Gia đình xã hội
Phụ nữ phải nuôi dưỡng khát vọng vươn lên
Không chỉ dừng lại ở câu chuyện làm thế nào để thúc đẩy quá trình bình đẳng giới mà vì sự phát triển lâu dài, chính phụ nữ phải nuôi dưỡng cho mình khát vọng vươn lên làm chủ bản thân mình và xã hội.
Đây là nội dung được các diễn giả, nhà lãnh đạo nữ, doanh nhân nữ tại diễn đàn quốc tế “Lãnh đạo nữ vì sự phát triển bền vững” do Hội nữ doanh nhân TPHCM tổ chức tại TPHCM ngày 5/3.
Theo bà Tôn Nữ Thị Ninh, Phó Chủ tịch Ủy ban Hòa bình Việt Nam, trong những năm qua, phụ nữ Việt Nam đã khẳng định được vai trò và vị thế của mình trong xã hội. Không chỉ là những người phụ nữ nội trợ của gia đình mà rất nhiều phụ nữ đã nỗ lực vươn lên nắm giữ nhiều vị trí quan trọng trong bộ máy của chính quyền cũng như làm chủ DN.
Tỉ lệ nữ doanh nhân ngày càng tăng qua các năm. Năm 2014 tỉ lệ phụ nữ làm chủ DN, giám đốc, chủ trang trại là 25,4% tăng 0,5% so với năm 2013. Có rất nhiều DN do phụ nữ điều hành, lãnh đạo đã trở thành DN hàng đầu của nền kinh tế như Vinamilk, Saigon Co.op...
Phân tích về lợi ích của phụ nữ làm chủ DN đối với nền kinh tế-xã hội, bà Shoko Ishikawa, Trưởng đại diện Cơ quan LHQ về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tại Việt Nam cho biết, theo Ngân hàng Thế giới, số DN do phụ nữ sở hữu và điều hành chiếm khoảng từ 25-35% tổng DN tư nhân trên toàn thế giới. Tính đến hết năm 2014, ước tính có khoảng 126 triệu phụ nữ khởi nghiệp hoặc điều hành DN và 98 triệu phụ nữ tham gia quản lý các DN đang hoạt động tại 67 nền kinh tế trên toàn cầu.
Như vậy, nếu lực lượng phụ nữ và số DN do phụ nữ làm chủ gia tăng mức ngang bằng với nam giới thì có thể cải thiện thu nhập trung bình thêm 20% tại Trung Đông và Bắc Phi, 19% tại Nam Á và 12% tại châu Mỹ Latin. Đặc biệt nếu phụ nữ nông dân ở các nước đang phát triển có cùng cơ hội tiếp cận với các nguồn lực như nam giới, họ có thể tăng năng suất nông nghiệp lên 20-30% từ đó giúp giảm tỉ lệ thiếu đói từ 12-17%.
Nhận xét về sự phát triển của phụ nữ trong những năm qua ở Việt Nam, bà Shoko Ishikawa cho rằng, Việt Nam đã có những tiến bộ vượt bậc (chẳng hạn nếu so sánh với Nhật Bản thì Việt Nam có 25,4% phụ nữ làm chủ DN, còn Nhật Bản mới chỉ có 10%). Theo bà Shoko Ishikawa, thành công này chính là nhờ việc Chính phủ Việt Nam đã xây dựng khuôn khổ pháp lý về Luật Bình đẳng giới, Luật Bầu cử Quốc hội, Bộ luật Lao động, Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới trong giai đoạn 2011-2020 một cách cụ thể, minh bạch và thuận lợi cho sự phát triển của phụ nữ.
Bên cạnh đó, theo ông Bùi Văn, Giám đốc kênh truyền hình FBNC, trong nền kinh tế thị trường, người phụ nữ Việt Nam đã khẳng định được vai trò của mình qua con số có tới 25,4% (gần 1/3) tỉ lệ nữ làm chủ DN. Các DN do phụ nữ làm chủ có tính sáng tạo cũng như khả năng thích nghi cao và họ cũng sẵn sàng thử nghiệm những ý tưởng mới. Bên cạnh tính năng động, sáng tạo, quyết đoán của người làm kinh doanh, người phụ nữ Việt Nam có thêm ưu thế là tính mềm dẻo, biết lắng nghe và biết thuyết phục. Đó chính là những lợi thế rất quan trọng trong quá trình quản lý, quản trị tổ chức DN của người phụ nữ làm chủ.
Tuy nhiên, theo bà Tôn Nữ Thị Ninh, tỉ lệ nữ có tăng ở các vị trí lãnh đạo tại Quốc hội, Chính phủ, cơ quan của Đảng nhưng chưa đạt được mục tiêu đề ra của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới. Bên cạnh đó, ở các DN do phụ nữ lãnh đạo thường tham gia vào các hoạt động kinh doanh cá thể, buôn bán nhỏ lẻ nên các DN do phụ nữ làm chủ đang còn gặp nhiều khó khăn trong khả năng tiếp cận vốn, công nghệ; hạn chế trong quay vòng vốn tự có so với nam giới, từ đó tỉ suất lợi nhuận chưa cao.
Vì vậy, theo bà Tôn Nữ Thị Ninh, cần phải có những chính sách vĩ mô để không chỉ thực hiện bình đẳng giới mà còn đẩy mạnh quá trình vì sự phát triển của phụ nữ như tăng thời gian làm việc của phụ nữ (có thể từ 55 tuổi lên 57 hay 60 tuổi); tăng thời gian nghỉ thai sản…
Bên cạnh đó, các chính sách từ vĩ mô đến vi mô phải xây dựng trên cơ sở làm thay đổi cách nhìn nhận của cộng đồng về những cơ hội để cho người phụ nữ có thể vươn lên khẳng định vị thế của mình và trở thành những người phụ nữ làm chủ mình, chủ DN hay lãnh đạo trong các cơ quan của Nhà nước.
Nguồn: Chinhphu.vn