Gia đình xã hội
Mang thai hộ: 'Cứu' hy vọng cho nhiều gia đình
Dự kiến tháng 12/2015, Bệnh viện Phụ sản Trung ương sẽ chào đón bé sơ sinh đầu tiên nhờ kỹ thuật mang thai hộ.
Luật Hôn nhân-Gia đình (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1/1/2015, đã cho phép 3 bệnh viện tại Việt Nam thực hiện kỹ thuật mang thai hộ gồm: Bệnh viện Phụ sản Trung ương (miền Bắc), Bệnh viện Trung ương Huế (miền Trung) và Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ (miền Nam).
Đây là quy định mang tính nhân đạo, nhằm tạo điều kiện cho các cặp gia đình hiếm muộn có con.
Ảnh minh họa |
Mới đây, Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM) đã thông tin kết quả ca mang thai hộ đầu tiên tại bệnh viện, trong đó có 2 ca thành công, 1 ca đã có tim thai - song thai.
Tại miền Bắc, Bệnh viện Phụ sản Trung ương cũng có rất nhiều người đăng ký thực hiện kỹ thuật này. Hiện, bệnh viện đã thực hiện thành công 20 ca mang thai hộ.
Theo TS. Lê Hoàng, Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương, những trường hợp thực hiện thành công ca mang thai hộ sẽ được các bác sĩ theo dõi trong 12 tuần đầu. Sau 12 tuần, nếu bệnh nhân ở xa, bệnh viện sẽ bàn giao về tuyến tỉnh theo dõi tiếp.
Dự kiến, khoảng tháng 12/1015 hoặc tháng 1/2016, bệnh viện sẽ chào đón bé đầu tiên nhờ kỹ thuật mang thai hộ.
TS Lê Hoàng cũng cho biết, ở Việt Nam, kỹ thuật mang thai hộ không khó, các bác sĩ hoàn toàn có thể thực hiện tốt được kỹ thuật này. Vì vậy, từ khi Luật cho phép, bệnh viện đã bắt tay ngay vào thực hiện.
Thực tế, có rất nhiều phụ nữ có hoàn cảnh éo le, thậm chí không có tử cung, người bị bệnh tim nặng không thể có con hoặc bệnh nhân bị tai nạn giao thông hỏng hoàn toàn tử cung… cũng đã đến bệnh viện nhờ thực hiện kỹ thuật này.
“Bệnh viện đã thực hiện thành công mang thai hộ cho 1 ca phụ nữ không có tử cung. Người này bên ngoài là phụ nữ bình thường, nhiễm sắc thể phụ nữ, có gia đình, có buồng trứng nhưng không có con. Khi biết Luật cho phép, họ đã tìm đến bệnh viện với đầy đủ hồ sơ pháp lý. Chỉ vài tháng tới, người phụ nữ không có tử cung sẽ được làm mẹ như bao người phụ nữ khác”, TS Lê Hoàng tự hào.
Tỉ lệ thành công cao
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến, thực tế, có rất nhiều phụ nữ không thể mang thai vì nhiều nguyên nhân nhưng vẫn có trứng và có nhu cầu sinh con; có người có bệnh lý ở tử cung và không thể mang thai, kể cả đã được hỗ trợ sinh sản và cũng có người cứ mang thai là bị rối loạn đông máu...
Mang thai hộ là hình thức nhờ bệnh viện lấy trứng của mẹ và tinh trùng của người cha để thụ tinh trong ống nghiệm, sau đó chuyển phôi cho một phụ nữ khác nhờ mang thai hộ. Những năm qua, Việt Nam cấm mang thai hộ nên đã có người phải ra nước ngoài để thực hiện dịch vụ này. Trở về nước, họ gặp rất nhiều khó khăn khi làm giấy tờ, xác định hồ sơ nhân thân cho cháu bé.
Tuy nhiên, từ khi Luật cho phép, đến nay cả nước đã thực hiện thành công 22 ca mang thai hộ, đem lại hy vọng và hạnh phúc cho nhiều gia đình. Trong đó, Bệnh viện Phụ sản Trung ương thực hiện 20 ca, Bệnh viện Từ Dũ thực hiện thành công 2 ca.
Theo TS. Lê Hoàng, tỉ lệ thành công khi thực hiện kỹ thuật mang thai hộ cao hơn kỹ thuật mang thai trong ống nghiệm. Vì những người mang thai hộ thường khỏe mạnh, không có bệnh lý và đã sinh con. Tuy nhiên, trước khi thực hiện, cả người nhờ mang thai hộ và người mang thai hộ đều phải được các bác sĩ tư vấn kỹ về tâm lý.
Tại Việt Nam, chi phí kỹ thuật cho một ca mang thai hộ khoảng 30-50 triệu đồng trong khi đó tại Singapore khoảng 400 triệu đồng. Tại Thái Lan, chi phí cho một ca mang thai hộ trên 300 triệu đồng, Philippines khoảng 200 triệu đồng.
Bên cạnh đó, quy trình mang thai hộ cũng đơn giản. Bệnh viện sẽ tư vấn những điều kiện được mang thai hộ vì mục đích nhân đạo cho cả người nhờ mang thai hộ và người mang thai hộ. Sau đó, Hội đồng chuyên môn và Hội đồng khoa học kỹ thuật của bệnh viện sẽ kiểm tra xác định cặp vợ chồng hiếm muộn có đúng chỉ định được thực hiện kỹ thuật mang thai hộ hay không.
“Khi các cặp vợ chồng có đủ hồ sơ pháp lý, chúng tôi không để bệnh nhân chờ. Họ đợi là đợi vòng kinh của người nhận và người cho phù hợp. Ngoài ra, còn phụ thuộc vào sức khỏe của chính người mang thai hộ”, TS.Lê Hoàng nói.
Sau khi xác định đúng, bệnh nhân sẽ được hướng dẫn làm hồ sơ theo quy định của pháp luật. Hồ sơ này sẽ do Hội đồng chuyên môn và Hội đồng khoa học kỹ thuật của bệnh viện duyệt và quyết định trường hợp nào sẽ được phép thực hiện mang thai hộ theo quy định.
Theo ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, để kiểm soát tình trạng thương mại hóa trong quá trình mang thai hộ, người mang thai hộ sẽ được thống kê trên hệ thống máy tính có kết nối dữ liệu. Khi người mang thai hộ đăng ký làm tại trung tâm này mà sang trung tâm khác đăng ký sẽ không được thực hiện.
Tuy nhiên, các cặp vợ chồng phải xác định thực hiện kỹ thuật này vẫn có rủi ro. Do đó, không có con, các cặp vợ chồng vẫn có thể nhận con nuôi để duy trì hạnh phúc gia đình.
Nguồn: Chinhphu.vn