(Congannghean.vn)-Tết đến xuân về, khi nhà nhà quây quần bên nhau đón giao thừa thì ở nơi đảo xa, những người lính phải gác lại những nỗi niềm riêng, vững chắc tay súng để bảo vệ chủ quyền vùng biển, vùng trời Tổ quốc. Để các anh yên tâm công tác, những người vợ nơi hậu phương luôn cố gắng chuẩn bị Tết thật đầy đủ, tươm tất. Sắc xuân ngập tràn với niềm hân hoan, háo hức, nhưng trong ánh mắt của các chị vẫn hiện rõ nỗi nhớ thương “tiền tuyến”...
3 năm đón Tết vắng chồng
Những ngày cuối năm, chị Hoàng Thị Phương Liên, giáo viên Trường Tiểu học Quỳnh Nghĩa, huyện Quỳnh Lưu cùng mẹ chồng tất bật chuẩn bị đón Tết. Nhà có 3 người phụ nữ và một đứa trẻ mới hơn 2 tuổi nên việc chuẩn bị năm mới của gia đình có phần đơn giản. Tết năm nay, chị Liên đã được chuyển công tác về quê nhà.
Chồng chị - anh Đinh Trọng Tiếp là cán bộ kiểm ngư Vùng 4 Hải quân. Mỗi năm, anh chỉ được nghỉ phép một lần để về thăm nhà. Chồng công tác xa nên chị Liên phải quán xuyến mọi công việc gia đình, thay chồng chăm sóc bà cố đã ngoài 90 tuổi, phụng dưỡng mẹ già và chăm sóc con nhỏ. Khó khăn, vất vả chồng chất hơn khi nơi chị công tác là Trường Tiểu học Đồng Hợp 2, huyện Quỳ Hợp cách nhà tới hơn 50 km.
Sau khi các cơ quan báo chí phản ánh về hoàn cảnh của gia đình anh chị, ngành giáo dục đã có quyết định chuyển công tác cho chị Liên về quê nhà. Giờ đây, mỗi khi nhớ lại thời điểm được cầm trong tay quyết định chuyển công tác, chị rưng rưng nước mắt. Đó là niềm vui sướng, hạnh phúc không thể nói nên lời bởi từ nay, chị sẽ có nhiều thời gian chăm sóc gia đình để anh yên tâm công tác.
Những lần gặp nhau chỉ tính trên đầu ngón tay nhưng điều đó không làm tình cảm vợ chồng bớt mặn nồng. Những giây phút đoàn tụ ngắn ngủi luôn được anh chị trân trọng, lưu giữ. Xa chồng, niềm an ủi, động viên lớn nhất của chị là cậu con trai thông minh, kháu khỉnh. Anh chị kết hôn vào đầu năm 2013 nhưng chỉ 3 tháng sau, anh Tiếp phải trở lại đơn vị công tác. Đã 3 năm chị Liên đón Tết mà không có chồng bên cạnh.
Dù đã tự nhủ bản thân phải cố gắng, không được phép mềm yếu để làm chỗ dựa cho bà, mẹ và đứa con thơ nhưng khi chứng kiến cảnh các gia đình khác sum họp, đoàn viên trong ngày Tết, chị không khỏi chạnh lòng. Giao thừa đầu tiên ở nhà chồng, lúc đó chị đang mang thai.
Thời khắc thiêng liêng chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, chị nhớ anh và tủi thân vô cùng. Gọi điện cho anh sau rất nhiều lần không liên lạc được, khi anh vừa nhấc máy, chị đã òa khóc nức nở. Cả hai đều nín lặng, khoảnh khắc giao thừa trôi qua trong nỗi nhớ mong và xúc động nghẹn ngào.
“Vì đặc thù công việc nên hầu hết mọi người trong đơn vị anh Tiếp đều chuyển gia đình vào nơi đóng quân để tiện chăm sóc. Đêm giao thừa, đồng đội quây quần, đoàn tụ bên gia đình, chỉ còn lại anh ấy phải đón Tết một mình. Dù không nói ra nhưng tôi biết anh buồn và cô đơn lắm. Năm nay anh lại không về, nhưng ở nhà mấy mẹ con đã chuẩn bị Tết đầy đủ, tươm tất. Ở nơi xa, tôi chỉ mong anh mạnh khỏe và yên tâm công tác”, chị Liên tâm sự.
“Nhớ cái Tết cùng anh trên đảo...”
