Gia đình xã hội

Kỷ niệm 106 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3

Những bông hoa trên 'vùng đất khó'

08:33, 08/03/2016 (GMT+7)

(Congannghean.vn)-Ở vùng đất xứ Nghệ giàu truyền thống cách mạng, từ nhiều đời nay đã xuất hiện những tấm gương phụ nữ không chỉ bất khuất, kiên trung mà còn “giỏi việc nước, đảm việc nhà”. Trong thời đại hiện nay, ngoài đảm nhiệm tốt thiên chức của người vợ, người mẹ, họ còn trở thành tấm gương sáng trong xã hội, được nhiều người nể trọng.

1. Tại các phiên chất vấn và trả lời chất vấn của các kỳ họp HĐND tỉnh, qua phương tiện thông tin đại chúng, người dân được nghe các câu hỏi, ý kiến mà đại biểu kỳ họp đưa ra cho lãnh đạo các sở, ban, ngành. Và, đại biểu Đinh Thị An Phong (SN 1982) đến từ huyện Nghi Lộc luôn khiến nghị trường “nóng” lên mỗi khi đứng lên chất vấn các vấn đề cử tri quan tâm. Ngoài việc được người dân tín nhiệm bầu làm đại biểu HĐND tỉnh thì ở địa phương, chị còn là Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Phúc Thọ, huyện Nghi Lộc. Trong 10 năm liên tục làm công tác Hội, chị cùng với nhiều chị em phụ nữ tại địa phương đã có nhiều việc làm tích cực, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đưa phong trào của Hội không ngừng đi lên.

Đại biểu HĐND tỉnh khoá XVI Đinh Thị An Phong  luôn làm “nóng” nghị trường trong mỗi phiên chất vấn
Đại biểu HĐND tỉnh khoá XVI Đinh Thị An Phong luôn làm “nóng” nghị trường trong mỗi phiên chất vấn

Chị được kết nạp Đảng từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Gắn bó với phong trào Đoàn Thanh niên cơ sở từ thời còn là sinh viên khoa Ngữ văn Đại học Vinh, đến khi ra trường (năm 2006), về quê công tác, chị đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hội LHPN xã Phúc Thọ cho đến nay. Phúc Thọ là một xã ven biển, với gần 9.000 nhân khẩu nhưng phụ nữ chiếm tới 49% dân số. Trong những năm qua, với việc đẩy mạnh các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, chị luôn được cấp uỷ, chính quyền đánh giá cao. Không chỉ vậy, chị còn có nhiều sáng kiến, tham mưu cấp uỷ tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động chị em phụ nữ tích cực tham gia các hoạt động của địa phương.

Điển hình là đã tổ chức các hoạt động văn hoá, thể thao, sinh hoạt nói chuyện với chị em về các chuyên đề như: “Nghệ thuật giữ gìn hạnh phúc gia đình”, “Vai trò của người phụ nữ trong việc quản lý, giáo dục con cái và phòng, chống tội phạm”, đẩy mạnh tuyên truyền Đề án 343 “Giáo dục phẩm chất, đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH - HĐH đất nước”… Trong những nội dung tuyên truyền, sinh hoạt ấy, Đinh Thị An Phong được biết đến như một diễn giả, dẫn dắt phong trào đi từ lời nói tới hành động. Ngoài ra, chị còn là người tiên phong trong việc nâng cao nhận thức cho hội viên phụ nữ về xây dựng gia đình văn hoá, văn minh.

Đặc biệt, tại các kỳ họp HĐND của tỉnh diễn ra trong thời gian qua, Đinh Thị An Phong còn là người dám đứng lên “mổ xẻ” các vấn đề khiến dư luận bức xúc lâu nay. Điển hình như tình trạng ô nhiễm môi trường chưa được xử lý dứt điểm, vấn nạn bạo lực gia đình, các vấn đề “nóng” về an sinh xã hội… Không chỉ vậy, chị còn là điển hình trong phong trào thi đua yêu nước tỉnh Nghệ An giai đoạn 2010 - 2015.

2. Trên lĩnh vực giáo dục, nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Bảo Tuyết (SN 1970) đang công tác tại Trường Tiểu học thị trấn Đô Lương, huyện Đô Lương tạo cho tôi một ấn tượng khá sâu đậm. Sinh ra trong gia đình có truyền thống sư phạm, từ khi ngồi trên ghế phổ thông, chị luôn mong muốn sau này sẽ trở thành giáo viên. Tốt nghiệp ngành Sư phạm tiểu học của Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An, cô giáo trẻ về nhận công tác tại Trường Miền núi xã Tây Thành, huyện Yên Thành.

Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Bảo Tuyết
Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Bảo Tuyết

Đến năm 2013, cô giáo Nguyễn Thị Bảo Tuyết được điều chuyển về công tác tại Trường Tiểu học thị trấn Đô Lương. Với những sáng kiến cải tiến trong phương pháp dạy và học, dù ở đơn vị công tác nào, cô Tuyết cũng được đồng nghiệp, cấp trên tin tưởng, quý mến. Là tổ trưởng tổ bộ môn lớp 4 - 5, cô luôn chủ động xây dựng các kế hoạch giảng dạy đảm bảo hợp lý, phù hợp với năng lực của học sinh. Ngoài việc làm giáo viên chủ nhiệm nhiều năm liền, cô giáo Nguyễn Thị Bảo Tuyết còn là “cây sáng kiến” của trường và của ngành giáo dục huyện. Trong 3 năm học liên tục (2010 - 2011, 2012 - 2013, 2014 - 2015), cô Tuyết luôn đạt sáng kiến kinh nghiệm loại B cấp tỉnh.

Cô giáo Lê Thị Sử, Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Đô Lương cho biết: “Cô giáo Nguyễn Thị Bảo Tuyết là người giỏi chuyên môn, luôn tận tâm, tận tình với công việc, được đồng nghiệp quý mến. Không chỉ vậy, cô còn được học trò đặc biệt yêu quý, xem như người mẹ thứ hai. Nhiều năm qua, cô Tuyết đã tham gia đào tạo, bồi dưỡng nhiều thế hệ học sinh giỏi của Trường và đạt nhiều kết quả cao”. Với những cống hiến của mình, năm 2914 cô Nguyễn Thị Bảo Tuyết vinh dự là 1 trong 10 giáo viên cảu tỉnh Nghệ An được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú.

3. Thời gian qua, NSND Hồng Lựu - người góp phần “thổi hồn” cho dân ca ví, giặm xứ Nghệ trở thành di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại là cái tên không còn mấy xa lạ với người dân tỉnh nhà nói riêng và cả nước nói chung. Với năng khiếu ca hát từ thủa bé, chị Trịnh Thị Hồng Lựu (SN 1967) sinh ra ở xã Đồng Văn, huyện Thanh Chương là người góp phần không nhỏ trong việc bảo tồn, đưa dân ca vươn ra thế giới. Hơn 20 năm qua, chị đã cùng đồng nghiệp miệt mài sưu tầm, lưu truyền và dạy hát dân ca cho nhiều lớp thế hệ trẻ. Với NSND Hồng Lựu, dân ca ví, giặm như “mạch nguồn sống” theo suốt cả cuộc đời.

NSND Hồng Lựu say sưa “thổi hồn”  vào những làn điệu dân ca ví, giặm
NSND Hồng Lựu say sưa “thổi hồn” vào những làn điệu dân ca ví, giặm

Mỗi khi biểu diễn trên sân khấu, hình ảnh, tiếng hát của chị đã khiến bao người dân như bị cuốn vào không gian văn hoá đặc sắc, mang đậm chất Nghệ, đưa người nghe đi ngược thời gian, về với miền ký ức tuổi thơ. Không chỉ vậy, nhờ dân ca ví, giặm, thế hệ hôm nay như được xem lại những thước phim sống động về khung cảnh lao động của người dân xứ Nghệ thủa xưa. Ngoài tham gia biểu diễn, NSND Hồng Lựu còn đảm nhiệm vai trò Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và Phát huy di sản dân ca xứ Nghệ trong nhiều năm qua.

Chị An Phong, Nhà giáo ưu tú Bảo Tuyết và NSND Hồng Lựu chỉ là ba trong số những “bông hoa đẹp” tiêu biểu của xứ Nghệ được nhiều người biết đến và ghi nhận. Dù công tác ở các lĩnh vực, cương vị khác nhau nhưng khi nhắc tới, ai cũng phải nể phục về tinh thần cống hiến của các chị. Họ còn là những tấm gương “giỏi việc nước, đảm việc nhà” để nhiều chị em học tập. Nhiều chị em phụ nữ hiện nay không chỉ đảm nhiệm nhiều vai trò chủ chốt trong cấp uỷ, chính quyền mà còn thành công trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Nhiều doanh nhân là nữ giới trên địa bàn tỉnh đã góp phần không nhỏ trong việc giải quyết công ăn việc làm, xoá đói, giảm nghèo…

Theo thống kê của Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh, hiện nay có tới 16,2% nữ giới tham gia cấp uỷ, chính quyền; tỉ lệ nữ giới là cán bộ chủ chốt tại các sở, ban, ngành đạt 44,9%. Cùng với đó, công tác bình đẳng giới, xoá bỏ quan niệm “trọng nam kinh nữ” đang được thực hiện có hiệu quả trong mỗi gia đình và cộng đồng dân cư hiện nay.

Đăng Quang

Các tin khác