Gia đình xã hội

Ngày Xuân nói về rượu và những cuộc nhậu

09:25, 11/02/2016 (GMT+7)

Trời mà không thích rượu ư?
Cớ sao tiên giới ngất ngư bàn đào
Đất mà không thích rượu sao?
Tửu Tuyền suối đã vận vào thành tên...


Tiên thi Lý Bạch quả đã nói trúng phóc nguồn cảm hứng bất tận của các môn đệ thần Lưu Linh rằng: Rượu, bia quả là hai phát minh “vĩ đại” của loài người... Chả thế mà Việt Nam lọt vào tốp 15 nước đứng đầu thế giới, vô địch Đông Nam Á về sức tiêu thụ rượu, bia, trong khi bình quân mỗi năm một người dân đọc 1/2 quyển sách. Khỏe uống đã đành, nhưng viêm loét dạ dày, thậm chí huyết áp (HA) vừa cao vừa kẹt (số tối đa và tối thiểu gần nhau),  gout nặng hay gan đã xơ... vẫn uống...

Sau bữa cỗ cưới trong làng vào một buổi trưa hè nóng nực nhưng thật khó mà đếm hết số lần “mời cụ”, “mời ông”, ông M. chếnh choáng về nhà đi vào nhà tắm để xả nước hạ hỏa... Nghe tiếng kêu thất thanh của bố, các con chạy đến thì thấy ông đã ngã vật trong nhà tắm, thở hổn hển, gấp gáp... Ngay lập tức ông được đưa vào bệnh viện huyện cách đó chừng cây số... Bác sĩ chẩn đoán ông đã hôn mê do tai biến mạch não (TBMN) trên người cao HA.

Nhà ông bị cao HA cả nhà, các con trai, con gái lớn tuổi đều mắc bệnh này... Ngay lập tức ông phải thở máy, truyền dịch chống phù não…, thực hiện chế độ hộ lý cấp I: đặt ống xông cao su đường thực quản để bơm sữa vào dạ dày, đặt xông đường niệu đạo để dẫn lưu nước tiểu vì liệt bàng quang… Ngày phải vài lần hút đờm dãi do vừa tăng tiết vừa ứ đọng ở hầu họng, phế quản. Lại phải có đệm nước cho ông nằm để chống loét da vì hôn mê thì không thể trở mình. Con cháu phải nghỉ việc, chia làm nhiều tốp để trông nom săn sóc, xoa bóp cho ông hai ca ngày và đêm. Đấy là nhà ông còn đông con cháu chứ gia đình neo người thì…

Sau hơn hai tuần hôn mê tình trạng xấu dần, ông được chỉ định mở khí quản để đặt ống thở. Con cháu hoang mang không biết tình trạng hôn mê như vậy dài ngắn thế nào thì được bác sĩ điều trị giải thích: Không ai có thể nói trước được vì có người vài ngày, có người hàng tháng, hàng năm và nguy cơ ông không qua được là khả năng nhiều nhất!...

Đột quị - sét giữa trời quang

Khi mạch não xảy ra một trong 3 biến cố lớn: vỡ, nghẽn và tắc mạch gây thiếu máu đột ngột một vùng não, làm cơ thể đổ ngã tự do nên gọi là cơn đột quị não (stroke - ĐQ) - một cách mô tả tình trạng TBMN.

ĐQ có thể là hậu quả của nhiều bệnh như đái tháo đường; bệnh mạch vành, giảm HA đột ngột, viêm động mạch, viêm tắc tĩnh mạch, tắc xoang tĩnh mạch, bệnh tiểu cầu, dị dạng động mạch cảnh... nhưng khoảng 90% ĐQ là do TBMN. ĐQ não có rất nhiều rối loạn: liệt và mất cảm giác nửa người; khó nói hoặc mất nói; khó nuốt, sặc hay mất nuốt; nhìn mờ và nhìn hẹp; mất kiềm chế cảm xúc (dễ mủi lòng, dễ khóc); rối loạn tâm thần: có ngôn ngữ và hành vi không bình thường, quên trầm trọng; đại tiểu tiện không tự chủ hoặc liệt bàng quang nên bí tiểu; bán hôn mê hay hôn mê; biến chứng viêm phổi; loét da và suy dinh dưỡng…

Ở nước ta, mỗi năm có khoảng 200.000 người bị TBMN, gần 10.000 ca tử vong. Mỗi năm thế giới có khoảng 16 triệu ca ĐQ với khoảng 6 triệu người tử vong và có thêm 1 triệu ĐQ mới vào năm sau; cứ 45 giây có ít nhất 1 người ĐQ, cứ 3 phút có 1 người tử vong do ĐQ, con số tử vong năm sau cao hơn năm trước. WHO xếp bệnh mạch máu não gây tử vong thứ ba sau bệnh tim mạch, ung thư và dự báo “kỷ lục” này được giữ đến năm 2030. Lần ĐQ đầu tiên khoảng 1/3 số bệnh nhân có di chứng nhẹ, 1/3 bị tàn phế nặng về thần kinh, tâm thần, vận động và 1/3 tử vong; các cơn ĐQ tái phát nguy cơ tử vong và tàn phế cao hơn.

