo việc làm cho chị em phụ nữ trong vùng''.
Hiện nay, chị Thanh đang tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, mục đích là tạo thêm nhiều việc làm cho người dân địa phương, nhất là chị em phụ nữ. Không chỉ nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, nghề này còn góp phần thay đổi nhận thức của chị em phụ nữ nông thôn trong phát triển kinh tế và tìm hướng thoát nghèo.
“Chị Thanh là người dám nghĩ, dám làm, đồng thời là tấm gương tiêu biểu về phát triển kinh tế của địa phương. Hiện, Hội đang tiếp tục tuyên truyền, vận động chị em phát huy tính năng động, sáng tạo trong việc nhân rộng mô hình làm lông mi giả của chị Thanh để cải thiện cuộc sống", bà Nguyễn Thị Hải, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Nghi Lâm đánh giá về mô hình làm lông mi giả của chị Thanh.
Thu Hiền