Gia đình xã hội
Con Cuông, Nghệ An: Cấp gạo cứu đói dịp Tết thiếu công bằng
(Congannghean.vn)-Hỗ trợ gạo cứu đói cho hộ nghèo, quan tâm tới các đối tượng bảo trợ xã hội trong dịp Tết là chính sách nhân văn của Đảng và Nhà nước, nhằm tạo điều kiện giúp họ đón Tết cổ truyền ấm áp hơn. Thế nhưng, tại xã Chi Khê, huyện Con Cuông, sau khi nhận được gạo cứu đói, cán bộ thôn đã tiến hành chia đều, trong đó có cả hộ giàu, hộ khá bởi thiếu sự giám sát của chính quyền địa phương.
Chia kiểu cào bằng
Tết Nguyên đán Bính Thân 2016, xã Chi Khê được cấp trên phân bổ 16.545 kg gạo cứu đói của Nhà nước để phân phát cho các hộ, khẩu thiếu lương thực; trong đó ưu tiên hộ nghèo, người già yếu, neo đơn, hộ chính sách, hộ có người mắc bệnh hiểm nghèo, người khuyết tật, người gặp tai nạn rủi ro... Mỗi hộ được hỗ trợ 15 kg/khẩu. Tuy nhiên, theo phản ánh, sự bình xét, phân chia được tiến hành thiếu công bằng. Ngoài các hộ nghèo thì còn nhiều hộ khá, giàu cũng nhận được số gạo như nhau.
Hộ gia đình Hòa Dung kinh doanh mang lại thu nhập ổn định, kinh tế khá nhưng vẫn nằm trong diện được hỗ trợ gạo cứu đói |
Bà Tuyết ở thôn Tiến Thành, xã Chi Khê cho biết: “Hoàn cảnh gia đình tôi rất khó khăn. Thế nhưng, trong đợt bình xét vừa rồi, gia đình tôi lại không được nhận gạo hỗ trợ dịp Tết. Trong khi đó, trên địa bàn thôn và xã có nhiều hộ thuộc diện khá, giàu lại nhận được bình quân 15 kg gạo/khẩu.
Đơn cử như hộ ông Lữ Hồng Phong, là người dân ở địa phương khác mới đến cũng được hỗ trợ; hộ ông Nguyễn Đình Hòa có nhà bám mặt đường, thuận lợi trong hoạt động kinh doanh nông sản, kinh tế thuộc tốp khá, cơ ngơi khang trang, lại có xưởng làm mộc nhưng vẫn được cấp cho 2 khẩu.
Ở thôn Tiến Thành còn nhiều hoàn cảnh khó khăn, đáng thương hơn nhưng vẫn không được hỗ trợ. Điển hình như hoàn cảnh của cháu Nguyễn Anh Thư (3 tuổi) mồ côi bố, mẹ đi lấy chồng nên gửi cháu lại cho gia đình dì dượng chăm sóc trong khi kinh tế khó khăn nhưng vẫn không được hỗ trợ; gia đình anh chị Sáu Hường trong dịp Tết vừa qua cả 2 người con đều bị bệnh, một đứa chữa trị ở Hà Nội, đứa còn lại chữa trị ở TP Vinh, hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn nhưng cũng không được hỗ trợ gạo…”
Theo bà Tuyết, trước khi phân chia gạo, thôn có tiến hành họp nhưng quá trình bình xét diễn ra không công bằng. Khi người dân có ý kiến thì ban vận động thôn không giải quyết mà trả lời theo kiểu chiếu lệ. Dân phản ánh lên xã thì ban cán sự thôn tỏ ra khó chịu và xảy ra mâu thuẫn.
Trao đổi về vấn đề này, ông Lô Hồng Minh, Chủ tịch UBND xã Chi Khê cho biết: “Việc bình xét hỗ trợ gạo trên địa bàn xã được địa phương tiến hành rất chu đáo. Khác với các năm trước, gạo khi về đến sẽ thực hiện việc phát đến tận hộ thì năm nay, xã tổ chức cấp phát tại UBND xã. Tuy nhiên, để xảy ra tình trạng phản ánh này, chúng tôi không nắm được mà chỉ sau khi phân phát xong, ra Tết xã mới tiếp nhận được những thắc mắc của người dân. Chúng tôi đã giao cho đồng chí Lô Văn Vinh, Phó Chủ tịch UBND xã phụ trách mảng này giải quyết”.
Trong khi đó, khi được hỏi, ông Lô Văn Vinh lại lý giải: “Xã đã giao các thôn, xóm tổ chức rà soát và lập danh sách, gửi tổng hợp về xã đảm bảo chính xác, đúng đối tượng, trong đó phải là những trường hợp thực sự cần được hỗ trợ lương thực nhưng về đến thôn, họ lại làm “ẩu”, thiếu dân chủ, công bằng nên dẫn đến tình trạng trên.
Thu hồi, cấp lại gạo cho đúng đối tượng
Ngày 24/2, UBND huyện Con Cuông đã thành lập đoàn kiểm tra giám sát nhiệm vụ này tại địa phương do ông Lương Văn Trung, Phó Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) phụ trách nhưng vẫn kết luận thiếu khách quan. Cụ thể là: UBND xã Chi Khê đã tổ chức tiếp nhận gạo và các chế độ chính sách khác cho nhân dân kịp thời, đúng đối tượng; mọi chế độ đều đến tay đối tượng…
Trả lời về những nội dung trên, ông Trung cho biết: “Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo và hướng dẫn của tỉnh, Sở LĐ-TB&XH, huyện đã triển khai thực hiện nghiêm túc trên cơ sở danh sách các xã gửi lên và có nhiệm vụ kiểm tra, thẩm định danh sách; đồng thời yêu cầu người đứng đầu các xã phải cam kết với huyện về công tác chỉ đạo, danh sách đối tượng, số hộ cứu đói. Xã phải phối hợp với thôn đến từng hộ để xem xét các trường hợp cần hỗ trợ thực sự.
Về triển khai, tiêu chí bình xét đối tượng là không chỉ hộ nghèo mà còn có các trường hợp hộ thiếu đói, mất mùa, tai nạn, rủi ro. Đến nay, huyện chưa nhận được báo cáo nhưng để xảy ra tình trạng trên, huyện rất lấy làm tiếc và nhận một phần trách nhiệm, bởi xã Chi Khê là địa phương có nhiều thuận lợi về kinh tế, trình độ dân trí nên chúng tôi giám sát không được chặt chẽ”.
Ông Trung cho biết thêm về hướng xử lý: “Xã phải chịu trách nhiệm và xin lỗi dân, đồng thời kiểm điểm, có hình thức xử lý đối với trưởng bản. Cùng với đó, xã phải tiến hành thu hồi gạo đã phân phát để chia lại cho đúng đối tượng. Vì xã đã ký cam kết nên phải thực hiện đúng quy định. Trong trường hợp không thu hồi được thì địa phương sẽ phải bỏ ngân sách để mua gạo, bởi các năm trước có xã làm sai, huyện đã yêu cầu mua gạo để cấp bù”.
Xuân Thống