Gia đình xã hội

Giúp đỡ người nghèo bằng những hành động thiết thực

14:25, 02/03/2016 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Cùng với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, trong những năm qua, công tác giúp người dân thoát nghèo, vươn lên phát triển kinh tế đã được thể hiện bằng nhiều hành động thiết thực, hiệu quả. Cùng với đó, phong trào nhận giúp đỡ các xã nghèo của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh có sức lan toả lớn và nhận được sự hưởng ứng rộng rãi.

Từng bước đưa người dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu không chỉ góp phần thay đổi hạ tầng kinh tế mà còn tạo đà để tỉnh nhà hoàn thành các chỉ tiêu phát triển đề ra. Bên cạnh đó, việc thay đổi diện mạo kinh tế của từng địa phương cũng có ý nghĩa quan trọng để ổn định tình hình, đẩy lùi tệ nạn xã hội, giữ gìn sự bình yên cho mỗi vùng, miền. Đặc biệt, đối với các xã thuộc miền Tây Nghệ An, việc giảm nghèo bền vững đang là vấn đề đặt ra nhiều khó khăn, thách thức.

Để thực hiện tốt các mục tiêu giảm nghèo, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn Nghệ An đã cụ thể hoá bằng những việc làm, hành động cụ thể, thiết thực. Qua đó, phong trào nhận giúp đỡ các xã nghèo đã có sức lan tỏa rộng rãi trong thời gian qua. Đến nay, nhiều xã không chỉ thoát nghèo mà còn xuất hiện nhiều mô hình phát triển kinh tế mới, người dân đã năng động, mạnh dạn trong việc đầu tư sản xuất kinh doanh…

 Hội Phụ nữ Công an tỉnh trao nhà tình nghĩa cho hội viên nghèo tại xã Châu Cường, huyện Quỳ Hợp
Hội Phụ nữ Công an tỉnh trao nhà tình nghĩa cho hội viên nghèo tại xã Châu Cường, huyện Quỳ Hợp

Để tiếp tục thực hiện hiệu quả chương trình giảm nghèo, Nghị quyết 30a/NQ-CP của Chính phủ, Quyết định 293/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về giảm nghèo tại 4 huyện Tương Dương, Kỳ Sơn, Quế Phong và Quỳ Châu, ngày 13/5/2014, UBND tỉnh Nghệ An đã có Quyết định 2012/QĐ-UBND về việc tăng cường phân công các cơ quan, đơn vị nhận giúp đỡ các xã nghèo thuộc các huyện nói trên.

Cùng với đó, UBND tỉnh đã đôn đốc thực hiện Đề án giảm nghèo và nâng cao mức sống cho nhân dân vùng miền Tây và vùng ven biển Nghệ An. Theo đó, UBND tỉnh giao cho các cơ quan, đơn vị nhận giúp đỡ 110 xã nghèo trên địa bàn. Trước đó, ngày 20/4/2012, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1310 về việc phân công các cơ quan, đơn vị nhận giúp đỡ các xã nghèo trên địa bàn.

Hơn 4 năm qua, việc phân công giúp đỡ người nghèo theo chủ trương của tỉnh đã có nhiều chuyển biến rõ rệt và đạt nhiều kết quả. Chỉ tính riêng trong năm 2015, toàn tỉnh đã giúp đỡ, hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, nhà ở; hỗ trợ tiền mặt, hiện vật, tặng sổ tiết kiệm, chuyển giao khoa học kỹ thuật, chăm sóc sức khỏe... với tổng trị giá trên 15,8 tỉ đồng. Đặc biệt, qua việc giao trách nhiệm nhận giúp đỡ 110 xã nghèo theo Quyết định 2012/QĐ-UBND, các ngành như: Ngân hàng, Kiểm lâm, Quân đội, Công an; các sở, ban, ngành trên địa bàn Nghệ An bằng nhiều cách làm khác nhau đã giúp nhiều địa phương “thay da đổi thịt”.

Theo đó, tỉ lệ hộ nghèo toàn tỉnh từ 10,28% (năm 2014) nay giảm xuống còn 7,5%; số hộ nghèo ở nhiều địa phương thuộc diện 30a của Chính phủ đã giảm xuống rõ rệt. Điển hình như huyện Quế Phong, tỉ lệ hộ nghèo năm 2010 là 59%, đến nay giảm xuống còn 36,38%.

Riêng Công an Nghệ An, sau khi được phân công, giao trách nhiệm nhận giúp đỡ xã Châu Hoàn, huyện Quỳ Châu đã có những việc làm, hành động thiết thực. Theo đó, thời gian qua, mỗi CBCS đã trích lương, quyên góp, ủng hộ, tặng 86 con bò sinh sản cho các hộ nghèo trên địa bàn xã.

Hàng năm, các đoàn công tác của Công an tỉnh đã tổ chức nhiều đợt thăm hỏi, tặng xe đạp cho các em học sinh, hỗ trợ xây bếp ăn bán trú cho học sinh tiểu học, tặng quà cho các hộ nghèo. Lãnh đạo Công an tỉnh đã giao trách nhiệm cụ thể cho các đơn vị, phòng nghiệp vụ tích cực hơn nữa trong việc giúp đỡ người nghèo. Trong dịp Tết Nguyên đán Bính Thân 2016, Công an Nghệ An đã quyên góp được hơn 800 triệu đồng để ủng hộ, giúp đỡ người nghèo.

Theo ông Nguyễn Bằng Toàn, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, chủ trương quan tâm, nhận giúp đỡ các xã nghèo trên địa bàn Nghệ An trong những năm qua đã góp phần không nhỏ trong việc cải thiện đời sống cho người dân. Chủ trương của UBND tỉnh đã được xã hội hoá thành hành động và xem đây là nhiệm vụ trọng tâm để các cấp, ngành thực hiện.

Tuy nhiên, thời gian tới, công tác giúp đỡ người nghèo cần được quan tâm hơn nữa. Việc nâng cao nhận thức cho người dân cũng cần phải có giải pháp kịp thời, mang tính bền vững, trong đó, điều quan trọng hơn cả là phải làm sao để người dân tự mình vươn lên thoát nghèo, thay đổi cách nghĩ, cách làm trong cuộc sống cũng như trong việc phát triển kinh tế.

Ngọc Thái

Các tin khác