Ở những người ĐQ có thể đã bị một vài cơn thiếu máu não thoáng qua (TMNTQ) với ít nhiều trong các triệu chứng: mù hoặc nhìn mờ; liệt nhẹ nửa người; khó nói; nuốt khó; lảo đảo… Triệu chứng tồn tại trong vòng 24 giờ rồi khỏi, không để lại di chứng. TMNTQ là dấu hiệu cảnh báo ĐQ. Theo Hiêp hội ĐQ Mỹ, khoảng 40% người từng TMNTQ sẽ bị ĐQ.

“Giọt nước tràn ly” rất nhiều người không biết hoặc “phẩy tay ôi dào” với nó

Thủ phạm trực tiếp gây ĐQ não do cục máu đông từ nơi khác di chuyển đến não hoặc cục máu đông hình thành trong hệ mạch não, vỡ mạch não và co thắt mạch não... nhưng thủ phạm đích thực tiềm ẩn sâu xa là cao HA, tăng cholesterol máu, xơ mỡ động mạch, là những bệnh âm thầm hình thành qua nhiều năm tháng. Vì tăng HA ở giai đoạn đầu hầu như không có biểu hiện lâm sàng, khi HA quá cao mới thấy đau đầu vùng chẩm, chóng mặt hay đánh trống ngực...

Thường sau 35 tuổi bắt đầu có nguy cơ tăng HA nhưng người dân do thấy cơ thể không có gì bất thường, nên không mấy người có ý thức đo HA đều đặn chứ chưa nói đến kiểm tra mỡ máu và vẫn vô tư uống rượu. Khi đã cao HA, cholesterol máu cao, xơ mỡ động mạch có rất nhiều “cú hích” xấu để làm ra “sét đánh giữa trời quang” như uống rượu, thay đổi nhiệt độ đột ngột, stress, tâm trạng căng thẳng hay mệt mỏi thể chất, tinh thần... nếu kết hợp hai yếu tố này trở lên sẽ rất nguy hiểm... Không thiếu những người đã bị cao HA lâu năm, HA tối thiểu lớn hơn 110mmHg - mức HA rất xấu, thậm chí 130mmHg - là cao HA ác tính, biết rõ uống rượu là nguy hiểm nhưng vẫn uống (!?).

Trong khi cả với người cao tuổi, HA tối thiểu được xem là bình thường khi không quá 90mmHg. HA tối thiểu càng cao chứng tỏ độ co giãn của mạch máu càng kém và nguy cơ vỡ mạch não treo lơ lửng càng nhiều! HA cao mà hai số tối đa, tối thiểu càng gần nhau nguy cơ vỡ mạch não càng nhiều.

Tôi quen biết một anh đồng niên ở Sở Tư pháp Đồng Nai... Ra Hà Nội làm việc, anh rủ tôi đi nhậu. Đã biết bệnh của anh, tôi hỏi HA dạo này bao nhiêu? Anh bảo, tối thiểu lúc 120, lúc 125 (mmHg). Tôi bảo vậy thì uống in ít thôi... Anh bảo sống chết có số... Hôm đó chỉ có hai anh em và tôi uống ít, anh có vẻ không vui... Khoảng hơn một tuần sau, con trai cả anh gọi điện: Bác ơi, Bố con tai biến, mất rồi...! Bản thân rượu, bia là chất làm tăng HA nếu uống chưa đến mức ngộ độc (khi ngộ độc rượu, HA tụt), với người cao HA đây là “giọt nước tràn ly” - thứ nhất vì đàn hồi thành mạch đã kém, HA đã cao lại cao thêm thì vỡ là điều dễ hiểu.

Trường hợp ông M., uống rượu lại kết hợp thêm “giọt nước tràn ly” thứ hai là thay đổi nhiệt độ đột ngột từ nóng sang lạnh (và ngược lại) - một yếu tố rất nguy hiểm khi bị cao HA. Trong hệ thống động mạch não, khi tuổi cao thường hình thành nhiều hơn những phình mạch (như chiếc săm xe đạp bị phình) có thành rất mỏng nên dễ vỡ khi HA cao. Bản thân TBMN làm cho một vùng mô não không được cấp máu, nhưng chính sự thiếu máu này lại kích thích làm co thắt mạch ở vùng mô não lành xung quanh, dẫn đến thiếu máu lan rộng; hoặc lượng máu chảy (ra ngoài hệ thống mạch) làm tăng áp lực nội sọ, chèn ép mô não mềm, là hai nguyên nhân trực tiếp gây tử vong.

