Gia đình xã hội

Tết ở làng pháo năm xưa

10:08, 05/02/2016 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Trước đây, khi pháo còn là biểu trưng của ngày Tết thì nhiều gia đình ở huyện Nam Đàn (Nghệ An) sản xuất pháo để mưu sinh. Tuy nhiên, khi đốt pháo bị cấm, người dân nơi đây đã chuyển sang làm nghề mộc và tạo dựng được thương hiệu lớn. Làng mộc Tây Hồ không chỉ trù phú, sầm uất mà còn là một trong những làng nghề đầu tiên của huyện Nam Đàn được công nhận làng nghề cấp tỉnh.

Làng pháo năm xưa, làng mộc hôm nay

Về huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, những năm trước đây, nhắc đến pháo Tây Hồ, nhiều người thậm chí còn coi đó là một “thương hiệu”; nhà nhà, người người cùng làm pháo để mưu sinh. Nhiều gia đình đã “phất” lên nhờ nghề này, nhất là vào các dịp Tết, pháo Tây Hồ xuất xưởng đi khắp nơi bởi tiếng nổ to, đanh giòn, khiến nhiều “tay chơi” mê mẩn.

Thợ lành nghề ở Tây Hồ đang thao tác trên sản phẩm
Thợ lành nghề ở Tây Hồ đang thao tác trên sản phẩm

Từ năm 1994, khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 406/TTg về cấm sản xuất, mua bán và đốt pháo, người dân nơi đây đã chuyển sang nghề mộc. Cũng rất nhanh chóng, nghề mộc Tây Hồ sớm khẳng định được thương hiệu và vị thế của mình, không thua kém làng mộc Đức Bình (Hà Tĩnh) hay gỗ Đồng Kỵ (Bắc Ninh). Tây Hồ cũng là một trong 3 làng nghề đầu tiên trên quê Bác được công nhận làng nghề cấp tỉnh.

Ông Phan Công Thanh, Khối trưởng kiêm Trưởng làng nghề Tây Hồ, dẫn chúng tôi tham quan làng mộc và cho biết: Mộc Tây Hồ có truyền thống từ hàng chục năm trước đây, song thời điểm làm pháo còn rộ lên thì chỉ có khoảng tầm chục hộ gia đình bám trụ với nghề, còn lại sản xuất pháo nổ bởi tính mùa vụ và lợi nhuận cao.

Từ sau khi pháo bị cấm, số gia đình “bén duyên” với nghề mộc nhiều hơn, dần dần phát triển thành làng nghề truyền thống như hiện nay. Cũng theo ông Thanh, Tây Hồ có điểm khác biệt so với các làng mộc khác, đó là những người làm nghề tuổi đời còn rất trẻ nhưng tay nghề lại rất vững, chẳng kém cạnh bất cứ một tay mộc có thâm niên nào. Sản phẩm của làng nghề Tây Hồ rất phong phú và đa dạng, cung ứng cho thị trường khắp trong Nam, ngoài Bắc.

Thậm chí, vào dịp Tết hàng năm, các cơ sở mộc phải ngừng nhận đơn đặt hàng từ rất sớm vì không đủ sản phẩm để cung cấp cho khách hàng. Làng nghề Tây Hồ hiện có 15 gia đình kinh doanh nghề mộc trong tổng số 121 hộ gia đình sinh sống. Tây Hồ cũng là khối phố duy nhất của vùng đất Sa Nam không có tệ nạn xã hội. Có được điều này là nhờ một phần làng mộc được phát triển quy củ.

Anh Lê Trung Kiên (42 tuổi), chủ một xưởng mộc ở Tây Hồ cho biết, từ sau khi có chỉ thị cấm sản xuất pháo nổ, anh và gia đình cũng loay hoay trong việc chuyển đổi ngành nghề. Lúc bấy giờ, cùng với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, bản thân anh đã quyết định chuyển sang nghề mộc chỉ từ 200.000 đồng tiền vốn.

“Khởi đầu vô cùng khó khăn, bản thân phải đi học nghề, rồi phải mua sắm từng cái dùi, đục, cưa tay… để mở xưởng. Gia đình phải tích cóp để mở rộng quy mô sản xuất. Theo thời gian, tay nghề được nâng lên, thương hiệu mới được nhiều người biết đến như ngày hôm nay”, anh Kiên chia sẻ. Hiện, xưởng mộc của gia đình anh đã tạo công ăn việc làm cho gần 10 lao động với thu nhập ổn định là 5 triệu đồng/tháng.

