(Congannghean.vn)-“Vào mùa hè, trời nắng nóng, ít mưa, đất đai khô cằn, ruộng không có nước nên năng suất rất thấp. Chứng kiến cảnh bố mẹ vất vả giữa trời nắng như đổ lửa để kéo dây điện bơm nước cho rau màu, em đã nảy sinh ý tưởng biến năng lượng mặt trời thành điện năng để phục vụ tưới tiêu”. Đó chính là ý tưởng manh nha cho đề tài khoa học “Khai thác năng lượng mặt trời bằng động cơ đốt ngoài” của 2 em Đậu Văn Thuận và Nguyễn Ngọc Chính, học sinh lớp 9B, Trường THCS Diễn Hải, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.
Với sáng kiến trên, 2 cậu học trò nhỏ này đã giành giải Ba cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học năm 2014 - 2015. Hiện, Thuận và Chính đang học lớp 10C1, Trường THPT Diễn Châu 4. Không chỉ giống nhau ở dáng người mảnh khảnh, làn da bánh mật, nụ cười và đôi mắt sáng ngời, Thuận và Chính còn có chung niềm đam mê lắp ráp mô hình.
Nói về mô hình động cơ đốt ngoài chạy bằng năng lượng mặt trời, Thuận cho biết: “Ban đầu, em chỉ dám chia sẻ ý tưởng với bạn Chính và có tâm sự với thầy Nguyễn Minh Đồng về những trăn trở của mình nhưng không ngờ lại được thầy khuyến khích, động viên thực hiện”. Khi nhà trường phát động cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật, hai em hào hứng tham gia với đề tài “Khai thác năng lượng mặt trời bằng động cơ đốt ngoài” dựa trên nguyên lý hội tụ ánh sáng.
Em Đậu Văn Thuận say sưa thuyết trình về mô hình |
Mô hình được thiết kế với một gương cầu lõm dùng để hứng ánh sáng mặt trời và biến chùm sáng song song của ánh sáng thành chùm sáng hội tụ, nghĩa là biến quang năng thành nhiệt năng để làm biến đổi thành cơ năng, giúp động cơ hoạt động. Ngoài ra, Thuận và Chính còn tranh thủ thời gian rảnh đến các cửa hàng phế liệu tìm kiếm lon bia, thanh sắt, hộp sữa… để cắt, gọt thành những bộ phận của động cơ như xi lanh, pít tông, bánh đà. Thiết bị còn được gắn với một bộ tích lưu để tích điện năng phòng khi thiếu ánh sáng mặt trời.
Hai em còn lên mạng tìm kiếm tài liệu, tìm hiểu thêm các nguyên lý, xây dựng những thông số kỹ thuật cho mô hình. “Những công đoạn cắt, gọt cần dùng đến máy móc, chúng em nhờ thầy Đồng làm giúp. Có khá nhiều lần lắp ráp hoàn chỉnh nhưng động cơ không hoạt động nên chúng em phải tháo ra, làm lại từ đầu”, Chính chia sẻ.
Theo Chính và Thuận, trong các thao tác lắp ghép thì công đoạn khó nhất là làm gương cầu lõm, đường kính khoảng trên 1 mét. Các thanh thép phải được cắt đều nhau, rồi uốn cong thành hình tròn làm bệ đỡ; tấm mica cắt thành hàng chục hình cánh quạt nhỏ, đều nhau để dán thành cầu lõm. Công đoạn này đòi hỏi sự tỉ mẩn đến từng chi tiết.
Sau khi giành giải Nhất toàn trường, được sự khuyến khích, giúp đỡ của thầy Đồng, Thuận và Chính tiếp tục nghiên cứu, sáng tạo mô hình lớn hơn để dự thi cấp tỉnh và quốc gia. Thầy Nguyễn Minh Đồng, Giáo viên Tin học Trường THCS Diễn Hải chia sẻ: “Tôi rất tự hào vì là người đồng hành cùng 2 em Thuận và Chính. Các em rất chăm chỉ, cần mẫn, chịu khó, thông minh và sáng tạo, mỗi khi thất bại đều không nản chí mà cố gắng tìm hướng giải quyết và không ỷ lại vào thầy. Tôi chỉ hướng dẫn các em các công đoạn khó và giải đáp những thắc mắc của các em”.
Sáng chế của 2 cậu học trò này có tính ứng dụng thực tiễn cao, giúp khai thác được nguồn năng lượng sạch, tiết kiệm; đồng thời góp phần bảo vệ môi trường sống. Nhờ vậy, công trình của 2 nhà “khoa học nhí” đã giành được giải Nhất cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh dành cho học sinh trung học năm học 2014 - 2015, giải Nhì khu vực phía Bắc và giải Ba cấp quốc gia. Cả Thuận và Chính đều được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Bằng khen về thành tích xuất sắc này.