Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201601/thap-sang-niem-tin-tai-hoa-nhap-cong-dong-655467/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201601/thap-sang-niem-tin-tai-hoa-nhap-cong-dong-655467/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
"Thắp sáng niềm tin" tái hòa nhập cộng đồng - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Hai, 04/01/2016, 08:29 [GMT+7]

"Thắp sáng niềm tin" tái hòa nhập cộng đồng

(congannghean.vn)-Với mục đích giúp phạm nhân nâng cao nhận thức, hiểu biết xã hội, xóa bỏ tự ti, mặc cảm, thắp sáng niềm tin trở về và hòa nhập với cộng đồng, Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh Nghệ An, các trại giam, trại tạm giam trên địa bàn tỉnh đã thực hiện chương trình “Phối hợp giáo dục phạm nhân trong độ tuổi thanh niên và giúp đỡ họ tái hòa nhập cộng đồng giai đoạn 2012 - 2015”. Sau gần 4 năm triển khai thực hiện, với ý nghĩa nhân văn, chương trình đã để lại dấu ấn rõ nét trong đời sống xã hội.

Đồng chí Thiếu tướng Đỗ Tá Hảo, Cục trưởng C86, Tổng cục VIII, Bộ Công an                              thăm nơi học nghề, khu sản xuất của phạm nhân tại Trại giam số 3
Đồng chí Thiếu tướng Đỗ Tá Hảo, Cục trưởng C86, Tổng cục VIII, Bộ Công an thăm nơi học nghề, khu sản xuất của phạm nhân tại Trại giam số 3

Đứng dậy sau vấp ngã

Từng là sinh viên một trường đại học, Lê Đức H. (SN 1989) quê thị trấn Đô Lương, huyện Đô Lương vì không làm chủ được bản thân đã sớm sa vào con đường phạm pháp và bị bắt giữ. Trại giam số 6, Bộ Công an đóng tại huyện Thanh Chương là nơi H. chấp hành án phạt về hành vi đã gây ra. Sau thời gian nỗ lực cải tạo tốt cùng sự quan tâm, tạo điều kiện của cán bộ quản giáo, H. được xét giảm án, sau đó được mãn hạn tù trước thời hạn. Ra tù, anh trở về với cuộc sống đời thường nhưng vẫn không tránh khỏi mặc cảm, tự ti. Được chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, đặc biệt là tổ chức Đoàn Thanh niên và gia đình động viên, giúp đỡ, anh có thêm niềm tin và động lực để làm lại cuộc đời. Chàng trai trẻ quyết định lập nghiệp bằng nghề cơ khí, là nghề anh đã học được trong quá trình cải tạo tại trại giam.

Giống với hoàn cảnh của H., Nguyễn Đình Th. (SN 1982) trú tại xã Nghi Trường, huyện Nghi Lộc từng là phạm nhân chấp hành án tại Trại giam số 3, đóng tại huyện Tân Kỳ. Vì giây phút nông nổi, anh đã “dính chàm” và phải đối diện với bản án 15 năm tù. Trong thời gian thụ án tại Trại giam, nhận thức được lỗi lầm mà mình gây ra, anh đã nỗ lực cải tạo với mong muốn nhận được sự cảm thông, tha thứ của gia đình nạn nhân và đáp lại sự quan tâm, giúp đỡ của các cán bộ quản giáo. Cuối tháng 9 vừa qua, anh chấp hành xong án phạt tù trước thời hạn. Trở về quê hương, nhờ học được nghề mỹ nghệ trong những ngày cải tạo tại Trại giam và với niềm đam mê, Th. đã cùng người thân tạo dựng lại nghề mộc mỹ nghệ truyền thống, sản phẩm làm ra ngày càng được nhiều khách hàng ưa chuộng, mang lại thu nhập khá cho gia đình.

Câu lạc bộ Thầy thuốc trẻ Nghệ An khám, cấp phát thuốc miễn phí cho phạm nhân cải tạo tại Trại giam số 6
Câu lạc bộ Thầy thuốc trẻ Nghệ An khám, cấp phát thuốc miễn phí cho phạm nhân cải tạo tại Trại giam số 6

“Đứng dậy sau vấp ngã” là thông điệp có ý nghĩa nhân văn sâu sắc với những người từng một thời lầm lỗi, phải chấp hành bản án nghiêm minh của pháp luật. Đồng thời, thể hiện sự cảm thông, “dang rộng vòng tay” của cộng đồng đối với những phận đời từng lầm lỗi, để họ có thêm động lực vươn lên làm lại cuộc đời, trở thành người có ích cho xã hội. Còn đối với những phạm nhân đang trong quá trình cải tạo, thông điệp trên sẽ giúp họ xóa bỏ tự ti, mặc cảm, phấn đấu cải tạo tốt để sau khi mãn hạn tù, trở về tái hòa nhập cộng đồng và từng bước làm lại cuộc đời.

Đồng chí Phạm Ngọc Cảnh, Phó Bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội LHTN tỉnh cho biết: Công tác giáo dục, cải tạo phạm nhân nói chung và phạm nhân trong độ tuổi thanh niên nói riêng không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan liên quan mà cần sự chung tay vào cuộc của toàn xã hội. Nhận thức rõ điều đó, dưới sự chỉ đạo của Trung ương Hội LHTN Việt Nam, Tổng cục VIII - Bộ Công an, Hội LHTN tỉnh Nghệ An và các trại giam, trại tạm giam đóng trên địa bàn tỉnh đã tổ chức ký kết chương trình “Phối hợp giáo dục phạm nhân trong độ tuổi thanh niên và giúp đỡ họ tái hòa nhập cộng đồng giai đoạn 2012 - 2015”. Đây là hoạt động nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm của các cấp bộ hội, tổ chức thành viên của Hội LHTN Việt Nam tỉnh Nghệ An và tuổi trẻ toàn tỉnh cùng phối hợp chặt chẽ trong công tác giáo dục, cải tạo, dạy văn hóa, hướng nghiệp, dạy nghề, tổ chức cai nghiện ma túy cho phạm nhân trong độ tuổi thanh niên. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi để họ tái hòa nhập cộng đồng, xây dựng cuộc sống ổn định, đồng thời góp phần làm giảm tỉ lệ tái phạm tội, vi phạm pháp luật trong thanh niên.

