Gia đình xã hội

Bia rượu, văn hóa và giao thông

08:36, 23/02/2016 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Kết thúc kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Bính Thân 2016, những con số thống kê của cơ quan chức năng về tai nạn giao thông (TNGT), đánh nhau nhập viện trong dịp Tết khiến không ít người phải giật mình. Điều đáng quan ngại là phần lớn các vụ việc đều xuất phát từ bia rượu. Thậm chí, có một số trường hợp tử vong vì bia rượu đã đặt ra vấn đề đáng báo động về tình trạng lạm dụng đồ uống có cồn hiện nay.

   Những con số giật mình

Báo cáo của Hiệp hội Bia rượu, Nước giải khát Việt Nam (VBA), năm 2015, sản lượng sản xuất và tiêu thụ bia ở Việt Nam đạt 3,4 tỉ lít, tăng 10% so với năm trước và gần 41% so với 2010. Nếu chia tỉ lệ trung bình với dân số hiện tại thì mỗi năm, một người Việt uống ít nhất 38 lít bia. Riêng đối với rượu, theo thống kê, mức tiêu thụ rượu tự nấu trên thị trường ước đạt 200 triệu lít/năm, gấp 3 lần rượu sản xuất công nghiệp, chưa kể các loại rượu ngoại nhập cũng tăng dần trong các năm.

Riêng Tết Nguyên đán năm nay, theo số liệu báo cáo của Bộ Y tế, có 5.121 lượt khám, cấp cứu do đánh nhau, xô xát trong đợt nghỉ lễ. Trong đó, cao nhất là ngày mùng 2 Tết với 785 trường hợp, mùng 3 với 778 trường hợp. Số ca tử vong do tai nạn đánh nhau tính đến ngày 14/2 là 13 trường hợp.

Chế tài xử lý người tham gia giao thông có nồng độ cồn vượt quá mức cho phép đến nay vẫn chưa đủ sức răn đe - Ảnh minh họa
Chế tài xử lý người tham gia giao thông có nồng độ cồn vượt quá mức cho phép đến nay vẫn chưa đủ sức răn đe - Ảnh minh họa

So với cùng kỳ, Tết năm nay, cả nước có hơn 6.200 lượt khám, cấp cứu do đánh nhau, 15 ca tử vong, đây là những con số thực sự đang báo động. Theo số liệu thống kê của Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), trong 9 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Bính Thân 2016, cả nước xảy ra 408 vụ TNGT, làm chết 300 người, bị thương 380 người.

Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cũng cho biết, trong 8 ngày Tết (từ sáng 6/2 đến sáng 14/2/2016), đã thực hiện khám, cấp cứu 43.787 lượt nạn nhân bị TNGT, trong đó có 5.401 lượt khám cho các nạn nhân do chấn thương sọ não từ nhẹ đến nặng.

Theo thống kê từ Sở Y tế Nghệ An, trong những ngày Tết, toàn tỉnh có 5.880 người phải nhập viện cấp cứu, tai nạn. Trong đó, có 1.285 người do bị tai nạn giao thông với 2 người tử vong, 327 ca chấn thương sọ não. Trong đó, ngày 29 Tết có 178 người, ngày mùng 1 Tết 115 người, ngày mùng 2 Tết có 294 người nhập viện vì TNGT. Ngoài ra, còn có 68 người nhập viện do đánh nhau, 95 người do nghi ngộ độc thực phẩm.

   Bia rượu, văn hóa và giao thông

Những con số thống kê nói trên cho thấy, việc nhập viện trong dịp nghỉ Tết phần lớn là do tác hại của rượu bia. Báo cáo của Ủy ban ATGT quốc gia cho thấy, có đến 40% vụ TNGT có nguyên nhân từ bia rượu. Những hậu quả khác do rượu bia mang lại thì đã rõ, vì bia rượu, đã có không ít thảm án gia đình xảy ra; cũng vì rượu bia, anh em mâu thuẫn, gia đình bất hòa, hàng xóm làng giềng “quay lưng” với nhau...