Tôi may mắn được gặp Thiếu úy Nguyễn Xuân Tuyển, cán bộ tàu CSB 2012, Bộ Tư lệnh vùng Cảnh sát biển 2 khi anh được về nghỉ phép mấy ngày trước Tết tại nhà riêng ở xóm Thái Bình, xã Nghi Thái, huyện Nghi Lộc. Cũng như các đồng đội khác, năm nay, anh phải đón Tết trên đảo. Dù việc ăn Tết xa nhà đã trở nên quá đỗi quen thuộc với những người lính đảo, thế nhưng trong thời khắc chuyển giao sang năm mới, anh Tuyển vẫn không nguôi nỗi nhớ người thân.
Thiếu úy Nguyễn Xuân Tuyển chụp ảnh cùng vợ và con trai út trong đợt nghỉ phép trước Tết Bính Thân 2016 |
Tranh thủ khoảng thời gian nghỉ phép ít ỏi, anh tất bật dọn dẹp, trang hoàng lại nhà cửa và trồng thêm mấy chậu cây cảnh. Anh là con trai duy nhất trong gia đình có 5 chị em nhưng lại đi biền biệt. Vì vậy, mỗi khi được về phép, anh đều dành thời gian giúp bố làm các công việc nặng nhọc trong gia đình.
Thiếu úy Tuyển cho biết: “Càng đến gần những ngày Tết, tôi càng cảm thấy có lỗi với gia đình nhiều hơn, vì không thể đưa vợ con đi sắm Tết, thăm anh em họ hàng nội ngoại. Vì vậy, tôi chỉ biết gửi gắm tình cảm vào những dòng tin nhắn và những cuộc điện thoại”. Chị Nguyễn Thị Huyền, vợ anh Tuyển mới sinh cậu con trai thứ 2 được hơn 6 tháng. Những ngày anh về, hai đứa con quấn lấy bố không rời. Yêu nhau từ những ngày còn học chung cấp 3, đến bây giờ, khi đã trở thành mẹ của hai đứa trẻ, chị vẫn luôn thấu hiểu, chia sẻ cùng anh những khó khăn trong cuộc sống.
Cưới nhau đã 8 năm, chị may mắn được một lần cùng anh đón Tết trên đảo. Đó là Tết năm 2014, khi đứa con trai đầu vừa tròn 1 tuổi. Lúc anh ra đón hai mẹ con chị ở sân ga, cậu bé vừa nhìn thấy bố đã ôm chầm không một chút lạ lẫm. Đó cũng là lần thứ 2 anh được gặp con kể từ sau khi chị sinh cháu. Với chị Huyền, được ra đảo đón Tết cùng chồng là niềm hạnh phúc và vinh dự lớn lao.
“Đơn vị tổ chức cho các chiến sỹ và gia đình đón Tết rất ấm cúng. Tết trên đảo cũng có đầy đủ hương vị Tết như ở quê nhà. Mọi người quây quần bên nhau gói bánh chưng, chuẩn bị bàn thờ Bác, làm cây hoa dân chủ... Mỗi tàu có một phòng đón xuân, được trang trí rất đẹp và có mâm ngũ quả để thi chấm điểm. Bàn thờ Bác Hồ được các chiến sỹ bày biện chu đáo, trang trọng. Thời khắc đón giao thừa ở đảo ấm cúng, thiêng liêng và rất đỗi tự hào”, chị Huyền tâm sự.
Khi mọi công việc chuẩn bị đón Tết gần xong, trong lúc mọi người đang háo hức chờ đón thời khắc giao thừa thì anh Tuyển lại khoác ba lô lên đường trở lại đơn vị. Tết này, tàu CSB 2012 của anh ứng trực tại khu vực Đông Bắc đảo Cồn Cỏ. Tiễn anh lên đường, chị Huyền ôm 2 cậu con trai bé bỏng trong lòng mà rưng rưng nước mắt, không nói nên lời...
Giây phút chia tay của các chiến sỹ và người thân lúc nào cũng xúc động như thế. Khi mùa xuân đang gõ cửa từng nhà, tràn ngập trên mọi con đường, ngõ phố thì những người lính nơi đảo xa phải gác lại nỗi niềm riêng để vững chắc tay súng, canh giữ chủ quyền biển trời Tổ quốc. Và ở hậu phương, dẫu chưa có cái Tết nào trọn vẹn nhưng những người vợ thảo hiền, tần tảo ấy luôn mang trong mình niềm tự hào, vinh dự và gửi trọn niềm tin yêu nơi đầu sóng ngọn gió...