Gia đình xã hội
Kháng thuốc kháng sinh: Nỗi lo hiện tại, hệ quả ngày mai
(Congannghean.vn)-Từ khi ra đời đến nay, kháng sinh đã chứng minh vai trò quan trọng trong việc điều trị các bệnh nhiễm khuẩn, giúp cứu sống rất nhiều bệnh nhân. Tuy nhiên, theo thời gian, các vi khuẩn tiếp xúc với kháng sinh dần phát sinh đột biến, theo hướng chọn lọc các chủng vi khuẩn có đặc tính đề kháng với kháng sinh.
Theo các chuyên gia y tế, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do việc sử dụng không hợp lý, lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi. Do đó, việc nâng cao ý thức cho đội ngũ y, bác sĩ cũng như người bệnh trong việc sử dụng hợp lý thuốc kháng sinh là yêu cầu cấp bách, không chỉ bởi số tiền hàng tỉ USD mà thế giới phải chi ra mỗi năm để khắc phục hậu quả do kháng thuốc gây ra mà còn vì hệ quả tất yếu của việc lạm dụng kháng sinh khi “không hành động hôm nay, ngày mai không còn thuốc chữa”.
Các tài liệu nghiên cứu y khoa đã chứng minh, kháng thuốc không phải là vấn đề mới bởi nó xảy ra ngay từ khi con người sử dụng các loại thuốc để điều trị bệnh. Kháng thuốc là tình trạng các vi sinh vật như: Vi khuẩn, vi rút, nấm, ký sinh trùng… kháng lại các thuốc kháng sinh đã nhạy cảm với các vi sinh vật này trước đây, nó là cuộc chiến giữa con người và vi rút gây bệnh.
Người dân cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về mua thuốc kháng sinh tại các hiệu thuốc |
Sinh vật đề kháng có thể chịu được sự tấn công của các thuốc chống vi khuẩn khiến việc áp dụng các phương pháp, thuốc điều trị đặc hiệu sẽ trở nên không hiệu quả, nhiễm khuẩn kéo dài, gây nguy cơ tử vong cao và có thể lây lan. Kháng thuốc là hệ quả tất yếu của quá trình sử dụng thuốc trong điều trị và đặc biệt gia tăng khi việc lạm dụng thuốc kháng sinh ngày càng phổ biến.
Trong thời gian qua, thuốc kháng sinh đã được sử dụng rộng rãi, kéo dài, lạm dụng, làm cho các vi sinh vật thích nghi với thuốc, tạo điều kiện cho nhiều loại vi khuẩn trở thành kháng thuốc, làm cho thuốc kém hiệu quả hoặc không hiệu quả. Tình trạng kháng thuốc không chỉ là mối lo ngại của các bác sĩ lâm sàng trong điều trị mà còn là thảm họa chung đối với sức khỏe cộng đồng.
Tại Việt Nam, theo quy định, chỉ khi có chỉ định của bác sĩ, người dân mới được mua thuốc kháng sinh để điều trị bệnh. Tuy nhiên, trên thực tế, tại các điểm bán thuốc, chỉ cần có yêu cầu của người bệnh, hoặc cũng có thể do chính người bán thuốc tư vấn, thuốc kháng sinh vẫn được bày bán rộng khắp và có phần bị lạm dụng. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, ngoài lý do nhận thức của người dân về tình trạng kháng thuốc còn hạn chế thì công tác quản lý Nhà nước về dược phẩm còn nhiều tồn tại, chế tài xử lý còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe.
Tại Việt Nam, theo kết quả nghiên cứu đơn lẻ tiến hành tại các bệnh viện cho thấy, tình trạng vi khuẩn đề kháng kháng sinh đã đến mức báo động. Kết quả trên cũng phù hợp với thực tế kết quả kháng sinh đồ của các mẫu vi khuẩn phân lập tại Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An.
Theo một đề tài nghiên cứu mới nhất của nhóm dược, bác sĩ Bệnh viện này vừa thực hiện trong khoảng thời gian từ tháng 1/2015 đến tháng 6/2015, bên cạnh các tác nhân vi khuẩn gây bệnh thường gặp, đã xuất hiện thêm 13 chủng vi khuẩn gram mới phân lập so với năm 2012; đồng thời có sự gia tăng mạnh mẽ đề kháng kháng sinh, hiện tượng toàn kháng trên 2 chủng vi khuẩn đã đề kháng với tất cả các nhóm kháng sinh. Về việc áp dụng kháng sinh đồ trên lâm sàng trong thời gian qua đã có sự cải thiện rõ rệt về chất lượng kháng sinh đồ cũng như sự nhận thức của thầy thuốc trong việc chỉ định kháng sinh đồ trên lâm sàng ngày càng được nâng cao.
Theo Dược sĩ Chuyên khoa 1 Lương Quốc Tuấn, Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An, chủ nhiệm đề tài, nhóm nghiên cứu hướng tới mục tiêu, các bác sĩ chỉ sử dụng kháng sinh khi có dấu hiệu nhiễm khuẩn rõ ràng; đồng thời, cần cân nhắc lựa chọn kháng sinh phù hợp, tránh điều trị mang tính bao vây bởi điều này vừa làm tăng mức độ kháng sinh vừa tăng chi phí điều trị.
Ông Trần Minh Tuệ, Trưởng phòng Nghiệp vụ Dược, Sở Y tế Nghệ An cho biết, ngoài việc lạm dụng thuốc kháng sinh trong điều trị bệnh khiến tình trạng kháng thuốc ngày càng diễn biến phức tạp thì việc sử dụng thuốc bừa bãi trong chăn nuôi cũng khiến dư lượng kháng sinh trong thực phẩm ngày càng cao. Việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi rất cần thiết nhưng hệ quả của nó đem lại là không nhỏ. Với việc sử dụng kháng sinh như hiện nay sẽ làm cho hệ vi sinh vật và động thực vật trong tự nhiên bị hủy diệt, kéo theo hệ quả tất yếu là ô nhiễm môi trường, gây tác động rất xấu đối với vật nuôi. Kháng sinh tồn tại trong môi trường cũng có ảnh hưởng đến sức khỏe về lâu dài của người nông dân và tiêu dùng.
Mai Hậu