Tai hại là những phình mạch này thường không lớn, đủ để gây ra triệu chứng tăng áp lực nội sọ mà đau đầu là triệu chứng thường thấy trước tiên... nên người ta không cảm thấy bất thường! Có khoảng 1 - 5% dân số bất kể lứa tuổi bị phình mạch nhưng rất may là khoảng 50% số đó không xảy ra tai biến do phình nhỏ hơn. Chỉ biết rõ là những người tuổi cao, tiền mãn kinh, cao HA, uống rượu nhiều hay nghiện rượu, rối loạn mỡ máu, xơ mỡ  động mạch, chấn thương sọ não, hút thuốc lá, tiểu đường, nghiện ma túy là nhóm người bị vỡ phình mạch nhiều nhất. Khi có các dấu hiệu báo trước như đau đầu dữ dội, kéo dài không có lý do, nhìn mờ hoặc nhìn đôi, nói khó, liệt mặt, sụp mi; co giật thoáng qua nên đến thầy thuốc ngay...

Người bình thường uống khá nhiều rượu hay ở người nghiện rượu dù uống ít còn có một “giọt nước tràn ly” khác là rượu làm tăng tính thấm (độ thẩm thấu) của thành mạch máu, tức là để cho các thành phần của máu đi qua thành mao mạch quá mức bình thường. Khi người không nghiện uống rượu nhiều hoặc uống ít hơn ở người nghiện rượu mãn tính khả năng thẩm thấu tăng lên. Nếu kết hợp với một “giọt nước tràn ly” nữa, chẳng hạn chấn thương đầu (dù rất nhẹ) sẽ dễ chảy máu não...

Sau một cuộc nhậu, anh B. ở huyện M., Hà Nội, đã cãi vã với một người họ hàng xa. Người này chỉ đẩy nhẹ nhưng anh B. do chếnh choáng đã ngã đập đầu xuống đường đất tử vong. Giải phẫu pháp y thấy chảy máu lan tỏa khắp các nếp nhăn não, trong khi hệ thống mạch lớn hoàn toàn không vỡ, và chảy máu ở trường hợp này là từ hệ mao mạch. Dấu vết cho thấy cú đập đầu là không mạnh, thậm chí không có cả vết sây xát da do anh B đội mũ vải mềm và chỉ có một đám tụ máu nhỏ dưới da đầu vùng chẩm. Xét nghiệm thấy nồng độ rượu trong máu cao.

Kết luận giám định pháp y là: Chấn thương sọ não kín, chảy máu não trên người có nồng độ rượu cao trong máu. Kinh nghiệm giám định pháp y thấy rằng người bình thường, không có phình mạch, trong máu không có rượu, nếu va đập đầu không mạnh không thể chảy máu não; người không có phình mạch, trong máu có cồn và người nghiện rượu mãn tính trong máu không có cồn va đập đầu không mạnh lắm có thể chảy máu não (do thành mạch của người nghiện rượu kém đàn hồi hơn) - những dạng này có tỉ lệ cao trong giám định pháp y, tất nhiên người nghiện rượu mãn tính trong máu có cồn nguy cơ là cao nhất.

Ở những người thoái hóa mỡ gan lâu ngày hoặc xơ gan (có thể là hậu quả của uống rượu nhiều năm) lại có thêm một “giọt nước tràn ly” khác đó là rối loạn đông máu. Gan có nhiều chức năng trong đó có chức năng tổng hợp các yếu tố đông máu, khi gan thoái hóa mỡ đặc biệt là xơ, quá trình tổng hợp các yếu tố đông máu bị rối loạn, gây hậu quả rất dễ chảy máu! Những người này uống rượu là cùng lúc có hai “giọt nước tràn ly”.

Bản thân một cuộc rượu không thể gây ra ĐQ, nhưng là “cú hích” xấu thúc đẩy đột quị khi đã có những bệnh lý nói trên. Đúng là có ít lắm người không thích rượu, nhưng vẫn phải nói lại là uống ít và điều độ thì rất tốt cho sức khỏe. Còn uống đến mức “Tỉnh e miệng thế gian cười. Chỉ mong được suốt một đời say sưa” thì... chết có ngày…

 

Nguồn: Cand.com.vn

Các tin khác