Gia đình xã hội

Vượt qua cám dỗ, làm lại cuộc đời

08:00, 04/10/2015 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)- Ở xã Châu Bình, huyện Quỳ Châu, khi nhắc đến anh Vi Văn Thuyên (45 tuổi) trú tại bản Xăng 2 thì ai ai cũng biết. Từng là chỗ dựa cho gia đình, chỉ vì trong giây phút không làm chủ được bản thân, anh đã vi phạm pháp luật.

Công an và các đoàn thể xã Châu Bính, huyện Quỳ Châu vận động người dân chấp hành pháp luật, phát triển kinh tế.
Công an và các đoàn thể xã Châu Bính, huyện Quỳ Châu vận động người dân chấp hành pháp luật, phát triển kinh tế.

Lúc bấy giờ, vùng quê nơi anh Thuyên sinh sống còn rất nghèo, trong khi tìm việc làm lại khó khăn nên hễ có ai “mách nước” làm thuê việc gì, anh cũng đều tham gia. Sau những ngày vất vả mưu sinh, bị bạn bè rủ rê, anh đã “dính” vào ma túy.

Ban đầu chỉ thử cho biết, nhưng sau đó, anh trở thành con nghiện trong một thời gian dài, khiến cuộc sống gia đình khốn khó. 4 năm “sống chung” với chất gây nghiện, từ chỗ sử dụng, đến năm 2005, anh tham gia đường dây vận chuyển trái phép chất ma túy từ huyện Quế Phong về Quỳ Châu để vừa “phục vụ” nhu cầu bản thân, vừa chia nhỏ bán kiếm lời.

Tuy nhiên, anh đã bị cơ quan Công an bắt về hành vi mua bán trái phép chất ma túy, bị kết án 7 năm tù giam, thụ án tại Trại giam số 3 - Bộ Công an.

Sau một thời gian phấn đấu cải tạo tốt, đầu năm 2011, anh Thuyên được trở về địa phương. Những ngày đầu về bản, anh rất mặc cảm, tự ti, sợ sự dị nghị của dân làng nhưng được sự quan tâm, động viên kịp thời của chính quyền và các ban, ngành, trực tiếp là Ban Công an, Hội Nông dân xã và anh em, họ hàng, anh đã bắt tay xây dựng cuộc sống mới bằng việc phát triển kinh tế hộ gia đình.

Trong lúc kinh tế gia đình khó khăn, để có vốn liếng ban đầu, anh đã phải bươn chải làm thuê gần một năm trời để tích cóp tiền cho việc đầu tư thiết bị, nguyên vật liệu. Có trong tay hơn 40 triệu đồng, anh mở xưởng đóng gạch táp-lô, cung cấp vật liệu xây dựng cho người dân địa phương và các vùng lân cận.

Do tận dụng được nguyên liệu cát, sỏi có sẵn và các phụ gia nên đã giảm được chi phí trong các công đoạn sản xuất gạch. Nhờ uy tín trong làm ăn, xưởng sản xuất của gia đình anh được nhiều người biết đến, mang lại nguồn thu nhập khá.

Có số vốn ban đầu, anh tiếp tục mạnh dạn mở rộng kinh doanh như mở dịch vụ xay xát, thu mua gỗ vườn để nhập cho các thương lái bán lại cho các địa phương. Công việc làm ăn “thuận buồm xuôi gió” đã giúp gia đình anh trở thành hộ khá của bản, của xã, được chính quyền và các đoàn thể địa phương đánh giá cao.

Không chỉ vượt qua cám dỗ để làm lại cuộc đời, tạo nguồn thu nhập khá cho gia đình, anh còn là tấm gương về sự thương yêu, quan tâm giúp đỡ người khác, trở thành người có ích cho xã hội. Hiện, mô hình kinh tế của anh tạo công ăn việc làm mùa vụ cho 10 lao động địa phương, với thu nhập từ 4 - 5 triệu đồng/tháng, trong đó có 3 trường hợp cùng cảnh ngộ với anh.

Cũng như trường hợp của anh Vi Văn Thuyên, anh Phan Trung Sỹ (53 tuổi) trú tại bản Nông Trang, xã Châu Bính cũng là tấm gương về nghị lực vượt qua lầm lỗi, làm lại cuộc đời. Là người miền xuôi, theo bố mẹ lên định cư rồi lập gia đình, sinh sống ở huyện miền núi Quỳ Châu, Sỹ bị bạn bè lôi kéo vào con đường phạm pháp.

Với hành vi mua bán trái phép chất ma túy, anh bị bắt giữ và tuyên phạt 14 năm tù. Cuối năm 2013, anh mãn hạn tù trở về quê hương. Lúc bấy giờ, do hoàn cảnh gia đình khó khăn và sự mặc cảm nên anh đã trải qua những ngày tháng đầy khó khăn.

Được sự quan tâm của địa phương, trực tiếp là Ban Công an xã, anh đã sớm hòa nhập với cộng đồng, từng bước làm lại cuộc đời. Hiện tại, anh đã mở ki-ốt kinh doanh hàng tạp hóa và hàng ăn tại nhà, có điều kiện chăm sóc con cái, được người dân nơi đây tin yêu, các cấp, ngành địa phương ghi nhận.

Đồng chí Lương Thanh Biên, Trưởng Công an xã Châu Bính cho biết: Sự quan tâm, giúp đỡ của các tổ chức, đoàn thể địa phương, nhất là cộng đồng và gia đình đã giúp nhiều người lầm lỗi vượt qua mặc cảm, từng bước xây dựng cuộc sống mới, vươn lên làm giàu chân chính.

Những trường hợp này đã được Công an xã Châu Bính chọn làm điểm để nhân rộng, nhằm giáo dục thanh, thiếu niên tránh xa các tệ nạn xã hội… Không chỉ làm tốt công tác cai nghiện, giúp đỡ người lầm lỗi tái hòa nhập cộng đồng, nhiều năm qua, Công an xã Châu Bính đã chỉ đạo, triển khai thực hiện, xây dựng có hiệu quả các mô hình phòng chống tội phạm.

Điển hình là mô hình “Bản không có ma túy” ở bản Phà Đánh và mô hình “Bản không có tội phạm” ở bản Cọc được duy trì hơn 20 năm nay. Đây là những bản thuần Thái, mặc dù điều kiện kinh tế còn khó khăn nhưng tình hình ANTT luôn được giữ vững. Người dân trong bản luôn đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ nhau và bảo ban con cháu tránh xa các tệ nạn xã hội, tu chí làm ăn, xóa bỏ các hủ tục, xây dựng bản làng theo nếp sống mới, văn minh”.

Xuân Thống

Các tin khác