Gia đình xã hội
'Tuổi cao chí càng cao, nêu gương sáng vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc'
(Congannghean.vn)-“Kính lão trọng thọ” là một nét đẹp truyền thống của dân tộc Việt Nam, là sự ghi nhận của Đảng và Nhà nước về vai trò cũng như những cống hiến to lớn của lớp người cao tuổi Việt Nam trong sự nghiệp giữ vững ổn định chính trị - xã hội cơ sở, góp phần xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới. Đồng thời, thể hiện lòng biết ơn của thế hệ sau với thế hệ trước, của lớp người trẻ tuổi đối với người cao tuổi và đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, trọng nhân nghĩa của nhân dân ta.
Sinh thời, Bác Hồ luôn dành tấm lòng trân trọng đối với người cao tuổi. Theo Bác, người cao tuổi đã sống cả cuộc đời cho con, cho cháu, cho xã tắc, sơn hà, là những già làng, trưởng bản có tiếng nói ảnh hưởng đến lớp trẻ, đến cộng đồng làng, xã. Sau 30 năm xa quê hương, khi đặt chân về nước, Người đã gửi lời hiệu triệu đến các vị phụ lão trong cả nước dưới danh xưng Nguyễn Ái Quốc với những lời tâm huyết: “Trách nhiệm của các vị phụ lão chúng ta đối với nhiệm vụ đất nước thật là trọng đại. Đất nước hưng thịnh do phụ lão gây dựng, đất nước tồn tại do phụ lão giúp sức. Nước mất phụ lão cứu. Nước suy sụp phụ lão duy trì. Nước nhà hưng, suy, tồn, vong, phụ lão đều gánh trách nhiệm rất nặng nề…”.
Người lại nói: “Chúng ta là bậc phụ lão, cần phải tinh thần đoàn kết trước để làm gương cho con cháu ta. Vậy tôi mong các vị phụ lão ở Hà thành ra xung phong tổ chức “Phụ lão cứu quốc Hội” để cho các phụ lão cả nước bắt chước và để hùn sức giữ gìn nền độc lập của nước nhà”. Như vậy, ngay những ngày đầu về nước trực tiếp chỉ đạo cách mạng Việt Nam, lúc mới thành lập nước, thù trong giặc ngoài đe dọa, Bác Hồ đã đánh giá rất cao tiềm năng và vai trò của người cao tuổi. Đồng thời, để khai thác và phát huy hết tiềm năng đó thì việc đầu tiên là phải đưa người cao tuổi vào sinh hoạt trong một tổ chức nhất định, lúc đó là “Phụ lão cứu quốc”.
Không phụ lòng mong mỏi của Bác, hàng triệu người cao tuổi hiện nay đã “nêu gương sáng” cho lớp lớp con cháu bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, hiệu quả trên mọi lĩnh vực, đặc biệt là trong việc tham gia xây dựng hệ thống chính trị, chống lại âm mưu chia rẽ khối đại đoàn kết của các thế lực thù địch… Phần đông người cao tuổi sẵn sàng nhận nhiệm vụ trên các cương vị công tác được Đảng và nhân dân giao phó với sự nhiệt tình và tinh thần trách nhiệm cao. Có những người tuổi đã cao, khi bắt đầu nghỉ hưu cũng là lúc bắt tay vào công việc mới do cấp ủy Đảng, chính quyền và bà con cơ sở tín nhiệm. Các cụ làm việc không ngơi nghỉ, say mê với công việc bằng cả tấm lòng cho quê hương, đất nước.
Qua thực tế, các phong trào thi đua, nêu gương sáng của người cao tuổi Việt Nam càng khẳng định: Người cao tuổi là một lực lượng chính trị, xã hội ngày càng đông đảo ở nước ta, đã và đang có những đóng góp quan trọng vào việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị ở địa phương, góp phần thúc đẩy sự nghiệp đổi mới đất nước và giữ vững ổn định chính trị - xã hội, an ninh quốc gia, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
Nhằm tạo cơ sở pháp lý cao hơn để ghi nhận vai trò, đảm bảo tốt hơn việc chăm sóc, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người cao tuổi, ngày 23/11/2009, Quốc hội khóa XII đã thông qua Luật Người cao tuổi. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2010, với quy định cụ thể về quyền và nghĩa vụ của người cao tuổi; chính sách của Nhà nước đối với người cao tuổi; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, gia đình và cá nhân đối với người cao tuổi; Quỹ chăm sóc và phát huy người cao tuổi; đồng thời quy định rõ các hành vi bị cấm thực hiện đối với người cao tuổi.
Chính phủ, các bộ, ngành cũng đã ban hành các quy định chi tiết hướng dẫn thi hành luật, chiến lược, các chương trình hành động liên quan đến người cao tuổi, đó là cơ sở pháp lý quan trọng cho việc thực hiện công tác người cao tuổi. Việt Nam còn thành lập Ủy ban Quốc gia về người cao tuổi Việt Nam năm 2004. Ngoài ra, Hội Người cao tuổi Việt Nam được tổ chức từ Trung ương đến địa phương. Nhờ vậy, người cao tuổi nước ta đã được toàn xã hội quan tâm và chăm sóc tốt hơn.
Cùng với cả nước, Hội Người cao tuổi tỉnh Nghệ An đã đẩy mạnh phong trào thi đua “Tuổi cao - gương sáng” trên 3 hoạt động: Chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh và đạt được những thành tích đáng tự hào trong việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; chủ trương, nghị quyết của Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam. Đồng thời, người cao tuổi tỉnh nhà là lực lượng quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch vững mạnh. Năm 2014, có 28.258 người cao tuổi tham gia công tác Đảng, chính quyền, mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, khuyến học, phòng chống tội phạm, thanh tra nhân dân, tổ hòa giải…
Dù trong gia đình hay đối với hàng xóm, xã hội, là thời chiến hay thời bình, học tập và làm theo tấm gương của Bác “Tuổi cao - gương sáng”, lớp người cao tuổi luôn là những bậc tôn trưởng, luôn nêu gương. Vì vậy, sức mạnh của những lời hiệu triệu, tiên phong của các bậc phụ lão trong đấu tranh cách mạng, trong xây dựng và phát triển đất nước có ảnh hưởng to lớn đến tinh thần đoàn kết toàn dân. Tinh thần đoàn kết ấy có thể “góp gió thành bão, tụ hơi thành mây…”, là tấm gương sáng về mọi mặt cho thế hệ con cháu noi theo.
Minh Thụ