Giấc mơ hoàn lương mở cánh cửa cuộc đời

Sau gần 4 năm triển khai chương trình, thông qua hình thức sinh hoạt chi đoàn, chi hội, các câu lạc bộ lồng ghép..., đã tổ chức hàng chục buổi tuyên truyền, giáo dục phạm nhân với chủ đề “Thắp sáng ước mơ vì ngày mai tươi sáng”. Đồng thời, tổ chức hàng trăm lượt tuyên truyền trên loa phát thanh tại các phân trại, xây dựng “Tủ sách thanh niên” nhằm tạo điều kiện cho phạm nhân được học tập, trau dồi kiến thức, nâng cao hiểu biết về văn hóa, xã hội. Ngoài ra, còn tổ chức cai nghiện cho phạm nhân, mở các lớp truyền thông, tư vấn về cách phòng, chống HIV/AIDS cho phạm nhân và mở các lớp dạy nghề. Những việc làm này nhằm trang bị cho phạm nhân trong độ tuổi thanh niên những kiến thức, hiểu biết về pháp luật, văn hóa - xã hội, hôn nhân, sức khỏe, giới tính. Bên cạnh đó, tổ chức các buổi gặp gỡ, chia sẻ với các thanh niên có công việc ổn định sau khi hoàn lương, tái hòa nhập cộng đồng...

Đặc biệt, hưởng ứng phong trào “Viết thư xin lỗi” do Tổng cục VIII - Bộ Công an phát động, đã có hàng trăm phạm nhân đang chấp hành án phạt tù tham gia. Thông qua những bức thư “tỉnh ngộ”, họ đã bày tỏ sự ân hận, ăn năn, hối cải trước hành vi lầm lỗi, đồng thời thể hiện khát vọng hoàn lương thông qua những dòng chữ thấm đẫm nước mắt. Mỗi bức thư chất chứa nỗi lòng riêng của phạm nhân gửi đến người thân của nạn nhân mà họ đã có phút giây nông nổi gây ra nỗi đau, sớm mong nhận được sự tha thứ, cảm thông để họ có cơ hội chuộc lại sai lầm của tuổi trẻ.

“Thông qua các hoạt động được triển khai tại các trại giam, trại tạm giam, hầu hết các phạm nhân đều được cảm hóa, nhất là phạm nhân trong độ tuổi thanh niên, giúp họ nhận thức đầy đủ hơn về giá trị cuộc sống, dần xóa bỏ mặc cảm, tự ti, có động lực phấn đấu và cải tạo tốt. Bên cạnh đó, các cấp hội cũng tích cực chủ động, kịp thời phối hợp với các đơn vị tuyên truyền về các gương phạm nhân có thành tích xuất sắc trong chấp hành án phạt, cải tạo tốt; phạm nhân sau khi ra tù có tinh thần trách nhiệm đối với cộng đồng, xã hội, tích cực tham gia đấu tranh bài trừ tệ nạn xã hội...”, đồng chí Phạm Ngọc Cảnh cho biết thêm.

Để tiếp tục là cầu nối với các trại giam, trại tạm giam trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2015 - 2020, Hội LHTN tỉnh và các đơn vị tiếp tục “đồng hành” cùng với các phạm nhân bằng việc thống nhất ký kết chương trình phối hợp. Phát biểu tại lễ ký kết, đồng chí Thiếu tướng Đỗ Tá Hảo, Cục trưởng C86, Tổng cục VIII, Bộ Công an nhấn mạnh: Thông qua công tác phối hợp giữa các đơn vị nhằm huy động nguồn lực của Hội LHTN các cấp và của toàn xã hội tham gia tích cực vào công tác giáo dục phạm nhân nói chung và phạm nhân trong độ tuổi thanh niên nói riêng học tập, cải tạo tiến bộ và giúp đỡ họ tái hòa nhập cộng đồng, trở thành người lương thiện, có ích cho xã hội.

Qua đó phát huy vai trò, trách nhiệm của các cấp Hội, các tổ chức thành viên của Hội LHTN Việt Nam và của tuổi trẻ cùng quan tâm chia sẻ, phối hợp chặt chẽ với đơn vị trại trong công tác giáo dục cải tạo, dạy văn hoá, hướng nghiệp, dạy nghề, tổ chức cai nghiện ma túy cho phạm nhân trong độ tuổi thanh niên; tạo điều kiện cho họ tái hòa nhập cộng đồng, có cuộc sống ổn định, góp phần làm giảm tỉ lệ tái phạm tội vi phạm pháp luật. Điều quan trọng là các hoạt động phối hợp tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động của các cấp Hội, cán bộ chiến sỹ, mỗi thanh niên đối với công tác giáo dục cải tạo phạm nhân, trại viên và giúp đỡ họ tái hòa nhập cộng đồng theo Nghị định 80/2011/NĐ-CP ngày 16/2/2011 của Thủ tướng Chính phủ. Nội dung, chương trình phối hợp đảm bảo thiết thực, hiệu quả.

.

Xuân Thống

.