Điểm sáng Tây Hồ

Không mạnh dạn từ đầu như anh Kiên, sau khi Nhà nước cấm pháo, anh Phan Quốc Chung chuyển sang nghề làm bún bánh một thời gian rồi mới chuyển sang nghề mộc. Anh Chung đã cùng với em trai hùn vốn để mở xưởng mộc. Sau gần 20 năm bám trụ với nghề, đến nay, anh đã có cơ ngơi khang trang, xưởng mộc với trên 10 nhân công, anh còn sắm được xe ôtô riêng để chở hàng đến tận nơi cho khách.

“So với làm pháo, nghề mộc thu có nhập ổn định, mang tính bền vững và quan trọng hơn cả là tính bền vững, an toàn. Còn nhớ, trước khi Chính phủ có chỉ thị cấm pháo vài tháng, tại một cơ sở sản xuất pháo trong khối đã xảy ra vụ nổ khiến hai người thiệt mạng. Giờ nghĩ lại thời điểm nhà nhà sản xuất pháo, chúng tôi vẫn chưa hết bất an, lo sợ”, anh Chung chia sẻ.

Một góc làng nghề Tây Hồ hôm nay
Một góc làng nghề Tây Hồ hôm nay

Ở Tây Hồ hiện nay không chỉ làm nghề mộc mà còn là nơi đào tạo nhiều thợ trẻ lành nghề cho khu vực và các vùng phụ cận như Hà Tĩnh, Quảng Bình. Đến nay, đã có những ông chủ nghề mộc từ chân lấm tay bùn trở thành những đại gia thực sự. Hai “lão làng” của làng nghề là ông Phan Công Hợi và ông Phan Công Cảnh đến nay đã thành lập công ty riêng và có cửa hàng trưng bày sản phẩm ở thị trấn, trừ chi phí, thu nhập hàng tháng xấp xỉ cả trăm triệu đồng.

Ở Tây Hồ, dù có đến hàng chục hộ dân mở xưởng kinh doanh nghề mộc, nhưng tuyệt đối không có hiện tượng ô nhiễm môi trường và tiếng ồn. Theo quy định bất thành văn, giờ làm việc phải kết thúc trước 11 giờ 30 phút sáng và 17 giờ 30 phút mỗi ngày.

Ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn cho biết, khối Tây Hồ trước đây có truyền thống nghề mộc lâu đời, nhưng một thời gian bị mai một do xu thế làm pháo lấn át, chỉ còn 2 hộ bám trụ.

Từ sau khi Chính phủ ban hành Chỉ thị 406/TTg về cấm sản xuất, mua bán và đốt pháo, người dân nơi đây đã mạnh dạn phục dựng lại làng nghề truyền thống. Chính quyền địa phương cũng đã kịp thời có các chính sách khuyến khích phát triển như quy hoạch vùng làng nghề với diện tích gần 2ha, hỗ trợ vốn vay cho các cá nhân có nhu cầu. Nhờ vậy, đến nay, làng mộc Tây Hồ đã tạo được thương hiệu với các loại sản phẩm rất đa dạng, trong đó đáng chú ý là đồ gia dụng với những đường nét tinh xảo, độc đáo.

Làng nghề Tây Hồ cũng là địa điểm thu hút nhiều lao động lành nghề từ các tỉnh Nam Định, Bắc Ninh vào đây làm việc, hàng năm tổ chức đào tạo nghề cho nhiều học viên trẻ tâm huyết.

Trong tương lai, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, đang có ý định xây dựng làng nghề Tây Hồ trở thành điểm dừng chân thú vị cho du khách khi có nhu cầu tham quan dọc tuyến đường du lịch sinh thái ven sông Lam.

Làng nghề mộc dân dụng khối Tây Hồ được UBND tỉnh công nhận là Làng nghề Tiểu thủ công nghiệp vào năm 2010. Từ khi được công nhận cho đến nay, làng nghề đang từng bước phát triển nghề mộc mỹ nghệ, mở rộng các cơ sở sản xuất, nâng cao tay nghề cho các lao động trong khối; doanh thu hàng năm đạt 20 tỉ đồng. Từ sự lan tỏa của làng nghề, năm 2012, khối Tây Hồ đã vinh dự đón nhận bằng Đơn vị văn hóa.

 

Phương Thủy

Các tin khác