Gia đình xã hội

Bí thư chi bộ làm kinh tế giỏi

08:13, 05/11/2015 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Bằng ý chí, nghị lực, sự năng động, dám nghĩ, dám làm, cần cù, sáng tạo và biết dựa vào lợi thế sẵn có của địa phương để làm giàu chính đáng với mô hình VACR, anh Vi Văn Dũng (SN 1964), người dân tộc Thái trú tại bản Hòa Sơn, xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An đã trở thành tấm gương để nhiều người noi theo, vươn lên thoát nghèo, phát triển kinh tế ngay trên chính quê hương mình.

Chúng tôi cùng các đồng chí cán bộ Hội Nông dân huyện vào thăm trang trại của anh Vi Văn Dũng khi anh vừa đi dự Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh Nghệ An về.

Đón tiếp chúng tôi trong căn nhà tạm đơn sơ giữa vườn cây ăn quả ngút ngàn, anh Dũng tâm sự: “Ngày trước, tôi cũng như nhiều gia đình trong bản sống ở vùng có điều kiện kinh tế khó khăn, chủ yếu là làm nương rẫy. Sản xuất phụ thuộc vào thiên nhiên, lại thiếu kiến thức khoa học kỹ thuật nên năng suất rất thấp. Mỗi năm chỉ sản xuất được 1 vụ, năm được mùa thì đủ ăn, năm mất mùa lại khó khăn, vất vả. Tôi cũng đã đi nhiều nơi, làm nhiều nghề để mưu sinh nhưng cuộc sống gia đình vẫn không khấm khá.

Năm 1996, Nhà nước có chủ trương giao đất, giao rừng cho hộ gia đình, tôi đã mạnh dạn nhận 1,8 ha rừng sau nhà và 7,44 ha ở khu vực cách nhà 1 km - nơi nhiều người không dám nhận vì toàn cỏ dại, rừng thưa.

Lúc đầu, tôi cũng nản chí, vì con cái đang tuổi ăn tuổi học nên chỉ có hai vợ chồng tự xoay xở, vì không có tiền thuê người làm. Đã có lúc tôi có ý định bỏ cuộc. Nhưng khi đó, tôi đã tận mắt chứng kiến ở các tỉnh khác, điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu khắc nghiệt hơn nhưng người dân vẫn khắc phục khó khăn để phát triển sản xuất.

Hơn nữa, vì là bí thư chi bộ của bản nên bản thân lại càng trăn trở trong việc vươn lên thoát nghèo để vừa lo cho gia đình, vừa làm gương để người dân noi theo”.

Anh Vi Văn Dũng chăm sóc đàn bò của gia đình
Anh Vi Văn Dũng chăm sóc đàn bò của gia đình

Trên mảnh đất trang trại có diện tích hơn 7 ha, anh Dũng quy hoạch theo mô hình tổng hợp VACR, với 5.420 m2 ruộng lúa bậc thang, 500 m2 ao cá, 500 m2 trồng các loại rau, 1,8 ha các loại cây ăn quả như xoài, nhãn, ổi, còn lại hơn 5 ha đất rừng vừa khoanh nuôi, bảo vệ, vừa trồng thêm một số loại cây lấy gỗ.

Để thuận lợi cho việc đi lại và vận chuyển hàng hóa, anh đã mở gần 200 m đường để xe máy có thể đi lại, đồng thời ngăn khe suối, đầu tư mua hơn 1.000 m ống nhựa dẫn nước để phục vụ việc sản xuất và chạy máy phát điện.

Qua thời gian, với bao mồ hôi, công sức, “đất không phụ công người”, đến nay, gia đình anh đã có 25 con bò, 20 con lợn đen giống địa phương, đàn gà luôn duy trì hơn 100 con. Ngoài ra, khu rừng bảo vệ đã có 40 cây gỗ đinh hương, 300 cây săng lẻ, 300 cây xoan đâu từ 6 - 8 tuổi đã đến kỳ thu hoạch…

Nhờ siêng năng, cần cù, chịu khó cộng với việc chủ động được nguồn nước tưới, cung cấp lượng phân chuồng đầy đủ và cách chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh khoa học nên các loại cây, con đều phát triển tốt. Mỗi năm, đàn bò cho sinh sản khoảng 15 con bê con, bán ra được khoảng từ 80 - 120  triệu đồng; các loại cây ăn quả và rau cho thu nhập từ 15 - 20 triệu đồng.

Ngoài ra, hàng năm, gia đình anh thu hoạch được 3,5 tấn lúa, vừa đảm bảo lương thực cho gia đình, vừa cung cấp thức ăn cho đàn gia súc, góp phần giảm chi phí trong chăn nuôi.

Khi đã tích cóp được một ít vốn, nhận thấy nhu cầu của bà con trong vùng, anh đã đầu tư 100 triệu đồng mua 2 máy cày làm đất, 1 máy tuốt lúa, 1 hệ thống máy xát liên hoàn, máy nghiền bột gia súc để phục vụ nhu cầu của gia đình và bà con nhân dân, cho thu nhập khoảng 25 - 30 triệu đồng/năm. Mỗi năm, tổng thu nhập của gia đình đạt từ 180 - 230 triệu đồng. Nhờ vậy, kinh tế của gia đình ngày càng khấm khá và 3 người con được ăn học đến nơi đến chốn.

Nếu so sánh với các trang trại ở các huyện khác trong tỉnh thì thu nhập của gia đình anh còn khá khiêm tốn. Thế nhưng, đối với Kỳ Sơn là một huyện miền núi, có tới 52,79% hộ nghèo thì con số thu nhập trên quả thực rất ấn tượng. Đó chính là kết quả của quá trình phấn đấu không biết mệt mỏi cùng với sự cần cù, chịu khó, mạnh dạn trong phát triển kinh tế của anh Vi Văn Dũng.

Được biết, trong thời gian tới, anh dự kiến sẽ thuê máy san ủi, quy hoạch lại diện tích ruộng bậc thang để thuận lợi cho việc đưa máy móc vào sản xuất, giảm diện tích trồng lúa, tăng thêm diện tích trồng rau vì rau ở Kỳ Sơn rất hiếm, nguồn cung tại chỗ không đủ nên phải vận chuyển từ miền xuôi lên. Ngoài ra, anh còn mở rộng diện tích trồng cỏ voi để nuôi thêm bò, vì đây là nguồn thu chính của gia đình.

Nhờ cách làm trên, gia đình anh Vi Văn Dũng nhiều năm liên tục đạt danh hiệu hộ sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện, được Hội Nông dân tỉnh Nghệ An tặng Bằng khen. Anh cũng là một trong 2 người vinh dự được đi dự Đại hội Nông dân điển hình tiên tiến do Hội Nông dân tỉnh tổ chức và là đại biểu dự Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh Nghệ An giai đoạn 2010 - 2015.

Trần Văn Đức

Các tin khác