Gia đình xã hội
Tết ở trại giam
(Congannghean.vn)-Tết ở trại giam bao giờ cũng có nét đặc trưng, riêng biệt, không năm nào giống năm nào. Dù rằng cũng bánh chưng, dưa hành, cũng hái hoa dân chủ và giao lưu văn hóa, văn nghệ, song để vừa tạo được không khí ấm cúng ngày sum họp, lại xua tan sự cô đơn, trống trải trong tâm hồn mỗi phạm nhân vào những ngày Tết cổ truyền, Tết ở trại giam luôn đến sớm, trong không khí ấm cúng, đoàn viên.
Tết đoàn viên
Đại tá Trần Sỹ Phàng, Giám thị Trại tạm giam Công an tỉnh cho biết: So với những năm trước, Tết năm nay ở các khu phân trại dường như đến sớm hơn, ấm áp hơn. Điều đó xuất phát từ việc Chính phủ vừa ban hành một số chính sách sửa đổi, bổ sung nhằm đảm bảo quyền lợi của phạm nhân theo hướng nhân văn hơn.
Cụ thể, bắt đầu từ năm nay, phạm nhân được nghỉ làm việc 6 ngày, trong đó Tết Dương lịch được nghỉ 1 ngày và Tết Nguyên đán được nghỉ 5 ngày. Tại Trại tạm giam, cũng giống như 5 lần trước đó, dịp giáp Tết Nguyên đán Bính Thân, đơn vị tổ chức bữa cơm tất niên cho những phạm nhân đang chấp hành án tại đây.
Cán bộ quản giáo cùng phạm nhân chăm sóc khuôn viên Trại Tạm giam |
Trong những ngày Tết, khẩu phần ăn của các phạm nhân được tăng gấp 5 lần so với mức ăn bình thường. Ngoài ra, trong những ngày Tết, để giúp phạm nhân vơi bớt nỗi cô đơn khi không được đoàn tụ với gia đình, Ban Giám thị tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí như hái hoa dân chủ, thi cờ tướng, cờ vua, cầu lông, bóng bàn… giữa các phạm nhân. Đặc biệt, trong thời khắc giao thừa, đơn vị đã “phá lệ” khi để phạm nhân thức đón giao thừa, bởi theo quy định, ngày thường họ phải đi ngủ lúc 22 giờ.
Tương tự, ở Trại giam số 6, Bộ Công an đóng tại huyện Thanh Chương, hàng năm cứ bắt đầu vào tháng 12 Dương lịch, Ban Giám thị tổ chức họp bàn công tác chuẩn bị cho phạm nhân đón Tết. Với số lượng trên 4.300 phạm nhân tính đến thời điểm này, việc tổ chức vui Tết, đón xuân cho phạm nhân là điều không hề dễ dàng. Song, theo Đại tá Nguyễn Viết Hoàn, Giám thị Trại giam số 6, điều thuận lợi là mọi nguồn lực phục vụ việc đón Tết đều do đơn vị “tự cung, tự cấp” nên gần như tất cả đã sẵn sàng từ rất sớm. Từ nguyên liệu để gói bánh chưng, thực phẩm, rau xanh đến việc chỉnh trang lại khuôn viên đều do các phạm nhân đảm nhiệm thực hiện.
Dịp giáp Tết cũng là thời điểm Ban Giám thị “nới lỏng” hơn công tác thăm gặp, đặc biệt là những cuộc hạnh ngộ tại buồng giam của người nhà thăm gặp phạm nhân, nhằm khuyến khích, động viên phạm nhân có thêm động lực cải tạo tốt. Cùng với đội văn nghệ phạm nhân, vào dịp Tết, tại các phân trại đều thành lập các đội văn nghệ, xây dựng kịch bản giao lưu giữa các phân trại trong những ngày Tết.
Bên cạnh việc đảm bảo đầy đủ các chế độ trong những ngày đầu năm mới cho phạm nhân, để đưa Tết về với đất trại sớm hơn ngày thường, Đại tá Phan Đình Thành, Giám thị Trại giam số 3 Bộ Công an chú trọng đến công tác xét giảm án, tha tù trước thời hạn cho phạm nhân có đủ điều kiện trong dịp Tết, để họ kịp trở về sum họp với gia đình trong những ngày đầu xuân. Những phạm nhân được xét giảm án, tha tù trước thời hạn vào dịp Tết được đơn vị hỗ trợ tiền tàu xe để trở về với gia đình một cách nhanh nhất.
