Gia đình xã hội

Làm giàu ở đỉnh Thăm-Ma-Trên

09:58, 22/09/2015 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN
(Congannghean.vn)-Trên đỉnh Thăm Ma Trên cao vời vợi, có một người đàn ông từ hai bàn tay trắng nhưng với nghị lực vượt khó đã “chinh phục” được dãy Trường Sơn bốn mùa mây phủ. Tinh thần lao động không mệt mỏi của ông đã trở thành điển hình tiêu biểu trong phong trào thi đua yêu nước trên mặt trận xóa đói giảm nghèo vùng miền Tây xứ Nghệ. Ông là Lầu Chống Tủa trú tại bản Trường Sơn, xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn.

Từ Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn, muốn đến được “đại bản doanh” của ông Lầu Chống Tủa, phải mất gần 1 tiếng đồng hồ, qua nhiều dốc cao, vực sâu trên đỉnh dãy Trường Sơn hùng vĩ thuộc xã Nặm Cắn, huyện Kỳ Sơn. Không phải là người bản xứ nhưng với sự lao động cần cù từ bàn tay, khối óc của mình, ông Tủa đã vươn lên, chiến thắng cái đói, cái nghèo nhờ mô hình kinh tế VACR.

Ông Tủa sinh năm 1950 ở xã Mường Lống. Nhận thấy địa bàn xã Nậm Cắn giao thông thuận lợi, có cửa khẩu và nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế hộ gia đình, năm 1976, ông Tủa đến đây sinh sống, rồi lấy vợ, sinh con. Vì nhà đông con nên gia đình ông quanh năm nghèo đói. Làm nương rẫy nên năm được mùa thì đủ ăn, còn không thì cả nhà lại phải chịu đói, phải trông chờ vào rau rừng. Dần dà, kinh tế địa phương có bước phát triển nhờ tiếp thu các chủ trương của Đảng, chính sách Nhà nước về xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế hộ gia đình. Nhận thức được trách nhiệm của một đảng viên, ông Lầu Chống Tủa luôn trăn trở về việc phải làm gì để vực dậy kinh tế gia đình, đảm bảo cuộc sống, vừa để bà con dân bản học tập.

Ông Lầu Chống Tủa chăm sóc đàn lợn tại trang trại của mình
Ông Lầu Chống Tủa chăm sóc đàn lợn tại trang trại của mình

Ông Tủa đã bàn với gia đình chọn khu đất thuận lợi để cải tạo làm nương rẫy, đồng thời có điều kiện chăn nuôi để thoát nghèo. Ban đầu, ông chỉ khai hoang làm ruộng khô, sau đó tìm cách dẫn nước về để có thể canh tác được 2 vụ/năm, kết hợp vay mượn tiền để chăn thả bò trên vùng đồi thấp. Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, khi lương thực có thể đảm bảo cho gia đình, gia súc có thể bán kiếm lời, ông đã đi đến các địa phương để học hỏi kinh nghiệm phát triển mô hình kinh tế trang trại VACR khép kín.

Trên diện tích sẵn có, nhờ khai hoang vùng đất rộng hơn 20 ha, ông Tủa đã xây dựng mô hình theo quy hoạch thành 3 khu riêng biệt: Nơi nuôi trâu, bò; nơi nuôi dê và khu vực gần nhà, gần lán trại để chăn thả lợn, gà. Ngoài ra, tận dụng chỗ gần khe, ông đào ao thả cá trên diện tích mặt nước hơn 1.500 m2 và trồng cỏ voi làm thức ăn cho gia súc. Để đảm bảo lương thực, ông khai hoang 3 ha để trồng lúa rẫy, kết hợp trồng 2 ha ngô, 1 ha đào, mận được lấy giống từ vùng Mường Lống, nơi được xem là “thủ phủ” của giống hoa quả này.

Đất không phụ công người, sau gần 4 thập kỷ bám trụ tại nơi được xem là chốn “thâm sơn”, bằng sức lao động chân chính, không ngừng học hỏi, đến nay, trang trại của ông đã có đầy đủ các loại cây, con, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Từ 8 con bò nay đã phát triển thành đàn 65 con, trong đó có 18 con trong thời kỳ sinh sản, mang lại thu nhập trên 100 triệu đồng/năm; đàn dê 18 con, mỗi năm xuất bán từ 10 - 12 con, cho thu nhập từ 20 - 30 triệu đồng; đàn lợn trên dưới 20 con (cả sinh sản và để bán) đem lại thu nhập 30 triệu đồng/năm; đàn gà được duy trì khoảng 200 con; ao cá và các loại nông sản như ngô, bí cũng góp phần không nhỏ vào việc cải thiện kinh tế gia đình. Ngoài ra, còn nhiều diện tích rừng bảo vệ đang được chăm sóc tốt, với hơn 500 cây gỗ dổi, gỗ de sắp đến kỳ thu hoạch... Sau khi trừ các khoản chi phí, tổng thu nhập của gia đình đạt từ 200 - 250 triệu đồng/năm.

Nhờ kinh tế gia đình ổn định, ông có điều kiện nuôi 9 người con ăn học đầy đủ, trong đó có người đã thành đạt, đảm nhiệm các công việc tại địa phương, trở thành tấm gương để người dân trong vùng học tập.

Nói về gương điển hình làm kinh tế giỏi của ông Lầu Chống Tủa, ông Hờ Chống Nhìa, Chủ tịch UBND xã Nậm Cắn cho biết: “Mô hình trang trại của ông Tủa có quy mô lớn và cho thu nhập cao nhất ở địa phương. Không chỉ làm giàu cho gia đình, ông còn quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ bà con dân bản về cây, con giống, giúp 10 hộ nghèo vươn lên làm giàu”.

Xuân Thống

Các tin khác