Có thể thấy, những vụ việc xuất phát từ rượu bia hầu hết đều hết sức đau lòng. TNGT, đặc biệt là chấn thương sọ não do sử dụng rượu bia là nỗi ám ảnh, gánh nặng không chỉ của riêng một gia đình mà của toàn xã hội. Dù đã cảnh báo, xử lý nặng những trường hợp uống rượu bia khi tham gia giao thông nhưng số vụ TNGT liên quan đến rượu bia vẫn không hề giảm.

Điển hình như vụ việc xảy ra ở huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An vào chiều 21/1/2016: Nguyễn Văn Đức (22 tuổi) trú tại xã Nam Tân sau chầu nhậu say trở về nhà, lúc đi qua cầu Nam Đàn, do không làm chủ được bản thân đã rơi xuống sông và tử vong. 6 ngày sau, gia đình mới tìm thấy thi thể Đức.

Theo số liệu thống kê với 5.121 trường hợp của cả nước và 68 trường hợp ở Nghệ An phải nhập viện do đánh nhau cũng cho thấy, bia rượu khiến con người mất kiểm soát, dẫn đến những hành động gây tổn hại người khác. Đành rằng, uống chén rượu gặp gỡ, giao lưu đầu xuân là hoạt động xã giao trong ngày Tết cổ truyền, song một bộ phận không nhỏ đã lạm dụng rượu bia dẫn đến mất kiểm soát bản thân và có những hành vi rất nguy hiểm.

Tại huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An), vào khoảng 15 giờ 30 phút ngày 4/2, Hồ Công Hương (29 tuổi) trú tại xã Quỳnh Giang, huyện Quỳnh Lưu, sau khi uống rượu say đã mang dao đi tìm người để truy sát. Khi thấy ông Nguyễn Đức Tiêm (69 tuổi) đứng trước cửa nhà, Hương đã lao vào chém tới tấp khiến ông Tiêm tử vong tại chỗ. Tiếp đó, Hương chém cháu Lê Văn Duy (14 tuổi) và anh Chu Văn Hùng (28 tuổi) khiến 2 người này bị thương nặng. Ngay sau đó, Công an huyện Quỳnh Lưu đã khởi tố vụ án và bắt tạm giam Hồ Công Hương về hành vi giết người.

Nhiều trường hợp sau khi uống rượu bia say, không kiểm soát được hành động, đến lúc tỉnh rượu mới ân hận thì đã muộn màng. Vì rượu, Phan Văn Giang (SN 1974) trú tại thị trấn Yên Thành, huyện Yên Thành đã dùng xẻng đánh vào đầu em trai là Phan Văn Phúc (SN 1986) vào tháng 10/2015. Cũng tại Yên Thành, Tết năm 2015, Đặng Thành Long, trú tại xã Đồng Thành, sau chầu nhậu say trong ngày tất niên, khi gặp vợ chồng thông gia đang về quê tảo mộ, Long đã lao vào đánh, đấm túi bụi khiến hai ông bà phải nhập viện.

Để hạn chế TNGT và hậu quả đáng tiếc do rượu bia gây ra, giải pháp hữu hiệu nhất là phải xử lý nghiêm người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm nồng độ cồn. Không những vậy, cần đưa ra xét xử hình sự các hành vi sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông gây tai nạn để răn đe bởi hiện nay, chế tài xử phạt vi phạm liên quan đến rượu bia còn tương đối nhẹ. Ngoài ra, cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục ý thức của toàn xã hội về ảnh hưởng, tác hại của rượu bia; kết hợp với các hình thức như thông báo vi phạm về nơi cư trú, công tác để kiểm điểm tại cơ quan, đơn vị…

Thiên Thảo - Phương Thủy

Các tin khác