Đại tá Thành cho biết, Tết năm nay, phạm nhân được ăn Tết 5 ngày, bắt đầu từ 29 tháng Chạp đến mùng 3 Tết. Chế độ ăn Tết cao gấp 5 lần so với ngày thường, tương đương mỗi ngày là hơn 60.000 đồng/người. Năm nào cũng vậy, thực đơn ngày Tết đều được “niêm yết” để phạm nhân biết. Trong đó, mỗi ngày mỗi người có 1 chiếc bánh chưng, 4 lạng thịt lợn, cá tươi, dưa món, canh khoai tây, mứt và hạt dưa. Trong những ngày này, phạm nhân được tham gia các hoạt động vui chơi trong Trại. Những phạm nhân nghèo, không có người thăm nuôi còn được đơn vị tặng thêm quà để động viên họ yên tâm cải tạo tốt.
Nỗi khát khao đoàn tụ
Tết là thời khắc mà phạm nhân tự soi lại bản thân, thấm thía hơn về sai lầm của mình. Niềm mong mỏi sớm trở về đoàn tụ bên người thân theo đó càng trở nên mãnh liệt. Tết cũng là thời điểm “nhạy cảm”, dễ gợi nhớ về giây phút đoàn tụ bên gia đình, vì vậy, diễn biến tâm lý của phạm nhân cũng trở nên khó đoán định.
Bánh chưng chuẩn bị cho bữa cơm đoàn viên trong trại giam |
Như phạm nhân Trần Hồng Chương, quê ở Hà Tĩnh, người có “thâm niên” 13 năm đón Tết trong Trại giam số 3. Chương bị kết án tù chung thân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đã từng ấy năm đón Tết ở đất trại, phạm nhân này tâm sự, anh không thể nào quên được thời khắc của những đêm giao thừa. Đêm giao thừa nào Chương cũng khóc vì nhớ nhà, nhớ khoảnh khắc sum vầy bên mâm cơm với người thân. Đây cũng là tâm trạng chung của phần lớn phạm nhân khi phải đón những cái Tết mà không có người thân bên cạnh.
Phạm nhân Nguyễn Hữu Vinh, nguyên là giảng viên đại học, bị kết án 9 năm tù về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản cho biết, sau 3 năm đón Tết trong Trại giam, điều anh lo sợ nhất là phải đối diện với chính mình trong thời khắc giao thừa. Phạm nhân này cho biết, khoảng thời gian trước khi anh phải chấp hành án phạt tù tại trại giam, vào dịp giao thừa là anh lại được quây quần ấm áp bên người thân. Tuy nhiên, điều may mắn hiện tại là anh và các phạm nhân khác nhận được sự quan tâm, động viên rất lớn từ các cán bộ quản giáo, dù ở vị trí khác nhau nhưng đều có cùng điểm chung là sẵn sàng hy sinh hạnh phúc riêng tư để mang đến cho phạm nhân cái Tết ấm áp nhất.
Ngoài ra, trong thời khắc giao thừa, phạm nhân còn được nghe lời chúc Tết của Ban Giám thị trại giam phát ra từ loa chung của đơn vị và sau đó là sự thăm hỏi, động viên, thậm chí có cả lì xì của Ban Giám thị. Điều đó đã phần nào bù đắp được nỗi nhớ nhà trong tận sâu tâm hồn mỗi phận đời lầm lỡ.
Thượng úy Nguyễn Văn Khánh, cán bộ quản giáo Trại giam số 6 tâm sự: “Bao nhiêu mùa xuân trôi qua là bấy nhiêu cái Tết mà bản thân anh cũng như rất nhiều đồng chí khác phải đón năm mới ở trại giam cùng với các phạm nhân. Tạm gác nỗi nhớ gia đình và khoảnh khắc sum vầy bên vợ con, người thân, những cán bộ quản giáo tự tìm niềm vui trong việc tất bật lo Tết cho phạm nhân. Nhìn những nụ cười rạng rỡ, ánh mắt hân hoan của mỗi phạm nhân trong những ngày Tết đến, xuân về, cùng với đó là niềm tin hướng thiện được trao gửi qua những cánh thư thăm thân gửi về gia đình, hay những cuộc thăm gặp thấm đẫm nước mắt… càng làm cho những người lính trại giam thêm ấm lòng và yêu hơn sự nghiệp “trồng người” trên “đất khó” mà mình đã gắn bó trong cả cuộc đời.
Thiên Thảo